Sáng 28.11, đoàn công tác của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương do ông Lê Minh Trí- Uỷ viên Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh Tây Ninh với nội dung kiểm tra, đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp năm 2018.
Tiếp và làm việc với đoàn kiểm tra có ông Trần Lưu Quang, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh cùng đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, HĐND tỉnh và các cơ quan tư pháp có liên quan.
Ông Phạm Hùng Thái- Trưởng Ban Nội chính Tỉnh uỷ, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện cải cách tư pháp tại địa phương. Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp uỷ, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị kịp thời quán triệt và thực hiện nghiêm các kết luận, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương về các nhiệm vụ thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị. Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh đã ban hành chương trình trọng tâm công tác cải cách tư pháp nhiệm kỳ và hằng năm sát với chỉ đạo của Trung ương, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đạt được kết quả cao.
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Cụ thể, đối với việc tham gia xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật hình sự, dân sự, tố tụng, chất lượng đóng góp ý kiến chưa sâu, chưa mang tầm vĩ mô, chưa đánh giá hết sự tác động, ảnh hưởng của các dự án luật để kiến nghị điều chỉnh cho phù hợp.
Hoạt động phối hợp giữa các ban, ngành trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật có lúc chưa kịp thời, hình thức tuyên truyền chưa phong phú, đa dạng. Một số quy định của pháp luật chậm được hướng dẫn hoặc hướng dẫn còn thiếu thống nhất, đã được kiến nghị nhưng chậm bổ sung, sửa đổi.
Đối với việc hoàn thiện chế định luật sư, bổ trợ tư pháp, các tổ chức hành nghề luật sư hoạt động chưa đồng đều. Các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh chưa nhiều, đội ngũ giám định viên còn mỏng, một số ít giám định viên chưa có kinh nghiệm giám định đối với những vụ việc phức tạp.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh uỷ - Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh Trần Lưu Quang chia sẻ thêm, những kết quả đạt được thời gian qua là sự nỗ lực rất lớn của cấp uỷ, chính quyền các cấp. Qua đó cho thấy, công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh được nhìn nhận tốt, có chuyển biến tích cực.
Về một số tồn tại hạn chế, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh cho rằng có nguyên nhân khách quan là do những quy định của pháp luật còn có sự chồng chéo, bất cập, đặc biệt là cơ chế chính sách. Bên cạnh đó. Trình độ của một số cán bộ vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu công việc được giao.
Một vấn đề “nóng” khác được Bí thư Tỉnh uỷ chia sẻ tại buổi làm việc là tệ nạn ma tuý đang diễn ra trên địa bàn tỉnh. Là một tỉnh vùng biên, địa hình bằng phẳng, đồng bằng, rất gần với TP. Hồ Chí Minh, và thuận tiện cho tội phạm hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép chất ma tuý vừa qua. Số lượng ma tuý được các lực lượng chức năng bắt giữ ngày càng nhiều, điều đó cũng đồng nghĩa với diễn biến phức tạp trong phòng, chống tội phạm này trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, ông Lê Minh Trí- Uỷ viên Trung ương Đảng, Viện trưởng VKSND tối cao, trưởng đoàn công tác Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương đánh giá cao công tác cải các tư pháp tại địa phương dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ. Một số nội dung, lĩnh vực được thực hiện rất tốt, cho thấy tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp.
Một vấn đề khác được đoàn công tác của Trung ương ghi nhận là quá trình tập huấn các văn bản, đặc biệt là công tác đào tạo cán bộ tư pháp rất được tỉnh quan tâm và thực hiện đồng bộ, đầu tư đúng mức, vì vậy, cần được tiếp tục phát huy trong thời gian tới. Trưởng đoàn công tác cũng đánh giá cao cơ chế hoạt động giám sát, chất vấn của Đoàn ĐBQH, HĐND tỉnh thời gian qua- nhất là đối với các cơ quan tư pháp, giúp các cơ quan này thực thi nhiệm vụ ngày càng tốt hơn.
Đối với các cơ quan tư pháp, ông Lê Minh Trí khẳng định, ứng dụng công nghệ thông tin được xem là biện pháp hiệu quả để nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan tư pháp trong tình hình hiện nay.
Trưởng đoàn công tác cho biết sẽ tiếp thu những kiến nghị của các cơ quan tư pháp tỉnh và đề nghị đoàn công tác tổng hợp những ý kiến này, xem những vụ việc thuộc ngành nào thì chuyển ngành đó trả lời. Những vấn đề nào liên quan đến liên ngành thì phối hợp liên ngành để xử lý, những việc nào cần kiến nghị Trung ương, đoàn công tác sẽ có báo cáo kiến nghị cụ thể.
BTNO