Lãnh đạo UBND tỉnh chủ trì phiên họp
Phiên họp diễn ra với 03 nội dung chính về kế hoạch sử dụng đất năm 2021 của cấp huyện, thị xã, thành phố và nhu cầu sử dụng đất của tỉnh giai đoạn 2021-2030; xây dựng Nghị quyết ban hành chính sách hỗ trợ áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, thủy sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025; Quy chế làm việc của UBND tỉnh.
Theo dự thảo Kế hoạch sử dụng đất năm 2021 của cấp huyện, thị xã, thành phố và định hướng sử dụng đất của tỉnh giai đoạn 2021-2030 do Sở Tài nguyên và Môi trường trình, Thành phố Tây Ninh kế hoạch triển khai 150 dự án với tổng diện tích trên 900 ha; Thị xã Hoà Thành kế hoạch triển khai 105 dự án với tổng diện tích trên 170 ha; Thị xã Trảng Bàng kế hoạch triển khai 170 dự án với tổng diện tích 2.300 ha; Huyện Bến Cầu kế hoạch triển khai 188 dự án với tổng diện tích trên 1.600 ha; Huyện Châu Thành kế hoạch triển khai 149 dự án với tổng diện tích 700 ha; Huyện Tân Châu kế hoạch triển khai 228 dự án với tổng diện tích trên 4.300 ha; Huyện Gò Dầu kế hoạch triển khai 172 dự án với tổng diện tích trên 1.200 ha; Huyện Dương Minh Châu kế hoạch triển khai 170 dự án trên với tổng diện tích trên 1.800 ha; Huyện Tân Biên kế hoạch triển khai 220 dự án với tổng diện tích trên 2.100 ha. Đồng thời, Sở Tài nguyên – Môi trường cũng dự báo nhu cầu sử dụng đất nông nghiệp đến năm 2030 là 285.488 ha; đất phi nông nghiệp là 118.677 ha và có trên 56.000 ha đất nông nghiệp xin chuyển đổi mục đích.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Đức Trong phát biểu ý kiến về nhu cầu sử dụng đất của tỉnh giai đoạn 2021-2030
Sau các ý kiến đóng góp của các đơn vị, UBND các huyện, thị xã, thành phố, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc nhấn mạnh năm 2021 là năm bản lề, từng địa phương phải định vị được tiềm năng lợi thế phát triển trong năm để chủ động xây dựng kế hoạch sử dụng đất cho phù hợp, tránh mất đi cơ hội đầu tư, phát triển tại địa phương. Kế hoạch hằng năm, các địa phương phải bám sát mục tiêu phát triển và nhu cầu phát triển của xã hội, đưa vào chỉ tiêu cho phù hợp. Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu ý kiến, rà soát, hoàn thiện dự thảo theo đúng quy định, đồng thời xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện sớm.
Đối với đề nghị xây dựng Nghị quyết ban hành chính sách hỗ trợ áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, thuỷ sản trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2021-2025 do Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trình tại phiên họp; Trong đó, mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất 40% sản lượng nông nghiệp, thực phẩm được sản xuất theo quy trình GAP, góp phần tăng giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân/ha đất trồng trọt đạt 115 triệu đồng.
Tại phiên họp, các ý kiến đóng góp cơ bản thống nhất theo 04 chính sách Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề xuất, cụ thể như sau:
Chính sách hỗ trợ kinh phí phân tích mẫu đất, mẫu nước, mẫu không khí đáp ứng yêu cầu sản xuất theo Quy trình GAP, mỗi lĩnh vực sản xuất (trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản) đăng ký sản xuất theo Quy trình GAP được hỗ trợ 1 lần 70% kinh phí phân tích mẫu đất, mẫu nước, mẫu không khí đáp ứng yêu cầu sản xuất theo Quy trình GAP. Mức kinh phí hỗ trợ không quá 7 triệu đồng/lĩnh vực sản xuất. Trường hợp cơ sở đăng ký nhiều sản phẩm thuộc nhiều lĩnh vực sản xuất thì mức kinh phí hỗ trợ tối đa không quá 14 triệu đồng/cơ sở sản xuất.
Chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải. Theo đó, mỗi lĩnh vực sản xuất đăng ký được hỗ trợ 1 lần bằng 50% tổng vốn đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải theo dự án được phê duyệt. Mức kinh phí hỗ trợ không quá 43 triệu đồng đối với dự án thuộc lĩnh vực chăn nuôi, thuỷ sản; không quá 6 triệu đồng đối với dự án thuộc lĩnh vực trồng trọt. Trường hợp cơ sở đăng ký nhiều sản phẩm thuộc nhiều lĩnh vực sản xuất, mức kinh phí hỗ trợ tối đa không quá 50 triệu đồng/cơ sở sản xuất.
Chính sách hỗ trợ kinh phí tư vấn, đào tạo, tập huấn. Mỗi lĩnh vực sản xuất đăng ký sản xuất theo Quy trình GAP được hỗ trợ 1 lần 70% kinh phí tư vấn, đào tạo, tập huấn cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, người lao động tại cơ sở sản xuất áp dụng Quy trình GAP. Mức kinh phí hỗ trợ không quá 7 triệu đồng đối với dự án thuộc lĩnh vực chăn nuôi, thuỷ sản; không quá 9 triệu đồng đối với dự án thuộc lĩnh vực trồng trọt. Trường hợp cơ sở đăng ký nhiều sản phẩm thuộc nhiều lĩnh vực sản xuất, mức kinh phí hỗ trợ tối đa không quá 16 triệu đồng/cơ sở sản xuất.
Chính sách hỗ trợ kinh phí thuê tổ chức đánh giá, chứng nhận sản xuất theo Quy trình GAP. Mỗi lĩnh vực sản xuất đăng ký sẽ được hỗ trợ 1 lần 100% kinh phí thuê tổ chức đánh giá, chứng nhận sản xuất theo Quy trình GAP. Mức kinh phí hỗ trợ không quá 55 triệu đồng đối với dự án thuộc lĩnh vực chăn nuôi, thuỷ sản; không quá 70 triệu đồng đối với dự án thuộc lĩnh vực trồng trọt. Trường hợp cơ sở đăng ký nhiều sản phẩm thuộc nhiều lĩnh vực sản xuất, mức kinh phí hỗ trợ tối đa không quá 125 triệu đồng/cơ sở sản xuất.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng phát biểu tại Hội nghị
Đối với dự thảo Quy chế làm việc của UBND tỉnh (thay thế Quyết định số 38/2016/QĐ-UBND ngày 20/10/2016 của UBND tỉnh), các đơn vị nhiều ý kiến góp ý liên quan về việc quy định thời gian, trách nhiệm phản hồi ý kiến đối với việc lấy ý kiến bằng văn bản đối với các nội dung dự thảo; Công tác tiếp công dân; Phân cấp, ủy quyền cho các sở, ngành, UBND cấp huyện xử lý công việc.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc phát biểu kết luận cho từng nội dung
Tại đây, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các đơn vị tiếp tục nghiên cứu dự thảo và đóng góp ý kiến; Giao Sở Nội vụ cùng Văn phòng UBND tỉnh tổng hợp ý kiến, hiệu chỉnh, bổ sung cho phù hợp, đảm bảo triển khai thực hiện chặt chẽ, hiệu quả.
Ngoài ra, Phiên họp UBND tỉnh thường kỳ tháng 01 năm 2021 còn thông qua Tờ trình về việc ban hành Quyết định phân cấp quản lý nhà nước đối với UBND cấp huyện, thị xã, thành phố về an toàn vệ sinh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trên địa bàn và Báo cáo chủ trương đầu tư đường 795.
LN