Chủ tịch UBND các huyện, thành phố khẩn trương triển khai quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi

Thứ năm - 25/07/2019 18:00 112 0
Sáng ngày 24/7, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân chủ trì cuộc họp với Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh Tây Ninh và lãnh đạo các huyện, thành phố đánh giá việc thực hiện giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn (heo) châu Phi trên địa bàn tỉnh thời gian qua.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân chủ trì hội nghị

Theo Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh, kể từ khi phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi tại ấp Bắc Bến Sỏi, xã Thành Long, huyện Châu Thành (ngày 6/7/2019) đến ngày 23/7, dịch bệnh đã lây lan đến 46 hộ trên địa bàn 13 xã ở 4 huyện Châu Thành, Tân Biên, Gò Dầu và Tân Châu.

Số lợn chết và tiêu hủy là 843 con với trọng lượng 38.935kg. Dịch bệnh được xác định xảy ra trên các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa xảy ra tại các trang trại. Nguyên nhân xảy ra dịch bệnh là do Tây Ninh bị dịch bao vây trên địa bàn các tỉnh lân cận và tỉnh giáp biên (Bình Phước, Long An, Tp.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và hai tỉnh thuộc Vương quốc Campuchia là Svay Riêng và tỉnh Tbong Khmum). Bên cạnh đó, do thời gian ủ bệnh dài, lợn vẫn khỏe rất khó nhận biết, vì vậy khi đưa lợn vào cơ sở giết mổ đến quầy thịt và lúc này thịt đã nhiễm bệnh. Ngoài ra, do hiện nay thời tiết khí hậu mưa nhiều, độ ẩm cao, thích hợp cho vi rút phát triển và việc vệ sinh tiêu độc sát trùng gặp khó khăn. Những nguyên nhân đó khiến cho diễn biến dịch bệnh ngày càng phức tạp.

chutich1_24-7.jpg

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Mấy báo cáo tình hình dịch bệnh trên địa bàn

Trước tình hình đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, phân công thành viên Ban chỉ đạo và triển khai khẩn trương thực hiện nhiệm vụ. Với các giải pháp như tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, nhất là tại khu vực cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới; theo dõi giám sát đàn lợn tại địa phương. Trên địa bàn tỉnh đã thành lập 14 chốt kiểm dịch động vật tạm thời và 5 đội kiểm ra liên ngành lưu động. Các chốt này đã kiểm soát vận chuyển và phun tiêu độc khử trùng 1.414 xe và 168.701 con lợn; tổ chức triển khai tiêm phòng gia súc, gia cầm 3 đợt, đồng thời thực hiện công tác truyền thông để nâng cao nhận thức của người chăn nuôi và cộng đồng.

chutich2_24-7.jpg

Chủ tịch UBND huyện Châu Thành Đặng Thanh Hải thông tin tình hình phòng chống, dịch trên địa bàn huyện

Tuy nhiên, qua thực tế triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho thấy, lực lượng thú y quá mỏng không thể tham gia thực hiện trực chốt và các đoàn kiểm tra liên ngành. Người chăn nuôi đa phần là nhỏ lẻ, xen lẫn trong khu dân cư, mật độ chăn nuôi rất cao lại không đảm bảo an toàn sinh học. Trong khi đó, người chăn nuôi vẫn sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt, khi phát hiện bệnh, không báo với chính quyền địa phương và thú y cơ sở, tự ý điều trị và còn tình trạng bán chạy lợn mắc bệnh, lợn nghi mắc bệnh. Việc tiêu hủy lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh chưa đảm bảo yêu cầu kỹ thuật nên chưa tiêu diệt hết mầm bệnh.

chutich3_24-7.jpg

Chủ tịch UBND thành phố Tây Ninh Phạm Trung Chánh nêu các biện pháp thực hiện công tác phòng ngừa dịch bệnh

Tại cuộc họp, lãnh đạo các huyện có dịch trên địa bàn báo cáo cụ thể tình hình dịch bệnh, xác định nguyên nhân lây lan và các biện pháp chống dịch, những khó khăn vướng mắc khi thực hiện phòng, chống dịch cùng những kiến nghị. Lãnh đạo các huyện, thành phố chưa có dịch nêu cao quyết tâm trong triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

chutich4_24-7.jpg

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Võ Đức Trong khẳng định, các địa phương cần tiếp tục thực hiện tốt 3 biện pháp chủ yếu trong phòng chống dịch là đẩy mạnh thực hiện công tác tuyên truyền, kiểm soát việc giết mổ và kiểm soát việc vận chuyển lợn trên địa bàn.

chutich5_24-7.jpg

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến - Trưởng Ban chỉ đạo tỉnh đề nghị các địa phương thực hiện các biện pháp phòng chống dịch thật nghiêm túc

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến - Trưởng Ban chỉ đạo tỉnh cho rằng các giải pháp phòng chống dịch bệnh đã được nêu rõ trong các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh, các huyện cần thực hiện quyết liệt, tăng cường phối hợp giữa ngành thú y, cấp ủy địa phương và các hộ dân để công tác phòng, chống dịch đạt hiệu quả cao nhất.

Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân khẳng định quan điểm, xác định phòng chống dịch là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị. Chủ tịch UBND các huyện, thành phố phải tiếp tục triển khai một cách tích cực, có trách nhiệm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo điều hành quyết liệt, thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ giải pháp phòng chống dịch tả lợn châu Phi với phương châm “chống dịch như chống giặc”, phòng là chính, lấy cơ sở và người dân là chính, tiếp tục tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi tại Chỉ thị số 04/CT-TTg, ngày 20/2/2019 của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 18/6/2019 của Chính phủ theo tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng tại Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 20/5/2019.

Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Ban Chỉ đạo các huyện khẩn trương tổ chức họp với các xã triển khai các giải pháp trọng tâm trong thực hiện phòng chống dịch theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhằm quyết liệt ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh trên địa bàn.

Chính Thuần

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây