Đoàn công tác tỉnh Tây Ninh: Trao đổi với tỉnh Bình Thuận về công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản

Chủ nhật - 15/10/2023 03:53 388 0
Chiều 13.10, Đoàn công tác tỉnh Tây Ninh do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến dẫn đầu đã có buổi làm việc tại UBND tỉnh Bình Thuận, trao đổi kinh nghiệm về công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

Ông Trần Văn Chiến-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh phát biểu tại buổi họp với tỉnh Bình Thuận.

Tại buổi làm việc, ông Phan Văn Đăng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Thuận giới thiệu khái quát vị trí địa lý, tiềm năng khoáng sản của tỉnh, với các loại khoáng sản vật liệu xây dựng (VLXD) thông thường như cát xây dựng, đá, sét… trên đất liền, dưới sông, hồ, tương tự như Tây Ninh. Bình Thuận đã lập quy hoạch thăm dò khai thác khoáng sản này từng giai đoạn đến năm 2030, tích hợp vào quy hoạch tỉnh; đồng thời triển khai đấu giá cung cấp VLXD trên địa bàn, chống khai thác cát lậu, đem lại nguồn thu ngân sách. Đến nay, Bình Thuận đã và đang cấp giấy phép khai thác VLXD thông thường cho 76 tổ chức, doanh nghiệp, khai thác các khu vực mỏ.

Theo ông Phan Văn Đăng, bên cạnh những mặt được, việc xét cấp giấy phép khai thác VLXD thông thường thực hiện 9 bước cũng tương tự như khoáng sản quý hiếm (vàng, titan), doanh nghiệp mất nhiều thời gian. Hiện Bình Thuận đang kiến nghị bộ ngành chức năng xem xét điều chỉnh Luật Khoáng sản năm 2010, tinh gọn thủ tục này.

 

Ông Phan Văn Đăng-Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Thuận chia sẻ kinh nghiệm đấu giá quyền khai thác khoáng sản với Đoàn công tác tỉnh Tây Ninh.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Trần Văn Chiến cám ơn Bình Thuận tiếp đón, trao đổi kinh nghiệm công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Ông Trần Văn Chiến chia sẻ, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, khoáng sản VLXD trên đất liền chỉ có 2 mỏ đá vôi do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép; còn lại chủ yếu là cát xây dựng nằm trong các lòng hồ Dầu Tiếng, Tha La, sông Vàm Cỏ Đông, sông Sài Gòn, với tổng diện tích hơn 4.047 ha, trữ lượng tài nguyên dự tính hơn 15.900.075 m3.

Hiện Sở TN&MT tỉnh Tây Ninh đang đề xuất đấu giá quyền khai thác khoáng sản 4 mỏ cát xây dựng đã thăm dò, phê duyệt trữ lượng khoáng sản trong lòng hồ Dầu Tiếng, trữ lượng nguyên khai dự tính khai thác hơn 2.744.087 m3. Do lần đầu tỉnh Tây Ninh triển khai cấp phép thăm dò, khai thác cát sỏi lòng sông thông qua hình thức đấu giá quyền khai thác khoáng sản, theo Nghị định số 23/CP của Chính phủ, quá trình thực hiện còn một số khó khăn, cần học hỏi kinh nghiệm ở Bình Thuận để tháo gỡ.

Cùng với đó, lãnh đạo các sở, ngành tham gia Đoàn công tác tỉnh Tây Ninh nêu vướng mắc trong công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản lòng sông như cách tính trữ lượng đấu giá, xác định giá khởi điểm, năng lực của tổ chức tham gia đấu giá... Lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận đã trao đổi cách làm của tỉnh để tỉnh bạn tham khảo.

Cụ thể, về trữ lượng khai thác để đấu giá, lấy trữ lượng nguyên khối để xác định giá khởi điểm, bước giá. Xác định giá khởi điểm trên cơ sở giá thuế tài nguyên do UBND tỉnh ban hành. Các tổ chức khi trúng đấu giá mỏ cát xây dựng, lập thủ tục theo quy định gửi Sở TN&MT thuê đất. Trường hợp doanh nghiệp trúng đấu giá không làm thủ tục tiếp theo, Sở TN&MT tham mưu UBND tỉnh thu hồi kết quả trúng đấu giá…

 

Đại diện lãnh đạo sở ngành Tây Ninh nêu một số vướng mắc trong đấu giá quyền khai thác cát lòng hồ ở tỉnh.

Trong khuôn khổ này, lãnh đạo UBND, sở ngành hai tỉnh cho hay sẽ tiếp tục trao đổi thông tin trong công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản VLXD thông thường qua các kênh khác nhau.

Theo BTNO

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây