Hội nghị chuyên đề “Thực tiễn văn hóa, văn nghệ hiện nay - Quan điểm của Đảng và định hướng trong thời gian tới”

Thứ tư - 28/11/2018 17:00 53 0
Sáng 28-11, tại hội trường Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội nghị chuyên đề về văn hóa, văn nghệ của Đảng với chủ đề “Thực tiễn văn hóa, văn nghệ hiện nay - Quan điểm của Đảng và định hướng trong thời gian tới”.

PCT thang.jpg

Ông Dương Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh (bìa phải) dự hội nghị

Đến tham dự hội nghị có ông Dương Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Nguyễn Văn Nhiếm, Phó Chủ tịch UB.MTTQVN tỉnh, ông Trần Văn Khải, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, các đại biểu là lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh, các tổ chức hoạt động lĩnh vực văn hóa, văn nghệ cấp tỉnh trên địa bàn, lãnh đạo Huyện ủy, Thành ủy, Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Thành ủy; lãnh đạo Phòng Văn hóa-Thông tin, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện, thành phố và cán bộ tuyên giáo của 95 xã, phường, thị trấn trong tỉnh.

Tại hội nghị, Giáo sư, Tiến sĩ, Đại tá Đinh Xuân Dũng, nguyên ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đến tham dự và triển khai nội dung chuyên đề đến các đại biểu. Mở đầu buổi nói chuyện, Giáo sư, Tiến sĩ, Đại tá Đinh Xuân Dũng nêu lên những sự kiện cụ thể ở một số nước trên thế giới cho thấy ảnh hưởng to lớn của tư tưởng, văn hóa đối với sự tồn vong của một chế độ, một đất nước. Cần nhìn nhận văn hóa ở chiều hướng không chỉ ở những hoạt động cụ thể mà đằng sau đó là vấn đề nhân cách con người, vấn đề chế độ. 

giaosu.jpg

Giáo sư, Tiến sĩ, Đại tá Đinh Xuân Dũng triển khai chuyên đề

Giáo sư cũng nêu rõ thực trạng văn hóa hiện nay ở Việt Nam qua những sự việc cụ thể. Trích lại lời Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về lĩnh vực này: "Có 4 lĩnh vực đều phải coi trọng ngang nhau trong sự phát triển của một đất nước, của một dân tộc trong sự lãnh đạo của một đảng, nếu đảng đó là chân chính: chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội", Giáo sư nêu định nghĩa về văn hóa, vai trò, ý nghĩa quan trọng của văn hóa trong hình thành nhân cách con người. Hay có thể nói, văn hóa là sự sinh ra con người lần thứ hai. Văn hóa vừa là hoạt động bề mặt có thể nhìn thấy được, vừa là phần không nhìn thấy được khi nó dần định hình nhân cách. Giáo sư liên hệ với Tây Ninh có căn cứ Trung ương cục miền Nam với giá trị văn hóa to lớn, phải giữ cho được, nó không những có ý nghĩa lịch sử mà còn có ý nghĩa về văn hóa. Xây dựng văn hóa còn là cuộc đấu tranh mà ở đó, người lãnh đạo phải biết sử dụng văn hóa như một sức mạnh; phải đấu tranh chống quan điểm thù địch đi ngược lại đường lối của Đảng; phát triển kinh tế không phải vì bản thân nó mà vì mục tiêu cuối cùng là văn hóa. Với quy luật đặc thù riêng, xây dựng và giữ gìn văn hóa đòi hỏi thời gian dài cùng sự kiên quyết, bền bỉ và có hệ thống. Đó là cuộc chiến quyết liệt gay gắt và thầm lặng, không có bắt đầu cũng không có kết thúc.

Văn hóa luôn luôn biến động, diễn ra hết sức phong phú, nhiều ẩn số không lường trước được, do đó, cần tạo sự cân đối giữa văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần trong xã hội hiện đại. Chúng ta đang đứng trước thách thức gay gắt cho sự định hướng văn hóa đối với giới trẻ mà không thể làm theo cách gượng ép hay dùng vũ lực. Nghị quyết của Đảng về văn hóa văn nghệ đã dùng từ "chức năng kép" cho văn hóa, đó là định hướng và đáp ứng nhu cầu lành mạnh, đa dạng và mới mẻ. Giáo sư cũng đề nghị văn nghệ sĩ Tây Ninh cần tập trung viết, tuyên truyền về truyền thống cách mạng, truyền thống lịch sử của mảnh đất này để nuôi dưỡng trong thế hệ trẻ dòng cảm xúc về truyền thống dân tộc.

Đảng ta quan niệm, văn hóa là nền tảng tinh thần, là mục tiêu, động lực của sự phát triển bền vững của đất nước; là sức mạnh nội sinh của sự phát triển, phải đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, môi trường (xã hội). Với quan điểm của Đảng, bốn nhiệm vụ đặt ra cho văn hóa là phải góp phần trực tiếp bảo vệ và giữ gìn những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc được hình thành và phát triển trong lịch sử ngàn năm; văn hóa, văn học nghệ thuật với sức mạnh của mình miêu tả, khẳng định nuôi dưỡng những giá trị mới đang khó khăn hình thành trong cuộc đấu tranh quyết liệt hiện nay; tỉnh táo, khách quan với thái độ xây dựng, góp ý những mặt xấu, hạn chế, tiêu cực, những thói hư tật xấu; tạo sức đề kháng, năng lực thông minh trong việc tiếp nhận văn hóa nước ngoài.

Giáo sư cũng nêu những giải pháp cho sự phát triển văn hóa thời gian tới là: tiếp tục kiên quyết đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng trên lĩnh vực văn hóa để tạo sự phát triển đột phá về văn hóa trong thời kỳ mới; nâng cao tính khả thi và hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn hóa; tập trung sức lực xây dựng cho bằng được đội ngũ nhân lực hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, đào tạo cho bằng được đội ngũ trung thành, tài năng cho sự nghiệp văn hóa để thực hiện mục tiêu cuối cùng của phát triển văn hóa là nhằm xây dựng con người.

Q.N


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây