Quang cảnh hội nghị
Các đại biểu tham dự hội nghị
Đồng chí Nguyễn Thành Tâm - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị. Các đồng chí Phạm Hùng Thái - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; đồng chí Nguyễn Thanh Ngọc - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Bí thư Tỉnh ủy đồng chủ trì hội nghị.
Một số kết quả nổi bật
Qua quá trình thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW trên địa bàn, kinh tế Tây Ninh được đánh giá phát triển nhanh, toàn diện, đạt được nhiều thành tựu nổi bật; quy mô kinh tế (giá hiện hành) tăng 7,5 lần so với năm 2005; chất lượng tăng trưởng được cải thiện; GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 3.210 USD, gấp 4,1 lần so với năm 2005.
Giám đốc Sở Công thương Lê Anh Tuấn báo cáo tham luận tại hội nghị
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trương Văn Hùng báo cáo tham luận tại hội nghị
Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt hơn 4,2 triệu đồng/người/tháng, tăng 2 lần so với năm 2010; bằng 70,5% mức bình quân của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đạt mục tiêu Tỉnh ủy đề ra. So sánh tốc độ tăng trưởng của Tây Ninh với các tỉnh trong vùng Đông Nam bộ cho thấy mức tăng GRDP của tỉnh ở mức khá.
Công nghiệp tăng trưởng khá và đóng góp cao cho tăng trưởng kinh tế; tập trung cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng nâng cao chuỗi giá trị; thương mại - dịch vụ và du lịch có nhiều khởi sắc; chú trọng tìm kiến, mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.
Doanh nghiệp có bước phát triển; kinh tế hợp tác, hợp tác xã được quan tâm củng cố. Thu hút đầu tư tăng mạnh, nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có tỷ lệ thu hút đầu tư nước ngoài cao.
Đô thị có bước phát triển, tỷ lệ đô thị hóa tăng gấp 2 lần so với giai đoạn trước, đạt 41,8%. Thị xã Tây Ninh được công nhận là đô thị loại III năm 2012 và thành lập thành phố thuộc tỉnh năm 2013; huyện Trảng Bàng, huyện Hòa Thành được công nhận đô thị loại IV năm 2018 và thành lập thị xã thuộc tỉnh năm 2020.
Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu được quan tâm; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm vi phạm về đất đai,. khoáng sản và môi trường, không để xảy ra ô nhiễm môi trường.
Văn hóa - xã hội chuyển biến tích cực, hầu hết các chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch năm đề ra; thực hiện tốt chính sách, pháp luật về dân tộc, tôn giáo; quan tâm hỗ trợ, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo. Khoa học - công nghệ có bước phát triển về số lượng, chất lượng; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, quản lý, quốc phòng, an ninh…. Nhiều đề tài khoa học, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật có tính thực tiễn và mang lại hiệu quả cao. An sinh xã hội được bảo đảm, nằm trong nhóm tỉnh, thành phố có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất nước.
Cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh được chú trọng đầu tư, đạt kết quả quan trọng, đa dạng hóa các nguồn lực; tập trung đầu tư có trọng điểm các tuyến đường giao thông huyết mạch mang tính kết nối vùng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Chính trị xã hội ổn định, quốc phòng an ninh được giữ vững; hoạt động tư pháp chuyển biến tích cực. Công tác đối ngoại được tăng cường, hợp tác được mở rộng. Xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức được chú trọng thường xuyên, tạo sự chuyển biến tích cực.
Chú trọng tính liên kết vùng để tạo sự phát triển
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc đánh giá cao những kết quả đạt được của tỉnh sau thời gian thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW.
Đồng chí Nguyễn Thanh Ngọc - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị
Tuy nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh cũng thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế, dù tăng trưởng khá nhưng quy mô GRDP của tỉnh còn nhỏ so với các tỉnh trọng điểm trong vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, thấp hơn mức bình quân chung của cả nước. Dù tăng thu ngân sách nhưng quy mô còn nhỏ; năng suất lao động có mức tăng khá nhưng vẫn thấp so vùng Kinh tế trọng điểm; thu nhập bình quân đầu người vẫn thấp; phát triển đô thị có tiến bộ nhưng chậm so với vùng.
Sau khi phân tích cụ thể nguyên nhân khách quan, chủ quan, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị trong thời gian tới, cần phải xác định rõ hơn tiềm năng lợi thế của địa phương, không chỉ dừng lại trong không gian của tỉnh mà là tiềm năng, lợi thế của cả vùng để có kiến nghị huy động nguồn lực của cả vùng, của quốc gia tập trung vào đầu tư. Các tiềm năng đó là dư địa về đất đai, cơ hội phát triển về công nghiệp, đô thị, du lịch, kinh tế cửa khẩu rất lớn cần định vị, đưa vào quy hoạch Vùng.
Bên cạnh đó cần tổng kết các chương trình hợp tác với các tỉnh, thành phố, các tập đoàn và đề ra chương trình hợp tác trong giai đoạn mới với chương trình hợp tác cụ thể hơn, thiết thực hơn.
Đổi mới tư duy để có giải pháp cụ thể, cách tiếp cận mới nhằm tranh thủ sự ủng hộ, hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành có tốc độ phát triển nhanh.
Tiếp tục có những giải pháp giải quyết triệt để những điểm nghẽn về đất đai, quy hoạch, xây dựng, đầu tư; có giải pháp kiềm chế cho được yếu tố đầu cơ về đất, gây khó khăn cho công tác đền bù, giải phóng mặt bằng; quyết tâm đạt kết quả cao hơn trong thực hiện các đột phá của tỉnh, nhất là đột phá về du lịch.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện mạnh chuyển đổi số, xây dựng môi trường đầu tư minh bạch, chuyên nghiệp, có sức cạnh tranh cao.
Hơn lúc nào hết, cả hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải hết sức bản lĩnh, có quyết tâm chính trị cao, có trách nhiệm và khát khao phát triển.
Đối với sự phát triển của Vùng, Chủ tịch UBND tỉnh đề xuất, trước hết đề nghị Trung ương xác định rõ vai trò, vị trí của vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam với sự phát triển chung của cả nước, để từ đó có cơ chế, chính sách đặc thù tạo sự phát triển Vùng; cần có chính sách ưu đãi thu hút nguồn lực, phân cấp thẩm quyền; đề xuất Trung ương nghiên cứu xây dựng quy hoạch Vùng với tư duy, tầm nhìn dài hạn, có chất lượng cao, trong đó, đánh giá tiềm năng, lợi thế của Vùng, địa phương, chú trọng những lợi thế của địa phương mà cũng là lợi thế chung của cả vùng để tập trung đầu tư. Sau khi đã xác định vị trí, cần tập trung đầu tư nhanh, đồng bộ hạ tầng giao thông kết nối vùng, chủ yếu là đường vành đai của Thành phố Hồ Chí Minh, đường cao tốc giữa Thành phố với các tỉnh, trong đó có Tây Ninh để tạo ra cú hích, đột phá, nhanh, mạnh phát triển kinh tế của từng địa phương cũng như cả Vùng. Các tỉnh trong Vùng cần có thống nhất về định hướng, quan điểm, định hướng chiến lược trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng an ninh, ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống, an ninh trật tự của từng địa phương.
Các địa phương trong Vùng cần nâng cao và chia sẻ trách nhiệm hướng đến sự phát triển bền vững
Kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thành Tâm khẳng định, Nghị quyết 53-NQ/TW và Kết luận số 27-KL/TW đã có tác động tích cực, toàn diện lên sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Tây Ninh nói riêng, vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng Đông Nam Bộ nói chung.
Đồng chí Nguyễn Thành Tâm - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu kết luận hội nghị
"Bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta có thể nhận định rằng, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế nhất định. Đó là tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh có xu hướng chậm lại theo từng giai đoạn; gần đây tỷ lệ tăng trưởng của tỉnh ở mức thấp hơn bình quân chung của cả nước, nguy cơ tụt hậu xa hơn so với các tỉnh trong vùng Đông Nam bộ. Hiện nay, cơ cấu ngành nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, chuỗi giá trị chưa đạt theo yêu cầu. Lĩnh vực du lịch cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội nhưng chưa trở thành động lực cho phát triển kinh tế địa phương"- Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh.
Do đó, việc tổng kết Nghị quyết 53-NQ/TW và Kết luận 27-KL/TW của Bộ Chính trị là cơ hội để tỉnh rà soát, đánh giá một cách tổng thể về những kết quả đạt được, xác định những hạn chế, vướng mắc có tính tổng thể để cùng với các địa phương trong Vùng đề xuất, kiến nghị tổng kết thực tiễn, bổ sung lý luận, để Trung ương ban hành xác định quan điểm, đề ra mục tiêu, phương hướng, giải pháp phát triển kinh tế vùng Đông Nam bộ, sát với tình hình, bối cảnh thực tế trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời đây cũng là cơ sở thực tiễn, cơ sở chính trị quan trọng để Chính phủ, mà cụ thể là Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức lập quy hoạch vùng Đông Nam bộ, thời kỳ năm 2021-2030, và tầm nhìn đến năm 2050.
Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các cơ quan tham mưu giúp việc của Tỉnh ủy, các đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh tiếp tục quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo nghiên cứu, tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh uỷ góp ý, đề xuất với Trung ương quan điểm, định hướng và các giải pháp đảm bảo khả thi, hiệu quả nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội của từng địa phương trong vùng Đông Nam bộ, cũng như nâng cao hiệu quả liên kết Vùng.
Đồng thời, quan tâm phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Chính phủ để đề xuất quan điểm, các định hướng, mục tiêu, các phương án phân vùng phát triển trong quy hoạch phát triển của Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đảm bảo đầy đủ, toàn diện, thống nhất, đồng bộ với quy hoạch Vùng, tạo điều kiện để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế so sánh của tỉnh trong phân công của Vùng, phát triển khu vực vùng Đông Nam bộ; gắn phát triển của tỉnh với phát triển của Vùng; phối hợp với các địa phương trong vùng để tiến hành rà soát đánh giá sâu sắc hơn, các chương trình các cơ chế hợp tác song phương, cũng như hợp tác toàn vùng, từ đó, đề xuất xây dựng các cơ chế hợp tác song phương và liên kết Vùng đảm bảo tính tổng thể, đồng bộ, khả thi để chủ động giải quyết cơ bản các vấn đề bất cập trong hợp tác, liên kết Vùng giữa các địa phương trong Vùng.
Trước mắt, phải đẩy mạnh kết nối hạ tầng giao thông thông suốt, chia sẻ trách nhiệm về bảo vệ tài nguyên, môi trường, bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước và định hướng thu hút đầu tư giữa các địa phương, đảm bảo phục vụ tốt cho nhu cầu phát triển nhanh, bền vững, cân bằng của từng địa phương và giữa các địa phương trong Vùng.
Trâm Thư