Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cùng các đồng chí lãnh đạo cấp cao đồng chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hà Nội.
Quang cảnh tại điểm cầu Tây Ninh
Tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh, tham dự có Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến và lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố cùng nông dân tiêu biểu các xã, phường, thị trấn trên địa bàn.
Có thể khẳng định Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn với chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân, đã được các cấp ủy và cả hệ thống chính trị nỗ lực triển khai thực hiện nghiêm túc, tích cực, đạt nhiều kết quả to lớn, đẩy nhanh hơn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, cải thiện rõ rệt đời sống của đa số nông dân, đóng góp quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của cả nước góp phần làm tăng niềm tin của nhân dân vào Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị.
Cơ cầu từng ngành được điều chỉnh, chuyển đổi theo hướng phát huy lợi thế của mỗi địa phương và cả nước gắn với nhu cầu thị trường. Trình độ canh tác được nâng cao. Năng suất chất lượng, hiệu quả sản xuất nhiều loại nông sản được nâng cao. Giá trị sản xuất trên 1 đơn vị diện tích tăng lên. Năm 2017, đạt 90,1 triệu đồng/ha đất trồng trọt. Một số nông sản đã khẳng định được vị thế và khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới. Xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2017 đạt 36,5 tỷ USD, tăng 2,2 lần so với năm 2008. Giai đoạn 2008-2017, tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp đạt 2,66%/năm, tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành đạt 3,9%/năm. Năng suất lao động trong nông nghiệp tăng nhanh hơn, đạt 6,48%. Giá trị sản xuất công nghiệp nông thôn có xu hướng tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp.
Xây dựng nông thôn mới trở thành phong trào sâu rộng, kết cấu hạ tầng được nâng cấp, điều kiện sinh sống ở nông thôn được cải thiện. Tính đến cuối tháng 6/2018, cả nước có 3.069 xã (chiếm 34,4%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân đạt 13,7 tiêu chí/xã, có 43 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Đến năm 2017, có 99,4% xã trên cả nước có đường ô tô đến trung tâm xã, hầu hết hộ nông thôn có điện sinh hoạt.
Thu nhập bình quân đầu người/năm ở nông thôn tăng 3,49 lần (từ 9,15% triệu đồng năm 2008 lên 32 triệu đồng năm 2017). Khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn được thu hẹp từ 2,1 lần năm 2008 còn 1,8 lần năm 2017. Số hộ nghèo cả nước giảm bình quân 1,5%/năm. Kinh tế hộ nông thôn chuyển dịch theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa, sản xuất công nghiệp, hình thành nhiều trang trại với quy mô lớn hơn, hiệu quả cao hơn. Đến hết năm 2017, số hộ sản xuất nông lâm thủy sản chiếm 53,7% số hộ nông thôn. Cả nước có 34.048 trang trại, tăng mạnh so với năm 2012 (22.564 trang trại). Đã có nhiều hợp tác xã kiểu mới được hình thành và phát triển, hỗ trợ tốt hơn cho sự phát triển kinh tế hộ gia đình.
Trong 10 năm qua, hàng loạt chính sách về nông nghiệp, nông thôn, nông dân đã được sửa đổi theo hướng phù hợp hơn với cơ chế thị trường định hướng XHCN và ưu đãi hơn cho nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là chính sách mới về đất đai đã khuyến khích nông dân yên tâm hơn đầu tư cho sản xuất. Tổng ngân sách nhà nước đầu tư cho phát triển nông nghiệp và nông thôn là 1,17 triệu tỷ đồng. Tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn luôn tăng với tốc độ cao. Tổng dư nợ cho vay ngành nông nghiệp, nông thôn đạt khoảng 1,3 triệu tỷ đồng, chiếm 22% tổng dư nợ của nền kinh tế.
Tuy vậy, quá trình thực hiện Nghị quyết cũng cho thấy những hạn chế, như: phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn thiếu ổn định, nhiều năm tăng trưởng nông nghiệp thấp hơn mục tiêu 3,5-4% như Nghị quyết đề ra; nông thôn phát triển không đồng đều, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội; thu nhập và đời sống của phần lớn nông dân còn thấp, có nơi tỷ lệ hộ nghèo còn cao, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn chưa đạt yêu cầu; khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu còn thấp, ô nhiễm môi trường nhiều nơi gia tăng…
Hội nghị đề ra mục tiêu chung trong việc phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là xây dựng nền nông nghiệp hiện đại có khả năng cạnh tranh cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, sạch, có chất lượng và giá trị gia tăng cao, phát triển bền vững; kinh tế nông thôn phát triển đa dạng; nông thôn phồn thịnh và văn minh; cải thiện nhanh hơn đời sống vật chất và tinh thần của dân cư nông thôn làm cơ sở thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần bảo đảm vững chắc quốc phòng an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái.
Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc, cho rằng, nói một cách khái quát nhất, Nghị quyết 26 của Đảng đã đi vào cuộc sống, đã làm chuyển mình nền nông nghiệp và phát triển mạnh mẽ, làm thay đổi diện mạo nông thôn nước nhà theo hướng văn minh, giàu đẹp hơn. Vai trò chủ thể của người nông dân ngày càng được khẳng định, cùng với đời sống vật chất và tinh thần của đại bộ phận của người dân nông thôn được nâng lên.
Qua ý kiến của các địa phương và Hội Nông dân Việt Nam, Thủ tướng nhận định, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc mạnh mẽ, thực chất, toàn xã hội nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng, ý nghĩa của Nghị quyết và tích cực triển khai thực hiện; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, xử lý những vấn đề bất cập trong nông nghiệp, nông thôn. Đổi mới mạnh mẽ tổ chức sản xuất trong nông nghiệp theo cơ chế thị trường, đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa lớn, nâng cao tính cạnh tranh, đặc biệt là hình thành các chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến, bảo quản đến tiêu thụ sản phẩm; thu hút mạnh mẽ nguồn lực từ doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
Nông nghiệp Việt Nam phát triển toàn diện, chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, với năng suất và chất lượng ngày càng cao, đưa Việt Nam vào nhóm 6 nước hàng đầu về chỉ số lương thực bình quân đầu người, trở thành quốc gia bền vững về an ninh lương thực. Việt Nam là một trong 3 nước xuất khẩu lương thực hàng đầu. Nông sản Việt Nam đã có mặt trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng thứ 2 Đông Nam Á và đứng thứ 15 trên thế giới về kim ngạch xuất khẩu nông sản. Mười mặt hàng kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD.
Thủ tướng cũng nhắc đến Tây Ninh là một trong những tỉnh áp dụng mạnh mẽ công nghệ 4.0 vào sản xuất.
Để tiếp tục nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Thủ tướng đề nghị cần khơi dậy tinh thần yêu nước tự chủ, tự lực, tự cường vươn lên của nông dân; các vấn đề nông nghiệp, nông thôn, nông dân phải được giải quyết đồng bộ với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đồng thời, cần nhận rõ cơ hội và thách thức trong bối cảnh và tình hình mới để có định hướng và chiến lược phát triển; Tiếp tục rà soát hoàn thiện các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, các hợp tác xã, các hộ nông dân khi đầu tư, làm ăn trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là cải cách thủ tục hành chính. Thủ tướng giao Ban Kinh tế Trung ương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì hoàn chỉnh báo cáo tổng kết, chủ động xây dựng dự thảo Nghị quyết mới tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chủ trương, giải pháp để phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trình Bộ Chính trị xem xét trong tháng 12-2018.
Q.N