Quang cảnh hội nghị
Đồng chí Nguyễn Thành Tâm - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì hội nghị. Cùng tham dự có đồng chí Nguyễn Thanh Ngọc - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo.
Bốn chương trình đột phá để phát triển kinh tế-xã hội được Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tây Ninh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định là: Đột phá về phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông; về phát triển nông nghiệp công nghệ cao; về phát triển du lịch; về phát triển nguồn nhân lực gắn với cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin.
Theo kế hoạch giai đoạn 2021-2025, lĩnh vực nông nghiệp đề ra khá nhiều nội dung nhằm hoàn thành và thực sự tạo nên đột phá trong giai đoạn mới này, trong đó, tập trung tháo gỡ vướng mắc, cơ bản hoàn thành sắp xếp đất đai các công ty nông nghiệp, đồng thời rà soát các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư, tăng cường thu hút, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, liên kết cùng nông dân, hình thành chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp công nghệ cao bền vững. Thu hút ít nhất 1 nhà máy sản xuất chế biến, bảo quản rau quả, cây ăn trái gắn với vùng nguyên liệu; 1 nhà máy chế biến, giết mổ gia súc hiện đại; 1 nhà máy chế biến thủy sản; 1 nhà máy chế biến sữa.
Riêng đối với hạ tầng giao thông, có khá nhiều nội dung cần phải thực hiện, với các dự án mang tính quan trọng, tạo động lực thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển. Cụ thể, trong năm 2021, ngành chú trọng hoàn thành 3 nhiệm vụ về quy hoạch, đề án, chương trình phát triển (lập các Quy hoạch ngành quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; xây dựng Đề án phát triển các loại hình vận tải dịch vụ cảng đường sông - logistics tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030; rà soát Quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030). Kế đó là hoàn thành 3 dự án trọng điểm (gồm Dự án nâng cấp, mở rộng đường ĐT.782-ĐT.784; đường Đất Sét - Bến Củi; Dự án cầu An Hoà); Khởi công 3 dự án trong quí III/2021 (đường Liên tuyến kết nối vùng N8-ĐT.787B-ĐT.789, đường ĐT.795, đường ĐT.794 từ ngã ba Kà Tum đến cầu Sài Gòn, giai đoạn 2). Dự án Cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài là một nội dung trọng tâm được tỉnh đặc biệt quan tâm, đặt ra mục tiêu phấn đấu hoàn thành các thủ tục để năm 2023 có thể khởi công dự án và trong năm 2025 đưa dự án vào khai thác sử dụng. Đồng thời, thực hiện theo quy trình đối với dự án Cao tốc Gò Dầu - Xa Mát (giai đoạn 1 đến thành phố Tây Ninh). Dự án Tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông phấn đấu hoàn thành giai đoạn 1 trong năm 2022 và tiếp tục triển khai thực hiện hoàn thành giai đoạn 2 trong năm 2023.
Các thành viên Ban chỉ đạo tập trung thảo luận về các nội dung sẽ thực hiện trên các lĩnh vực đột phá. Trong đó, có nhiều ý kiến thảo luận sâu về đầu tư phát triển Khu du lịch núi Bà Đen, tạo sự lan tỏa ra các ngành, nghề, lĩnh vực khác, dịch vụ khai thác từ khu du lịch, kế hoạch phát triển du lịch liên kết vùng Đông Nam Bộ; về kết nối du lịch đường bộ, đường thủy, vườn cây ăn trái, du lịch theo hình thức homestay, farmstay; quan tâm xây dựng ứng dụng du lịch, xây dựng và quản lý hiệu quả hệ thống quản lý tập trung của tỉnh.
Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Phạm Hùng Thái phát biểu tại hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Phạm Hùng Thái cho rằng, để thực hiện đột phá về du lịch đạt hiệu quả cần có sự kết nối đồng bộ giữa du lịch với các lĩnh vực khác để tạo điểm nhấn, sự lan tỏa, nhất là sự lan tỏa từ khu du lịch Núi Bà. Các kế hoạch, định hướng phát triển du lịch phải rõ ràng, đồng thời tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân tham gia phát triển du lịch, đạt được mục tiêu đa dạng, phong phú; đồng thời hỗ trợ, tạo điều kiện thúc đẩy tiến độ triển khai dự án phát triển du lịch sinh thái tại đảo Nhím - hồ Dầu Tiếng. Tận dụng thời gian nghỉ dịch, các doanh nghiệp, cơ sở du lịch quan tâm củng cố lại tổ chức, đầu tư hạ tầng để chuẩn bị sẵn sàng đón khách khi hết dịch.
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị cần gắn du lịch với các cơ sở lưu trú, nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giải trí; nên định hình một số khu vực sẽ phát triển trung tâm thương mại, vui chơi, giải trí để phát triển du lịch trong giai đoạn tới. Ngành Văn hóa nghiên cứu, có thể thuê tư vấn xây dựng ứng dụng du lịch, cung cấp thông tin liên quan đến du lịch tạo sự hấp dẫn, thu hút du khách.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến phát biểu tại hội nghị
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng phát biểu tại hội nghị
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến cho rằng, cần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch phù hợp với nhu cầu của du khách, chú trọng quảng bá hình ảnh, đề xuất, bổ sung mô hình phát triển du lịch gắn với nông nghiệp. Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng đề cập đến việc "thổi hồn" vào du lịch, tạo sức hút đối với du khách. Song song đó, cần sơ kết đánh giá quá trình hợp tác với các với doanh nghiệp để nâng cao tầm hợp tác đạt chất lượng cao hơn.
Đồng chí Võ Đức Trong - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh góp ý vào kế hoạch
Đồng chí Võ Đức Trong - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh nêu ra các nội dung trọng tâm mà các ngành cần tập trung thực hiện, trong đó, về nông nghiệp cần sắp xếp lại các công ty nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu thu hút các dự án đầu tư nông nghiệp, sắp xếp đất công để thu hút đầu tư; cần lấy OCOP làm nền tảng của nông nghiệp.
Đồng chí Nguyễn Thanh Ngọc - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phát biểu tại hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thanh Ngọc - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo đề nghị các ngành rà soát lại những quy định của tỉnh hiện nay liên quan đến phát triển kinh tế, đầu tư nhưng chưa đáp ứng nhu cầu, thậm chí đang là điểm nghẽn để có hướng tháo gỡ, nhất là về đất đai, quy hoạch, xây dựng; tạo chuyển biến mạnh mẽ về cải cách hành chính, môi trường đầu tư; tháo gỡ nút thắt, cản trở cải cách hành chính. Tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng hiệu quả của Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh; hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động Trung tâm Giám sát điều hành kinh tế-xã hội tập trung của tỉnh, có cơ chế thực hiện "nguyên liệu" đầu vào phục vụ công tác quản lý, điều hành, trước mắt là ở một số lĩnh vực. Cụ thể hóa Chương trình ký kết phát triển du lịch miền Đông Nam Bộ theo giai đoạn và hàng năm; tiếp tục đẩy mạnh triển khai đồng bộ Đồ án quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen tỉnh Tây Ninh đến năm 2035 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tạo điều kiện thu hút đầu tư và triển khai các dự án đã và đang được cho chủ trương; từng bước hình thành dịch vụ du lịch về đêm…
Bên cạnh đó, cần xem xét việc thực hiện chính sách đào tạo nguồn nhân lực, thu hút nhân tài, nhất là tiếp tục tập trung đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho các nhiệm vụ đột phá. Về lĩnh vực giao thông, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các ngành đặc biệt quan tâm việc thực hiện dự án cao tốc TPHCM-Mộc Bài, dự án Cao tốc Gò Dầu - Xa Mát; Bờ kè thị trấn Gò Dầu và dự án hệ thống thu gom và xử lý nước thải thành phố Tây Ninh. Về du lịch cần gắn kết chặt chẽ các tuyến, tua du lịch trong và ngoài tỉnh; xây dựng đa dạng hóa các sản phẩm du lịch; tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân cùng tham gia làm du lịch, gắn với giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể mà Tây Ninh hiện có. Về nông nghiệp, cần thu hút đầu tư vùng nông nghiệp công nghệ cao, triển khai Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, tạo điều kiện cho một số mô hình phát triển nông nghiệp, đồng thời thúc đẩy kinh tế hợp tác, hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp.
Đồng chí Nguyễn Thành Tâm - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phát biểu kết luận hội nghị
Kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Thành Tâm - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh, các thành viên Ban chỉ đạo cần chú trọng cách thức tiếp cận vào các lĩnh vực sát hơn, tập trung vào các vấn đề liên quan cơ chế, chính sách để có hướng giải quyết khó khăn, vướng mắc nhằm thực hiện đạt các mục tiêu đột phá mà Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh đã đề ra.
Định hướng những vấn đề lớn ở từng lĩnh vực đột phá, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu lãnh đạo các ngành bám quy trình xây dựng quy hoạch tổng thể của tỉnh, xác định những định hướng mang tính chiến lược của từng ngành, lĩnh vực đột phá, nhất là công trình, dự án, đề án mang tính trọng điểm gắn với những định hướng đột phá đã xác định theo Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh để tập trung lãnh đạo thực hiện trong 5 năm tới.
Các ngành cần quan tâm thực hiện Đề án phát triển sản phẩm du lịch, trong đó, xác định được sản phẩm du lịch chiến lược của tỉnh để tập trung phát triển; tập trung phát triển hệ sinh thái cho ngành du lịch (hạ tầng du lịch, người dân tham gia vào du lịch ngày càng chuyên nghiệp hơn); ngành cần có những định hướng thực hiện tiếp thị, quảng bá tạo ra những hoạt động, sự kiện thu hút, khai thác du lịch; cùng Hiệp hội Du lịch tỉnh bàn biện pháp vượt qua dịch bệnh, đảm bảo thu hút du khách sau khi tình hình dịch bệnh được kiềm chế, mở cửa đón khách trở lại. Ngành nông nghiệp cũng nên tham gia vào lĩnh vực này một cách chủ động.
Với lĩnh vực nông nghiệp, đồng chí đề nghị xây dựng Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp toàn ngành và từng ngành, theo hướng gia tăng giá trị của ngành, có liên kết chặt chẽ, hình thành chuỗi liên kết. Trong giai đoạn tới, ngành bám vào Chương trình OCOP với mục tiêu là hình thành, phát triển các sản phẩm mang thương hiệu địa phương nhằm giải quyết được thị trường tiêu thụ cho nông sản địa phương. Năm 2021, cần xây dựng được quy hoạch nông nghiệp công nghệ cao làm cơ sở đầu tư; tập trung giải quyết đất đai nông lâm trường tạo quỹ đất kêu gọi đầu tư. Tập trung đúng tiến độ Dự án Tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông, định hướng khai thác hiệu quả vùng tưới, nâng cao giá trị sản xuất.
Đồng chí cũng chỉ đạo, trong 5 năm tới, cần hoàn thành quy hoạch chung cùng với kế hoạch triển khai thực hiện quy hoạch; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với chính quyền điện tử, chính quyền số, nâng cao các chỉ số phản ánh nền hành chính tỉnh; xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực khu vực công đáp ứng yêu cầu phát triển của giai đoạn mới; đồng thời có chính sách phát triển nguồn nhân lực ngoài khu vực công phục vụ cho nền kinh tế.
Nhã Khôi