Chia sẻ kinh nghiệm và chính sách mới của Nhật Bản thúc đẩy phát triển Chính quyền điện tử, hướng tới Chính phủ số

Thứ sáu - 08/01/2021 19:00 141 0
Sáng ngày 08/01/2021, Văn phòng Chính phủ tổ chức Hội thảo trực tuyến chia sẻ kinh nghiệm và chính sách mới của Nhật Bản nhằm thúc đẩy phát triển Chính quyền điện tử, hướng tới Chính phủ số. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam YAMADA Takio chủ trì hội thảo tại điểm cầu Hà Nội.

Quang cảnh tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh

Tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh, tham dự có đồng chí Trương Văn Hùng - Chánh Văn phòng UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh và đại diện các phòng chuyên môn thuộc Sở Thông tin và Truyền thông, Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh và lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, đây là hội thảo lần thứ 3 được tổ chức giữa Văn phòng Chính phủ và Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam trong lĩnh vực phát triển chính phủ điện tử (sau lần 1 vào tháng 8/2019, lần 2 vào tháng 2/2020). Là một trong những hoạt động hỗ trợ hợp tác của Nhật Bản dành cho Việt Nam trong lĩnh vực triển khai Chính phủ điện tử theo Bản ghi nhớ được ký kết hợp tác được ký vào năm 2019 về phát triển Chính phủ điện tử.


Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam YAMADA Takio chủ trì hội thảo

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ bày tỏ sự cảm ơn Nhật bản đã hỗ trợ các cơ quan nhà nước Việt Nam nói chung, hỗ trợ văn phòng Chính phủ Việt Nam nói riêng về cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử trong thời gian qua. Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, từ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, một trong những giải pháp thật sự có ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay, thực hiện giãn cách xã hội, phòng chống dịch bệnh nhưng vẫn đảm bảo duy trì các hoạt động phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Đó là việc ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, công nghệ số, hướng tới nền kinh tế số và xã hội số. Đây là xu hướng tất yếu đang diễn ra mạnh mẽ tại hầu hết các nước và đây cũng là biện pháp rất quan trọng trong phòng, chống dịch Covid-19.

Việt Nam đã xây dựng, vận hành một số hệ thống thông tin nền tảng quan trọng của Chính phủ điện tử như Trục liên thông văn bản quốc gia, Hệ thống thông tin phục vụ hoạt động xử lý công việc của Chính phủ; Trung tâm báo cáo quốc gia, Trung tâm thông tin chỉ đạo điều hành Chính phủ, Cổng dịch vụ công quốc gia, làm thay đổi mạnh mẽ phương thức làm việc của các cơ quan nhà nước cũng như giải quyết thủ tục hành chính hướng tới doanh nghiệp và người dân.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành trung ương, các địa phương cùng trao đổi, nghiên cứu và ứng dụng các kinh nghiệm được chia sẻ tại hội thảo, phù hợp tình hình thực tế của các cơ quan, địa phương trong năm 2021 và những năm tiếp theo. Việt Nam cũng xác định phát triển Chính phủ điện tử là xu hướng chung, là tất yếu của tất cả các quốc gia, là dư địa quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội, là nền tảng cơ bản để thực hiện khát vọng hội nhập quốc tế của Việt Nam, với quan điểm xuyên suốt là xây dựng phát triển Chính phủ điện tử phải đảm bảo gắn kết chặt chẽ với ứng dụng công nghệ thông tin, với cải cách hành chính và thủ tục hành chính, nâng cao tính công khai, minh bạch, đổi mới phương thức phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, và sự hài lòng của các tổ chức, cá nhân là thước đo quan trọng, hiệu quả của Chính phủ điện tử, cũng là thước đo hiệu quả của Chính phủ Việt Nam.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đề nghị trong quá trình thực hiện tiếp tục phát huy vai trò của người đứng đầu trực tiếp chỉ đạo, huy động, ưu tiên nguồn lực triển khai nhiệm vụ xây dựng chính phủ điện tử, chính quyền điện tử; người đứng đầu gương mẫu trong việc sử dụng chữ ký số cá nhân để phê duyệt hồ sơ, văn bản điện tử, chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tiến độ triển khai thực hiện.

Triển khai đồng bộ trên cả nước việc áp dụng chữ ký số cá nhân, chữ ký số tổ chức để thực hiện gửi nhận văn bản không dùng văn bản giấy, không scan, mới thật sự tiết kiệm chi phí và minh bạch tiến tới nền hành chính hiện đại; đẩy mạnh xử lý hồ sơ trên môi trường điện tử, môi trường mạng, tăng cường kết nối liên thông giữa các cơ quan hành chính nhà nước với các tổ chức chính trị-xã hội, các doanh nghiệp, hội nghề nghiệp các cấp; triển khai hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia, số hóa kết quả xử lý thủ tục hành chính; ứng dụng công nghệ thông tin để minh bạc hóa quy trình thủ tục kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu dùng chung phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công ngày càng tốt hơn.

Phát biểu tại hội thảo, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam YAMADA Takio nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển Chính phủ điện tử ở các quốc gia, nhất là trong tình hình dịch bệnh Covid-19. Đại sứ cho rằng việc triển khai ứng dụng công nghệ số của các cơ quan hành chính Việt Nam trên mọi phương diện được xem như là một giải pháp để cung cấp các dịch vụ công với nhiều dữ liệu đa dạng, giá trị gia tăng cao hơn tránh sự tiếp xúc trực tiếp ngăn lây lan dịch bệnh. Đại sứ cũng đánh giá cao hệ thống Chính phủ điện tủ đang được triển khai thực hiện tại Văn phòng Chính phủ Việt Nam và chia sẻ, Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ cho Chính phủ Việt Nam trong xây dựng Chính phủ điện tử. Và mới đây Nhật Bản đã tài trợ không hoàn lại thiết bị công nghệ thông tin trị giá 500 triệu Yên trong việc xây dựng hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, với độ tin cậy cao, đảm bảo an toàn và bảo mật.


Các đại biểu tham dự tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh

Tại hội thảo, các đại biểu được nghe các tham luận chuyên đề kết quả, bài học về công tác cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử và nhiệm vụ trọng tâm năm 2021; Chính sách mới của Thủ tướng Nhật Bản Suga để phát triển Chính phủ số và Kinh nghiệm số hóa dịch vụ công và thủ tục hành chính tại Nhật Bản và chuyên đề Xây dựng chính sách sử dụng Trí tuệ nhân tạo.

XV

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây