Giải pháp thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong điều kiện bệnh dịch Covid-19

Thứ sáu - 13/03/2020 16:00 171 0
Chiều ngày 12/3, tại Hà Nội, đồng chí Nguyễn Xuân Cường - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Thứ trưởng chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc bàn các giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong điều kiện dịch bệnh Covid-19.

bnntongket.jpg

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh

Tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh, tham dự có đồng chí Võ Đức Trong - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lãnh đạo các sở, ngành liên quan và lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường phát biểu nhấn mạnh, hội nghị cần tập trung xử lý những vướng mắc, để tranh thủ thời cơ, đẩy phát triển nông nghiệp khi dịch bệnh giảm, đảm bảo có đủ lương thực thực phẩm cung ứng trong mọi hoàn cảnh; tập trung biện pháp khống chế dịch bệnh không để phát sinh, chống tăng giá cao, chống trục lợi; đồng thời, chuẩn bị điều kiện tốt nhất để thúc đẩy sản xuất, đạt các mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

bnntongket1.jpg

Quang cảnh hội nghị tại điềm cầu Hà Nội. (ảnh mard.gov.vn)

Nhận định về tình hình sản xuất nông nghiệp trong năm 2019 và 2 tháng đầu năm 2020, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch cho biết, năm 2019, nông nghiệp nước ta tiếp tục hội nhập sâu hơn, đồng thời đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như dịch tả lợn châu Phi, tác động của biến đổi khí hậu, chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn, nhiều quy định mới về truy xuất nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm ngày càng cao hơn…Dù vậy, năm 2019, nông nghiệp vẫn duy trì được đà tăng trưởng khá với tốc độ tăng GDP toàn ngành đạt 2,01% (trong đó, nông nghiệp tăng nhẹ 0,61%, lâm nghiệp tăng 4,98% và thủy sản tăng 6,3%). Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 41,3 tỷ USD.

Điểm nổi bật trong sản xuất nông nghiệp 2 tháng đầu năm 2020 là một số cây ăn quả chủ lực đang thu hoạch. Tình hình dịch tả lợn (heo) châu Phi tiếp tục được kiểm soát, trên 97% số xã đã không còn dịch sau 30 ngày. Nhiều địa phương đã công bố hết dịch. Người dân và doanh nghiệp đang đầu tư tái đàn, khôi phục sản xuất. Sản xuất thủy sản duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao. Tổng sản lượng ước đạt 1,02 triệu tấn, tăng 3,5% so cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù chịu tác động khá mạnh bởi dịch Covid-19 nhưng kim ngạch xuất khẩu của ngành vẫn đạt 5,34 tỷ USD (dù giảm 2,8% so với cùng kỳ năm 2019). Thặng dư thương mại 2 tháng đạt 1,02 tỷ USD, tăng 18,4% so cùng kỳ năm trước.

Với dự báo trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, để đảm bảo đạt được những mục tiêu về sản lượng đề ra trong năm 2020, nhiệm vụ đặt ra là toàn ngành nông nghiệp phải phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp triển khai đồng thời các giải pháp. Trong đó tập trung các giải pháp về thị trường trong nước và xuất khẩu, phải tái cấu trúc lại thị trường; khống chế các loại dịch bệnh; ứng phó hiệu quả với thiên tai, ngăn chặn hạn mặn; tái cấu trúc ngành nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất, thúc đẩy sản xuất và tăng cường công tác tuyên truyền về chất lượng của sản phẩm nông nghiệp Việt Nam, tạo hiệu ứng thúc đẩy sản xuất.

Hội nghị dành nhiều thời gian phân tích, làm rõ thêm những khó khăn cũng như các biện pháp để đẩy nhanh tiến độ và quy mô tài đàn heo nhằm ổn định thị trường; cơ cấu lại cây trồng cho phù hợp để không phải “giải cứu” nữa, biện pháp phòng, chống hạn mặn; chuẩn bị phương án nhu cầu nông sản ở một số thị trường khi hết dịch Covid-19…

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Cường - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cần tận dụng để biến “nguy” thành “cơ”.

Bộ trưởng nhấn mạnh, ngành nông nghiệp và các địa phương cần tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp, đạt mục tiêu kéo về nguồn cung trong nước và phục vụ xuất khẩu. Tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng liên kết chuỗi bền vững, trong đó doanh nghiệp là hạt nhân; chú trọng yếu tố thị trường, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, đáp ứng tiêu chuẩn hàng hóa cao về xuất xứ hàng hóa…Các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực chăn nuôi cần chung tay ổn định giá thịt heo; hạn chế tối đa việc đầu cơ tăng giá heo thịt, heo giống hiện nay trên thị trường. khuyến khích doanh nghiệp đầu tư liên kết với nông dân trong chuỗi giá trị đối với các cây trồng chủ lực từ sản xuất, thu mua, bảo quản, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu. Cùng với đó, các cơ quan truyền thông cần tiếp tục đồng hành với ngành Nông nghiệp bằng sự chủ động thông tin chính xác, kịp thời chuyển tải chủ trương, chính sách đến bà con nông dân. Từ đó, cùng vượt qua các thách thức để đạt được mục tiêu kép, vừa chống dịch bệnh vừa đạt được mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững nhịp độ tăng trường năm 2020, ổn định đời sống nhân dân.

Quỳnh Như

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây