Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân và đại diện lãnh đạo ngành nông nghiệp chủ trì hội nghị.
Tham dự hội nghị này có Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân, Tổng thư ký Hiệp hội mía đường Việt Nam Nguyễn Hải.
Ông Võ Đức Trong, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Tây Ninh cho rằng, nước có khả năng cạnh tranh mạnh với Việt Nam là Thái Lan, giá thành của đường Thái Lan hiện nay thấp hơn Việt Nam. Do vậy, cần xây dựng lộ trình hạ giá thành xuống. Để giải quyết vấn đề này thì phải tăng năng suất, muốn tăng năng suất thì phải giải quyết 2 yếu tố bài toán về kỹ thuật canh tác sẽ quyết định đến năng suất, tăng năng suất đồng nghĩa với giảm giá thành; thứ hai là cơ giới hoá đồng bộ, nghĩa là cơ giới hóa từ trồng cho đến thu hoạch thì mới giảm giá thành.
Đồng thời, ông Trong cũng phân tích những lợi thế so sánh giữa cây mía với các cây trồng khác; những chính sách nhà nước đã và đang áp dụng cho phát triển mía đường của tỉnh; những giải pháp phát triển vùng nguyên liệu. Ngoài ra, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Tây Ninh cũng kiến nghị doanh nghiệp chế biến mía đường cần có giải pháp giảm giá thành đường; đa dạng hóa các sản phẩm đường; các nhà máy từng bước phát triển mía đường hữu cơ để nâng cao giá trị gia tăng hạ giá thành sản xuất đường để cạnh tranh mà không hạ giá mua mía nguyên liệu cho nông dân; các nhà máy cần xây dựng chính sách đầu tư và giá mua mía cây rõ ràng.
Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước của ngành nông nghiệp, nông dân sản xuất mía đường đã có những trình bày những giải pháp về nâng cao năng suất, chất lượng mía được, giải pháp về kỹ thuật giống, kỹ thuật canh tác, cơ giới hóa, chia sẻ, phản ánh những tồn tại trong ngành mía đường. Đồng thời, hội nghị cũng ghi nhận nhiều giải pháp đề ngành mía đường tỉnh nhà được đứng vững.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Phạm Văn Tân cho rằng, để đưa ngành mía đường tỉnh nhà ngày càng phát triển bền vững trong thời gian tới, Tây Ninh cần tập trung làm được 8 giải pháp. Cụ thể, tổ chức triển khai Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, định hướng phát triển kinh tế giai đoạn 2015 – 2020 tỉnh Tây Ninh sẽ điều chỉnh quy hoạch 20.000 – 25.000 ha ở những khu vực có mức độ thích hợp nhất đối với cây mía, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho các nhà máy đường trong tỉnh hoạt động, phát huy hết năng lực chế biến của các nhà máy đường; Xây dựng các hệ thống hạ tầng trong vùng nguyên liệu trên cơ sở nguồn vốn ngân sách và vốn đóng góp của doanh nghiệp như hệ thống kênh tưới, tiêu trong vùng nguyên liệu mía; Thực hiện tốt chính sách ưu đãi khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp theo mô hình cánh đồng lớn; Tỉnh cũng đang khuyến khích các tổ chức, cá nhân sản xuất mía Organic sản xuất đường sạch để xuất khẩu, sản xuất các sản phẩm sau đường, các phụ phẩm từ chế biến đường nhằm vừa giúp cải thiện môi trường vừa gia tăng chuỗi giá trị mía đường, đảm bảo giá thành đường giảm, nhưng giá mía nguyên liệu thu mua của nông dân chẳng những không giảm mà phải từng bước nâng cao để phát huy hiệu quả sản xuất mía.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng cho rằng, các công ty, nhà máy đường dành quỹ tài chính phù hợp hỗ trợ phát triển dịch vụ cơ giới hóa cánh đồng mía lớn, để giúp nông dân giảm giá thành sản xuất, tăng thu nhập; Các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, Ngân hàng nhà nước tỉnh triển khai hướng dẫn thực hiện các chính sách của Chính phủ về hỗ trợ phát triển nông nghiệp. Cố gắng thực hiện thành công kế hoạch thí điểm cánh đồng lớn trên cây mía trong năm 2016.
Vũ Hải