Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá tình hình phát triển kinh tế-xã hội năm 2018 và xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2019

Thứ hai - 24/09/2018 16:00 125 0
Sáng ngày 24-9, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc nhằm đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chủ trì hội nghị tại điềm cầu Hà Nội. Tại điểm cầu Tây Ninh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng và lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan cùng tham dự.

IMG_5589.JPG

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Tây Ninh

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư được trình bày tại hội nghị nêu rõ, năm 2018, nền kinh tế nước ta có nhiều thuận lợi nhưng cũng phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức. Kinh tế thế giới tiếp tục đà phục hồi, nhưng cũng xuất hiện những rủi ro. Trước tình hình đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu Chính phủ ban hành, chỉ đạo quyết liệt, thực hiện đồng bộ, hiệu quả 9 nhóm với 56 giải pháp và 242 nhiệm vụ cụ thể đã đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2018, phấn đấu đạt ở mức cao và vượt các mục tiêu được Quốc hội giao. Năm 2018, tiếp tục duy trì đà chuyển biến tích cực, dự kiến hoàn thành toàn diện 12/12 chỉ tiêu được Quốc giao (trong đó, dự kiến có 8 chỉ tiêu vượt và 4 chỉ tiêu đạt kế hoạch), góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm đã đề ra.

Kết quả nổi bật nhất là kiểm soát được lạm phát, liên tiếp trong 3 năm 2016-2018, chỉ số giá tiêu dùng bình quân (CPI) duy trì ở mức dưới 4%, thấp hơn mục tiêu Quốc hội giao. Các chính sách tài khóa, tiền tệ và chính sách vĩ mô khác được điều hành linh hoạt, kịp thời, giữ vững được sự ổn định của tỷ giá, lãi suất, thị trường tiền tệ, tín dụng trong nước; thanh khoản và an toàn hệ thống được đảm bảo; duy trì tăng trưởng tín dụng ở mức hợp lý, khoảng 17%, đáp ứng được yêu cầu về vốn của nền kinh tế, nhất là lĩnh vực sản xuất, kinh doanh ưu tiên; nợ công giảm từ 63,7% cuối năm 2016 xuống còn khoảng 61,4% năm 2018.

Đáng chú ý là thu ngân sách nhà nước ước đạt trên 1,35 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 3% so với dự toán và tăng 5,5% so với năm 2017. Bội chi ngân sách ước đạt 3,67%, vượt mục tiêu Quốc hội giao (3,7%). Cơ cấu chi ngân sách có nhiều chuyển biến tích cực theo hướng tăng chi đầu tư phát triển, giảm chi thường xuyên. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 1,89 triệu tỷ đồng, tăng 13,3%, bằng 34% GDP, đạt ở mức cao mục tiêu Quốc hội giao (33-34%) và mục tiêu 5 năm (32-34%). Ước tốc độ tăng trưởng GDP năm 2018 đạt khoảng 6,7% và dự báo triển vọng có thể đạt cao hơn khi những nỗ lực giải pháp các tháng cuối năm tiếp tục được duy trì hiệu quả và bối cảnh trong và ngoài nước gặp nhiều thuận lợi, khẳng định được vai trò là năm bản lề của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020.

Khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng trưởng mạnh mẽ, ước tăng 3,3%, là mức cao nhất kể từ năm 2016. Khu vực công nghiệp và xây dựng ước tăng 7,59%, trong đó, đáng chú ý là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng vượt bậc, ước tăng 12,46%. Khu vực dịch vụ tiếp tục đà tăng trưởng tích cực, ước tăng 7,35%; lượng khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt khoảng 15 triệu lượt khách; sức mua của thị trường trong nước và tiêu dùng nội địa tăng trưởng đáng kể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng duy trì mức tăng cao 2 con số liên tục trong thời gian dài, ước năm 2018 tăng 10,5%-10,8%.

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm, đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp tích cực vào việc duy trì ổn định, đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Hội nghị đề ra phương hướng, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2019 với các nội dung: Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế. Duy trì đà tăng trưởng trên cơ sở cải thiện thực chất hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế gắn với đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế gắn với xây dựng Nhà nước kiến tạo, Chính phủ liêm chính, hành động và phục vụ. Bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, bảo vệ môi trường và cải thiện đời sống nhân dân. Củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tiếp tục phát huy tinh thần ngoại giao chủ động, sáng tạo, hiệu quả, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Đại diện các tỉnh, thành phố phát biểu nêu một số kiến nghị để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương trong thời gian tới.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu kết luận hội nghị nêu bật một số kết quả đáng phấn khởi đạt được trong năm 2018, đồng thời chỉ đạo, năm 2019 là năm rất quan trọng, đảm bảo thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực, để phấn đấu hoàn thành cao nhất kế hoạch 5 năm chung của cả nước, trong bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều thách thức. Tuy nhiên, song song đó, cũng sẽ mở ra nhiều cơ hội. Điều cần thiết là phải nhận diện cho được những khó khăn thách thức và đâu là những cơ hội cho sự phát triển, nhất là tranh thủ được cơ hội do cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang đến để bức phá trong phát triển.

Bô trưởng đề nghị các địa phương cần tập trung thực hiện các giải pháp đã được nêu ra tại hội nghị, đặc biệt là cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư nhằm thu hút các nhà đầu tư. Bộ trưởng cũng dành nhiều thời gian để nêu một số giải pháp khắc phục những hạn chế trong đầu tư công, xây dựng thể chế nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ của ngành trong thời gian tới.

XV

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây