Chương trình nông thôn mới: diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới

Thứ hai - 07/10/2019 09:00 237 0
Tây Ninh là tỉnh biên giới vùng Đông Nam bộ, có vị trí địa lý, điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, du lịch. Thêm vào đó, điều kiện tự nhiên ít chịu ảnh hưởng bởi thiên tai nên thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, thuận lợi trong thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trên hết, thuận lợi lớn nhất chính là sự vào cuộc của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân Tây Ninh cùng sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh, nhất là về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới (NTM).

Tây Ninh bắt đầu xây dựng nông thôn mới với xuất phát điểm thấp. Qua khảo sát cho thấy, thực trạng các xã chỉ đạt bình quân 3,1 tiêu chí/xã, có 69 xã đạt dưới 5 tiêu chí. Cơ sở hạ tầng thiết yếu của các xã (giao thông, trường học, chợ, cơ sở vật chất văn hóa) chưa đạt yêu cầu; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn thấp (17,3 triệu đồng/người), tỷ lệ lao động qua đào tạo mới đạt 45%, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế chỉ đạt 26,92%.

Do đó, ngay khi bắt tay vào thực hiện xây dựng nông thôn mới, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh Tây Ninh đã làm việc với UBND các huyện nhằm tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn của địa phương, trong đó tập trung giải quyết những vướng mắc tại các xã phấn đấu đạt chuẩn, nhất là hoàn thiện hệ thống khuôn khổ pháp luật và văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình; xây dựng đồng bộ hệ thống bộ máy chỉ đạo thực hiện Chương trình; đồng thời tập trung nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác xây dựng NTM ở cấp huyện, cấp xã; quan tâm đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về xây dựng NTM. Trong giai đoạn 2011-2020, toàn tỉnh đã tổ chức tuyên truyền 55.328 cuộc thông qua các hình thức lồng ghép với triển khai, học tập các Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các buổi tiếp xúc cử tri, họp tổ dân cư tự quản và thông qua các phong trào của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội với trên 2,4 triệu lượt cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân tham dự.

Qua đó, các tầng lớp nhân dân nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cùng chung tay góp sức thực hiện. Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành và địa phương, từ một tỉnh chỉ có 1 xã đạt 7 tiêu chí và có 69 xã đạt dưới 5 tiêu chí, đến nay, nhiều vùng nông thôn ở tỉnh Tây Ninh đã "thay da đổi thịt", một sức sống mới được khơi dậy từ sự chung sức, đồng lòng của người dân.

Những kết quả đạt được trong giai đoạn 2010-2020

xdntmoi20192.jpg

Xã Cầu Khởi, huyện Dương Minh Châu là một trong những xã nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Tây Ninh

Đến cuối năm 2018, số xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM 36/80 xã (trong đó có 8 xã biên giới), chiếm 45% số xã toàn tỉnh. Cụ thể, giai đoạn 2011-2015, có 16 xã được công nhận đạt chuẩn NTM; giai đoạn 2016 - 2018 là 20 xã. Kế hoạch năm 2019, tỉnh có thêm 6 xã đạt chuẩn, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM lên 42 xã (đạt tỷ lệ 52,5%).

Dự kiến đến năm 2020, tỉnh có tổng số 53/80 xã đạt chuẩn NTM (trong đó có 18 xã biên giới), chiếm 66,25% số xã toàn tỉnh, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần X (chỉ tiêu Nghị quyết là 50%). Số tiêu chí bình quân/xã là 16,8 tiêu chí, tăng 4 tiêu chí so với năm 2015; không có xã dưới 10 tiêu chí. 100% số xã biên giới đạt các tiêu chí NTM về hệ thống chính trị, văn hoá, y tế, giáo dục và đào tạo (theo Nghị quyết 16-NQ/TW ngày 10/10/2017). Thành phố Tây Ninh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (có 100% xã đạt chuẩn), huyện Hòa Thành đạt huyện NTM (có 100% xã đạt chuẩn và đạt 9 tiêu chí huyện NTM theo Quyết định số 558/QĐ-TTg ngày 05/4/2016). Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh đạt 50 triệu đồng/người/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm 1,3%; tỷ lệ người dân tham gia BHYT 81%; tỷ lệ hộ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh 99%.

Qua thực hiện Bộ tiêu chí xây dựng NTM, "bộ mặt" nông thôn tỉnh nhà có nhiều đổi mới, khởi sắc. Từ công tác quy hoạch xây dựng xã NTM được hoàn thành ở 82/82 trong năm 2013 (năm 2013 có 2 xã Ninh Sơn và Ninh Thạnh, thành phố Tây Ninh nâng cấp lên phường). Trong giai đoạn 2016-2020, một số xã thực hiện việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch theo kế hoạch của UBND tỉnh. 


xdntmoi2019.jpg

Xây dựng đường nông thôn ở xã Long Khánh, huyện Bến Cầu

Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn được quan tâm đầu tư, nâng cấp, tạo ra diện mạo mới cho nông thôn ở nhiều địa phương. Các ngành, các cấp đã đầu tư trên 2.200 km đường giao thông nông thôn, trong đó láng nhựa 577 km; bê tông xi măng 301 km; sỏi đỏ, cứng hóa 1.332 km; kiên cố hóa 239 km kênh mương phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn các xã. 278 trường học đạt chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất. Cải tạo, nâng cấp 15 chợ nông thôn. Hệ thống chợ nông thôn cơ bản đảm bảo quy định, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, mua sắm của nhân dân. 

xdntmoi20193.jpg

Giao thông thuận lợi ở xã nông thôn mới Trường Đông, huyện Hòa Thành

Đến nay có 39 xã đạt tiêu chí giao thông (chiếm tỷ lệ 48,8%), 75 xã đạt tiêu chí thủy lợi (chiếm tỷ lệ 93,8%), 48 xã đạt tiêu chí điện (chiếm tỷ lệ 60%), 39 xã đạt tiêu chí trường học (chiếm tỷ lệ 48,8%), 39 xã đạt tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa (chiếm tỷ lệ 48,8%), 66 xã đạt tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn (chiếm tỷ lệ  82,5%), 74 xã đạt tiêu chí thông tin và truyền thông (chiếm tỷ lệ 92,5%), 67 xã đạt tiêu chí nhà ở dân cư (chiếm tỷ lệ 83,8%). So với những năm đầu thực hiện Chương trình, số xã đạt chuẩn tăng hàng năm nâng tỷ lệ xã từng tiêu chí, nhất là hệ thống giao thông nông thôn được đầu tư khá lớn làm nền tảng cho phát triển kinh tế-xã hội của các xã.

Trong thời gian qua, việc phát triển nông nghiệp tỉnh nhà trong xây dựng NTM được thực hiện theo đúng chủ trương, định hướng của tỉnh; cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển biến rõ nét theo hướng tập trung đáp ứng hội nhập kinh tế thế giới, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh gắn với thị trường và công nghiệp chế biến. Giá trị sản xuất nông lâm thủy sản tăng bình quân hàng năm giai đoạn 2015 – 2020 ước đạt 2,80%/năm. Tỉnh đã chuyển đổi mạnh một số cây trồng kém hiệu quả (lúa, mía, cao su,..) sang trồng các loại cây ăn trái (bưởi, dứa, xoài, nhãn, sầu riêng) quy mô tập trung, có giá trị kinh tế cao, có trên 05% nông sản được sản xuất theo tiêu chuẩn GAP. Chăn nuôi phát triển khá mạnh theo mô hình trang trại lạnh, quy mô lớn, chăn nuôi khép kín có bước tăng trưởng vượt bật, dự kiến đến năm 2020, tỷ lệ chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng trang trại tập trung công nghiệp, bán công nghiệp chiếm trên 70% so với tổng đàn. Cơ cấu lại theo đàn vật nuôi được xác định ưu tiên ở các loại sản phẩm chính như: chăn nuôi gà, heo thịt, bò thịt, bò sữa. Ước đến cuối năm 2020, tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp chiếm 15,9%.

Bên cạnh đó, các chính sách thu hút nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp đã được tỉnh triển khai thực hiện. Thời gian qua, toàn tỉnh đã thu hút 57 dự án đầu tư vào nông nghiệp trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản với tổng vốn đầu tư trên 2.100 tỷ đồng. Tính riêng giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đã thu hút 24 dự án nông nghiệp gắn phát triển chuỗi giá trị, nông nghiệp công nghệ cao với tổng vốn đăng ký trên 1.652 tỷ đồng. Thu hút xây dựng và đưa vào hoạt động nhà máy chế biến rau quả Tanifood với tổng mức đầu tư 1.820 tỷ đồng; 1 trang trại bò sữa Vinamilk Tây Ninh đạt tiêu chuẩn GlobalGAP với tổng đàn 8.000 con; Công ty TNHH Pacow International đang đầu tư chế biến, giết mổ gia súc, dây chuyền hệ thống mổ treo đạt tiêu chuẩn, qui mô 200 con trâu, bò/ngày. Mô hình nông nghiệp công nghệ cao trồng hoa nhà kính, dưa lưới giúp phát triển nhanh doanh thu, lợi nhuận tăng 3-4 lần so với sản xuất truyền thống.

Để đáp ứng nguồn nhân lực cho nông thôn, đến tháng 6/2019, tổng số lao động được đào tạo trên địa bàn tỉnh là 1.334 lớp với 41.289 lao động. Tính trong giai đoạn 2016-2018, có 12.844 lao động nông thôn đã học nghề xong. Số lao động nông thôn có việc làm sau học nghề là 10.814 người (đạt 84%).

Cùng với đó, với việc ban hành các chính sách giảm nghèo đặc thù của địa phương, sự chung tay góp sức của cộng đồng xã hội và sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của các hộ nghèo, giai đoạn 2011 - 2015 toàn tỉnh đã giảm được 7,35% (tương ứng giảm 19.195 hộ nghèo và hộ cận nghèo). Đến cuối năm 2015, toàn tỉnh còn 4.354 hộ nghèo, hộ cận nghèo chiếm tỷ lệ 1,49%. Năm 2016, áp dụng chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều cho giai đoạn 2016 - 2020 theo Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ, toàn tỉnh có 12.584 hộ nghèo và hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 4,32 % so với tổng số hộ gia đình.

Qua gần 4 năm thực hiện với các chính sách hỗ trợ của Trung ương và địa phương, đến nay toàn tỉnh giảm được 1,78%, tương ứng giảm 4.975 hộ nghèo, hộ cận nghèo (bình quân mỗi năm giảm 0,59 %) phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn dưới 1% (tương ứng hơn 2.900 hộ nghèo, hộ cận nghèo). Có 71 xã đạt tiêu chí về hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 88,8%).

xdntmoi20191.jpg

Tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp trong thực hiện giảm nghèo xây dựng nông thôn mới đã được UBND tỉnh khen thưởng

Theo thống kê của ngành chức năng, tổng vốn huy động cho xây dựng NTM giai đoạn 2016 - 2020 là 9.224 tỷ đồng, tăng 26,8% so với giai đoạn 2010-20115. So với giai đoạn 2011-2015, vốn huy động từ ngân sách tăng 733 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp tăng 472 tỷ đồng, huy động cộng đồng dân cư (hiến đất, tiền mặt, ngày công,…) tăng 750 tỷ đồng.

 Những bài học kinh nghiệm từ quá trình thực hiện

Năm bài học kinh nghiệm được rút ra từ thực tiễn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới 10 năm qua. Đó là công tác tuyên truyền phải đa dạng, gắn với hoạt động thực tiễn để cả hệ thống chính trị và người dân hiểu rõ nguyên tắc: người dân là chủ thể, huy động nội lực từ cộng đồng là chính, Nhà nước chỉ định hướng và hỗ trợ một phần.

Phát huy hơn nữa vai trò của Mặt trận tổ quốc, các tổ chức đoàn thể, lực lượng vũ trang trong tuyên truyền, vận động xây dựng NTM. Đây là lực lượng hỗ trợ rất lớn cho chính quyền địa phương và nhân dân đồng thời trực tiếp thực hiện các tiêu chí giao thông nông thôn, hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, phát triển sản xuất, bảo vệ môi trường khu dân cư,…đóng góp hiệu quả cho phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" gắn với xây dựng NTM.

Tùy theo đặc điểm và tình hình cụ thể, nhu cầu của người dân, từng địa phương chủ động chọn tiêu chí dễ làm trước, tiêu chí khó làm sau; huy động nguồn lực trong dân theo nhiều hình thức, như hiến đất, ngày công lao động, vật kiến trúc, hoa màu, cải tạo nâng cấp nhà ở,... tích cực vận động các doanh nghiệp đóng trên địa bàn xã hỗ trợ địa phương xây dựng NTM.

Việc bố trí ngân sách cho xây dựng NTM phải tập trung, không dàn trải; ban hành cơ chế đầu tư, phân định rõ trách nhiệm của từng cấp và thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát việc sử dụng các nguồn vốn đầu tư các công trình phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu có sự tham gia của người dân.

Mục đích cuối cùng của xây dựng NTM là nâng cao thu nhập, qua đó cải thiện đời sống và nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần cho người dân vì vậy xác định lợi thế, tổ chức lại sản xuất, chuyển dịch cơ cấu lao động, đào tạo nghề cho lao động nông thôn phải được xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, thực hiện đồng bộ để góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, tạo đột phá trong thu nhập.

Mục tiêu đề ra cho giai đoạn 2021-2025

Tiếp tục phát huy kết quả đạt được của 10 năm qua, trong giai đoạn tới, tỉnh đề ra mục tiêu tổng quát là xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, đáp ứng nhu cầu đa dạng trong tỉnh, ngoài tỉnh và khu vực; đẩy mạnh xây dựng NTM; nâng cao nhanh thu nhập và cải thiện đời sống của dân cư nông thôn; quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng.

Cụ thể, trong gia đoạn 2021-2025, tỉnh phấn đấu có thêm 27 xã đạt chuẩn NTM (trong đó có 2 xã biên giới), bình quân 5 xã/năm, nâng số xã đạt chuẩn lên 80/80 xã (100% số xã), 20/20 xã biên giới đạt chuẩn Ít nhất 50% số xã đã đạt chuẩn được công nhận xã NTM nâng cao, 11% xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Mỗi xã đạt chuẩn NTM nâng cao lựa chọn ít nhất 1 nội dung để xây dựng mô hình NTM kiểu mẫu (thuộc các lĩnh vực phát triển hạ tầng, sản xuất, văn hóa - xã hội-môi trường, an ninh trật tự,…), phấn đấu có 11 xã đạt NTM kiểu mẫu. Phấn đấu 7 huyện (Tân Biên, Tân Châu, Dương Minh Châu, Châu Thành, Gò Dầu, Bến Cầu, Trảng Bàng) có 100% xã đạt chuẩn, đủ điều kiện xét công nhận huyện đạt chuẩn NTM.

Đề thực hiện đạt các mục tiêu đã đề ra, tỉnh sẽ tiếp tục phát động và triển khai sâu rộng phong trào thi đua "Tây Ninh chung sức xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025" với nội dung, hình thức phong phú, thiết thực, phù hợp thực tiễn, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm trong tổ chức các phong trào thi đua giai đoạn 2021-2025, để "tỉnh có được xã đạt danh hiệu chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, nâng cao hưởng thụ về vật chất và tinh thần, văn hóa cho người dân" như lời Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân nhấn mạnh tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2010-2020 vừa qua.

CT


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây