Các đồng chí lãnh đạo tham dự hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh
Tại Tây Ninh, tham dự tại các điểm cầu có đồng chí Nguyễn Thành Tâm - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Bí thư Tỉnh ủy (điểm cầu Tỉnh ủy); đồng chí Nguyễn Thanh Ngọc - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh của tỉnh, các Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Đức Trong, Dương Văn Thắng, Trần Văn Chiến (điểm cầu UBND tỉnh).
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận xét, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg, các địa phương đã sáng tạo, linh hoạt trong tổ chức điều hành, đảm bảo tính thiết thực, sát thực tế. Với sự nỗ lực, sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội, các địa phương đã đạt được những kết quả tích cực bước đầu. Tuy nhiên về tổng thể vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra. Do đó, hội nghị cần nghiêm túc đánh giá lại việc triển khai thực hiện theo tinh thần Chỉ thị số 16/CT-TTg và các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19, phân tích làm rõ mặt được và chưa được, nguyên nhân, tập trung phân tích nguyên nhân chủ quan, về công tác lãnh đạo chỉ đạo, phân cấp phân quyền, nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành và ý thức chấp hành của người dân trong thực hiện phòng chống dịch, để xem xét bổ sung, hoàn thiện các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng quyết liệt hơn đạt được mục tiêu kiềm chế, đẩy lùi dịch bệnh, thực hiện công tác an dân, phát triển kinh tế-xã hội.
Theo Báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia, sau 26 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg tại 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam và một số tỉnh miền Trung, các địa phương này ghi nhận 216.719 ca mắc, trong đó số ca mắc ghi nhận qua sàng lọc tại cộng đồng là 39.918, chiếm 18,4% tổng số ca mắc trong thời gian thực hiện giãn cách. Số ca mắc mới sàng lọc cộng đồng đã bắt đầu xu hướng giảm tại một số địa phương. Dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, nhất là tại TP.Hồ Chí Minh và một số địa phương lân cận (Bình Dương, Long An, Đồng Nai).
Đến nay, 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đã triển khai tiêm chủng được hơn 7,4 triệu liều vaccine (đạt 79,8% số được phân bổ), gồm có hơn 7 triệu liều mũi 1 và gần 400.000 liều mũi 2.
Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, cách ly có vai trò đặc biệt quan trọng trong phòng, chống dịch, tiếp đến là xét nghiệm sớm, có cơ sở điều trị với mức độ cao hơn, nhanh hơn để giảm tử vong; chăm lo an sinh xã hội thường xuyên liên tục.
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, các địa phương khẳng định sẽ tận dụng cao nhất "ngày vàng, giờ vàng, tuần vàng" để tập trung toàn lực bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, cắt đứt chuỗi lây nhiễm, nêu quyết tâm thực hiện mục tiêu kiểm soát dịch bệnh theo mốc thời gian trong Nghị quyết 86 của Chính phủ. Các địa phương cũng đề nghị sớm có tiêu chí hướng dẫn về kiểm soát dịch bệnh và những việc cần làm tiếp sau khi dịch được kiểm soát…
Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính chủ trì tại điểm cầu Trung ương. (ảnh chinhphu.vn)
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương tinh thần trách nhiệm, làm việc quên ngày đêm của các địa phương có nhiều ca nhiễm như TP.Hồ Chí Minh, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An….
Thủ tướng nhấn mạnh một số bài học kinh nghiệm quan trọng trong công tác phòng, chống dịch. Đó là, lãnh đạo, chỉ đạo phải tập trung, thống nhất, chuyên sâu, quyết liệt, mạnh mẽ và dứt khoát. Phải có sự vào cuộc của nhân dân, nhân dân ý thức, tham gia, ủng hộ, thực hiện nghiêm các quy định, hướng dẫn thì mới có kết quả, nơi nào người dân không ủng hộ thì không có kết quả, thậm chí thất bại.
Sự tham gia của người dân có tính chất quyết định, người dân là chủ thể, là trung tâm của công tác phòng chống dịch. Mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương phải là một pháo đài, nhất là ở cơ sở, mỗi người dân là một chiến sĩ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của chính quyền, sự vào cuộc của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân.
Cùng với đó, phải có sự phối hợp chặt chẽ, hài hòa, nhịp nhàng, linh hoạt, phù hợp tình hình, có hiệu quả giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương, tất cả vì sức khỏe nhân dân, vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Phải chủ động bảo đảm hậu cần sẵn sàng ở mức cao nhất và có phương án phù hợp, khả thi, thực chất.
Với nhận định tình hình vẫn còn đang phức tạp, có nơi nghiêm trọng, Thủ tướng yêu cầu các địa phương căn cứ diễn biến thực tế để đánh giá, xác định tình hình cụ thể và có giải pháp ứng phó phù hợp theo Nghị quyết 86 của Chính phủ. Tiếp tục quán triệt tinh thần "chống dịch như chống giặc", xem đây là ưu tiên số 1 trên phạm vi cả nước trong lúc này, huy động toàn bộ hệ thống chính trị tham gia tích cực vào công tác phòng, chống dịch.
Thủ tướng cũng lưu ý, các địa phương đang thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg phải ưu tiên cho công tác chống dịch, nhưng không có nghĩa là chỉ tập trung chống dịch, nơi nào an toàn vẫn phải duy trì sản xuất, sản xuất phải an toàn, an toàn để sản xuất và thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên khác.
Thủ tướng yêu cầu tại các địa phương thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg, Bí thư cấp ủy phải trực tiếp làm Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch. Các đồng chí Phó Bí thư, Ủy viên Thường vụ, Phó Chủ tịch UBND phụ trách các lĩnh vực tùy theo chức năng, nhiệm vụ và tình hình cụ thể, bảo đảm rõ việc, rõ người, rõ trách nhiệm. Các địa phương phải thành lập sở chỉ huy hoặc trung tâm chỉ huy do Phó Bí thư, Chủ tịch UBND làm Chỉ huy trưởng, có bộ phận thường trực giúp việc xuyên suốt. Lãnh đạo, chỉ đạo phải tập trung, thống nhất, chuyên sâu cao nhất, dứt khoát phải quyết liệt, mạnh mẽ, hiệu quả và gần dân, bám sát dân.
Khi quyết định thực hiện giãn cách xã hội thì phải thực hiện nghiêm, thực chất, đúng tinh thần "ai ở đâu ở đó". Tranh thủ "thời gian vàng" giãn cách để kiểm soát dịch bệnh nhanh nhất có thể, không để lây lan rộng nên phải giãn cách xã hội trên phạm vi rộng. Phải luôn đề cao cảnh giác, thực hiện nghiêm việc phòng ngừa, phát hiện nhanh, xử lý sớm, chủ động áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch ở mức cao hơn, sớm hơn một bước.
Về thực hiện chủ trương "4 tại chỗ", Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 30, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 86 tạo điều kiện tối đa về quy trình, thủ tục về đầu tư, mua sắm trang thiết bị, sinh phẩm y tế phòng chống dịch. Lãnh đạo địa phương phải kịp thời triển khai mua sắm, bảo đảm điều kiện phòng, chống dịch trên địa bàn, tuyệt đối không trông chờ, ỷ lại vào hỗ trợ của Trung ương.
XV