Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Hà Nội
Đồng chí Hầu A Lềnh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hà Nội.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh
Tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh, tham dự có đồng chí Trần Minh Nay - Phó Giám đốc Sở Nội vụ, lãnh đạo các cơ qua, đơn vị liên quan.
Theo Ủy ban Dân tộc, tính đến cuối tháng 6 năm 2022, cả nước có 3.434 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn 52 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, tỉnh Sơn La là tỉnh có số xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhiều nhất cả nước với 202 xã; 3 tỉnh, thành phố có số xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ít nhất cả nước là Thành phố Đà Nẵng 01 xã, tỉnh Tây Ninh 01 xã và tỉnh Bình Dương 01 xã.
Ủy ban Dân tộc đã bám sát các chỉ đạo, định hướng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để thực hiện các nhiệm vụ thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, đảm bảo kế hoạch, chất lượng; ban hành các thông tư hướng dẫn triển khai thực hiện Chương trình này; triển khai thực hiện Đề án Bồi dưỡng kiến thức dân tộc đối với cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2018-2025.
Các địa phương vùng DTTS tiếp tục thực hiện tốt chính sách đối với người có uy tín như: hoạt động thăm hỏi, tặng quà dịp Tết Nguyên đán và các ngày lễ, Tết của dân tộc đối với gần 30.000 người có uy tín; các tỉnh/thành phố tổ chức được khoảng 30 lớp tập huấn, cung cấp thông tin cho khoảng 2.200 người có uy tín tham gia.
Bên cạnh đó, các địa phương còn đẩy mạnh công tác truyên truyền, vận động, phát hiện kịp thời các đối tượng có nguy cơ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống để tổ chức tuyên truyền, vận động nhằm hạn chế tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống; duy trì hoạt động của gần 20 mô hình về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại một số địa phương như Bắc Kạn, Lào Cai, Kon Tum, Quảng Trị.
Mặc dù bị ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài và đặc biệt ca nhiễm tăng cao, lan nhanh ở hầu khắp các tỉnh/thành vùng DTTS trong Quý I/2022, nhưng nhìn chung, tình hình kinh tế, đời sống của người dân vùng DTTS trong 6 tháng đầu năm 2022 cơ bản được ổn định nhờ hiệu quả từ chính sách tiêm chủng vaccine phòng chống Covid-19 và Chương trình phục hồi kinh tế của Chính phủ.
An sinh xã hội cơ bản được đảm bảo, người dân vui xuân đón Tết không bị thiếu lương thực trong dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần và giáp hạt đầu năm 2022.
Qua thực tế cho thấy, các địa phương vùng DTTS gặp phải một số khó khăn, vướng mắc chủ yếu liên quan đến tổ chức thực hiện chính sách dân tộc như: Chậm hướng dẫn, ban hành cơ chế và phân bổ vốn cho Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030; Khó khăn trong việc tổ chức thực hiện chính sách tại địa phương do biến động đối tượng thụ hưởng theo Quyết định số 861/QĐ-TTg về việc phê duyệt danh sách xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025; Quyết định 1227/QĐ-TTg danh sách các dân tộc gặp nhiều khó khăn giai đoạn 2021-2025; điều kiện sống và chế độ đãi ngộ đối với công chức, viên chức, người lao động công tác tại địa bàn vùng DTTS và miền núi.
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đề nghị cơ quan công tác dân tộc các cấp cần tập trung quán triệt đầy đủ các chủ trương, chính sách dân tộc; nắm chắc tình hình DTTS, kịp thời phát hiện những vấn đề phát sinh, đảm bảo an dân; quan tâm kiện toàn bộ máy cơ quan công tác dân tộc, nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác dân tộc; thực hiện tốt chính sách già làng, trưởng bản, người có uy tín, nhằm phát huy tốt vai trò của đội ngũ này trong thực hiện chính sách dân tộc, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tăng cường công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, các sở, ban, ngành, địa phương trong thực hiện công tác dân tộc.
Thanh Hoa