Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác quy hoạch

Thứ năm - 19/08/2021 17:00 203 0
Sáng 19/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác quy hoạch. Cùng tham dự có các Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Vũ Đức Đam và Lê Văn Thành.

​Tại Tây Ninh, các đại biểu tham dự hội nghị tại 5 điểm cầu.

 

Các đồng chí lãnh đạo tham dự hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh

Đồng chí Nguyễn Thanh Ngọc - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh dự tại điểm cầu UBND tỉnh.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, theo tổng hợp báo cáo của các bộ, ngành và địa phương, dự kiến trong năm 2021 sẽ có 20 quy hoạch ngành quốc gia và 33 quy hoạch tỉnh được lập xong và gửi xin ý kiến; 01 quy hoạch vùng, 20 quy hoạch ngành quốc gia và 18 quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ trình thẩm định (trong đó, đã thẩm định xong quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh và quy hoạch tỉnh Bắc Giang); các quy hoạch còn lại sẽ được hoàn thiện và trình thẩm định trong năm 2022.

Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tổ chức hoàn thiện Khung định hướng quy hoạch quốc gia, dự kiến trình Hội đồng quy hoạch quốc gia xem xét, thông qua vào tháng 10/2021. Dự kiến trong năm 2021 sẽ có 19 quy hoạch ngành quốc gia được lập xong và trình thẩm định.

Đối với quy hoạch vùng, Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã hoàn thiện việc lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030 và đã trình Hội đồng thẩm định. Trên cơ sở giữ nguyên phương án 6 vùng kinh tế - xã hội như hiện nay theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tổ chức triển khai xây dựng Nhiệm vụ lập quy hoạch 5 vùng còn lại, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong năm 2021.

Đối với quy hoạch tỉnh, đến nay, 61/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh, còn 02 địa phương chưa trình nhiệm vụ lập quy hoạch để thẩm định là Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Dự kiến đến cuối năm 2021 sẽ có thêm 19 tỉnh lập xong quy hoạch (trong đó có tỉnh Tây Ninh), gửi xin ý kiến và trình thẩm định; các địa phương còn lại sẽ hoàn thiện và trình thẩm định quy hoạch trong năm 2022.

Các quy hoạch đang được các Bộ, ngành và địa phương điều chỉnh chủ yếu là Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội cấp tỉnh; Quy hoạch phát triển điện lực; Quy hoạch sử dụng đất; Quy hoạch thăm dò, chế biến và khai thác khoáng sản; Quy hoạch tổng thể phát triển các khu công nghiệp; Quy hoạch phát triển các khu kinh tế ven biển; các Quy hoạch thuộc lĩnh vực giao thông.

Theo Bộ Trưởng Nguyễn Chí Dũng, việc tổ chức lập các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia đã đạt kết quả bước đầu; dự kiến trong năm 2021 sẽ có 19/38 quy hoạch ngành quốc gia, 01/06 quy hoạch vùng, 26/63 quy hoạch tỉnh được lập xong và gửi xin ý kiến, trình thẩm định; các quy hoạch còn lại sẽ được hoàn thiện và trình thẩm định trong năm 2022.

Sau khi được quyết định hoặc phê duyệt, các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia và các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành thời kỳ 2021-2030 sẽ thay thế cho 19.285 quy hoạch, các loại phải lập cho thời kỳ trước Luật Quy hoạch được ban hành.

Các Bộ, ngành, địa phương đã từng bước chuyển đổi hoạt động quản lý nhà nước phù hợp quy định của Luật Quy hoạch, theo hướng “Chính quyền là một tổng thể thống nhất”, tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin liên ngành, liên cấp trong hoạt động quản lý nhà nước, tạo dựng môi trường kinh doanh công bằng, thông thoáng với điều kiện kinh doanh được đơn giản hóa cho cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Từng bước bãi bỏ các quy hoạch về hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ, thay thế bằng các điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành theo nguyên tắc công khai, minh bạch.

Nội dung và chất lượng công tác quy hoạch sẽ được cải thiện đáng kể so với trước đây, việc áp dụng phương pháp tích hợp quy hoạch khắc phục được sự chồng chéo, xung đột giữa các quy hoạch riêng lẻ; nâng cao sự gắn kết giữa chiến lược - quy hoạch - kế hoạch - đầu tư; mở ra các cơ hội, không gian phát triển mới, hình thành các ngành nghề đầu tư, kinh doanh mới; đảm bảo mục tiêu phát triển cân đối, hiệu quả, bền vững giữa các ngành, vùng lãnh thổ và cả nước.

Tuy nhiên, tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030 chưa đạt được yêu cầu đã đề ra tại Nghị quyết số 11/NQ-CP. Việc triển khai lập quy hoạch theo phương pháp tích hợp với nội dung cơ bản là lập thống nhất chỉ một bản quy hoạch trên một địa bàn tỉnh (thay thế cho khoảng 50 loại quy hoạch ngành, lĩnh vực trước đây) cùng với việc tiếp cận tổng hợp và phối hợp đồng bộ giữa các ngành, lĩnh vực còn có cách hiểu khác nhau, dẫn đến triển khai chậm và lúng túng.

Việc phối hợp và chia sẻ thông tin liên ngành, liên cấp giữa các Bộ, ngành và địa phương chậm và còn nhiều hạn chế; chưa thúc đẩy tính liên kết vùng, còn tư duy cục bộ trong quản lý và phát triển; tính linh hoạt, sáng tạo còn yếu.

Các bộ, ngành, địa phương cùng thảo luận, đánh giá thực trạng, tiến độ triển khai nhiệm vụ được phân công về công tác quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; những tồn tại khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, bởi, đến nay chưa có một quy hoạch nào được phê duyệt. Phân tích nguyên nhân của sự chậm trễ cùng giải pháp khắc phục đảm bảo tiến độ chất lượng lập quy hoạch.

 

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. (ảnh: chinhphu.vn)

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương cùng tiếp thu các ý kiến, phối hợp với nhau để cùng thực hiện tốt công tác quy hoạch trong thời gian tới.

Thủ tướng nhấn mạnh, quy hoạch phải đi trước một bước, có tính tổng thể, toàn diện, bao quát, có tính định hướng, cụ thể hóa một bước Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, cụ thể hóa Nghị quyết của Quốc hội ban hành, bám sát, khai thác tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của các địa phương để tạo ra sự  phát triển bền vững. “Có quy hoạch tốt, mới có đề án, dự án tốt, từ đó, mới có nhà đầu tư tốt, sử dụng hiệu quả đầu tư công, phát triển kinh tế-xã hội địa phương”-Thủ tướng nói.

Thủ tướng cho rằng trong quá trình thực hiện cần vừa làm, vừa bổ sung hoàn thiện dần. Do công tác lập quy hoạch lần này có điểm mới là vừa lập Quy hoạch quốc gia, đồng thời lập quy hoạch địa phương, quy hoạch ngành, cần phải có sự kết hợp, phối hợp, phải trao đổi thật tốt với nhau.

Quy hoạch cần bám sát Nghị quyết Đại hội XIII, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 10 năm, bám sát Luật Quy hoạch, các chỉ đạo của Trung ương, bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn để chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp. Quá trình làm có thể phát sinh vướng mắc, nhưng vướng mắc ở cấp nào cấp đó xử lý.

Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo theo đặc điểm tình hình của mỗi địa phương, đơn vị. Cấp ủy, người đứng đầu chính quyền có thể thành lập ban chỉ đạo thực hiện công tác quy hoạch một cách linh hoạt, hiệu quả. Coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng của năm 2021 và những năm tiếp theo, theo biên độ và theo từng năm

Để thực hiện hiệu quả công tác quy hoạch, Thủ tướng yêu cầu cần hoàn thiện thể chế trên tinh thần phân cấp triệt để, giảm tối đa thủ tục hành chính; tăng cường kiểm tra, giám sát. Các bộ, ngành chủ động phát huy tính sáng tạo, linh hoạt của mỗi cơ quan đơn vị; chọn đơn vị tư vấn có uy tín chất lượng, nhưng cấp ủy, chính quyền vẫn phải chủ động.

Về khó khăn khi kết nối các quy hoạch, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích chung lên trên hết, với tinh thần trách nhiệm cao nhất, không cục bộ, chia cắt, manh mún mà phải bao quát. Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung quốc gia một cách tập trung, thống nhất và chuyên sâu.

Thủ tướng cho rằng, tiến độ lập quy hoạch hiện nay là quá chậm, sắp tới, tinh thần là phải khẩn trương, cấp ủy, chính quyền phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo vừa đảm bảo tiến độ vừa đảm bảo chất lượng, đảm bảo kết nối vùng với kết nối quốc gia trong các quy hoạch được trình phê duyệt.

Hoàng Giang

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây