Tham gia buổi làm việc có ông Nguyễn Thanh Phong- Phó Chủ tịch HĐND tỉnh.
Tại buổi làm việc, ông Võ Văn Sớm- Trưởng ban Văn hoá-xã hội HĐND tỉnh cho rằng, Sở Y tế đã có đánh giá khá sát với tình hình hiện nay trong hoạt động hệ thống trạm y tế xã, phường, thị trấn giai đoạn 2011-2015.
Ông Võ Văn Sớm, Trưởng ban Văn hoá-xã hội HĐND tỉnh phát biểu tại cuộc họp. |
Theo nhận định của Sở Y tế, giai đoạn này hệ thống trạm y tế được tập trung đầu tư với mức kinh phí lớn nhất từ trước đến nay. Trong giai đoạn 2011-2015, có 76 trạm y tế được đầu tư xây dựng với tổng vốn gần 153 tỷ đồng. Đến nay, tất cả các trạm đều có từ 10-15 phòng chức năng và các công trình phụ. Trang thiết bị cũng được đầu tư mạnh với 85/95 trạm có trên 70% số lượng cơ cấu trang thiết bị, dụng cụ theo quy định. 35 trạm có máy siêu âm, 56 trạm có máy điện tim, 15 trạm có máy xét nghiệm, 18 trạm có ghế nha… góp phần làm thay đổi bộ mặt y tế cơ sở.
Do được trang bị tốt về cơ sở vật chất, trang thiết bị nên chất lượng khám chữa bệnh ở các xã có bác sĩ, có đủ trang thiết bị ngày càng nâng cao, giải quyết được đáng kể nhu cầu khám chữa bệnh của người dân, nhất là vùng sâu vùng xa.
Hết năm 2015, cả tỉnh có 25 xã đạt bộ tiêu chí và trong năm 2016 tập trung đầu tư thêm cho 32 xã; phấn đấu đến năm 2020 toàn bộ hệ thống trạm y tế trong tỉnh sẽ đạt chuẩn quốc gia theo bộ tiêu chí mới.
Đến nay, mạng lưới y tế dự phòng được phủ rộng khắp trên địa bàn tỉnh, góp phần giám sát dịch bệnh chặt chẽ, khống chế dập dịch kịp thời. Các chương trình mục tiêu quốc gia được thực hiện tốt ở tuyến cơ sở góp phần cải thiện tình trạng sức khỏe, dinh dưỡng, ATVSTP trong cộng đồng, nâng cao chất lượng dân số…
Bác sĩ Hoa Công Hậu, Giám đốc Sở Y tế phát biểu ý kiến. |
Bên cạnh đó, ngành Y tế tỉnh cũng nhìn nhận, hiện hoạt động Trạm y tế cơ sở cũng còn nhiều khó khăn, trong đó quan trọng nhất là thiếu nhân lực. Theo số liệu từ Sở Y tế, toàn tỉnh có 92/95 trạm được bố trí bác sĩ phục vụ, trong đó có 56 trạm (chiếm 59%) có bác sĩ phục vụ thường xuyên, còn lại là luân phiên bác sĩ 1-3 ngày/tuần.
Thiếu bác sĩ dẫn đến chất lượng khám chữa bệnh một số nơi còn hạn chế, việc khai thác công năng trang thiết bị được cấp cũng không đảm bảo; trang thiết bị được cấp thiếu người vận hành do chưa được đào tạo, từ đó gây khó cho việc tạo dựng, quảng bá “thương hiệu” y tế cơ sở.
Trong khi đó cơ chế tài chính hiện hành chưa khuyến khích bác sĩ ở các trạm y tế tích cực tạo dựng thương hiệu cũng như nguồn thu từ các dịch vụ y tế. Trong công tác y tế dự phòng cũng còn gặp nhiều khó khăn do kinh phí chậm cấp từ các chương trình quốc gia. Nhân viên y tế còn mất nhiều thời gian cho các chương trình mục tiêu khi chưa có mô hình lồng ghép hiệu quả.
Qua đợt giám sát lần này, Trưởng ban Văn hoá-xã hội HĐND tỉnh đã nêu ra một số vấn đề, đề nghị ngành Y tế quan tâm và có hướng giải quyết cho phù hợp. Trong đó, nổi bật gồm các vấn đề như tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hiệu quả sử dụng các trang thiết bị y tế, cơ sở vật chất có đáp ứng đúng nhu cầu thực tế ở địa phương; xử lý rác thải, chất thải y tế; hoạt động vệ sinh môi trường ở các xã vùng sâu, vùng xa; vấn đề bảo đảm VSATTP ở các địa phương; tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức người dân trong phòng chống dịch bệnh…
Theo Báo Tây Ninh Online