Quang cảnh hội thảo
Các đồng chí chủ trì hội thảo
Tham dự hội thảo có đồng chí Cao Minh Trí - Viện trưởng Viện kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh; đồng chí Võ Văn Cường - Phó Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh; đồng chí Nguyễn Hồng Thanh - Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy; đồng chí Trần Văn Chiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Hoàng Thị Thanh Thúy - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; đồng chí Nguyễn Thị Tuyết Vân - Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành, chánh án tòa án các huyện, thị xã, thành phố.
Đồng chí Nguyễn Thị Tuyết Vân - Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh phát biểu tại hội thảo
Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Thị Tuyết Vân - Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh cho biết, trong 5 năm qua, Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Tây Ninh đã thụ lý 57.606 vụ việc dân sự các loại. Trong giải quyết các vụ việc dân sự, tòa án làm tốt các quy trình tố tụng, từ giai đoạn nhận đơn đến khi ban hành bản án, quyết định; nhất là thực hiện tốt việc hướng dẫn cho các đương sự cung cấp chứng cứ, hỗ trợ đương sự thu thập chứng cứ khi có yêu cầu.
Tuy nhiên, vẫn còn một số vụ việc dân sự bị cấp phúc thẩm hoặc cấp giám đốc thẩm hủy sửa. Mặc dù số án hủy, sửa chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng số vụ án đã giải quyết nhưng để lại hậu quả khó khắc phục.
Theo thống kế, số vụ việc dân sự bị hủy của tòa án nhân dân 2 cấp tỉnh trong 5 năm là trên 200 vụ, án bị sửa trên 500 vụ, thấp hơn mức cho phép của tòa án nhân dân tối cao và năm sau thấp hơn năm trước. Thực tế cho thấy vụ việc dân sự hủy, sửa gây nên nhiều hệ lụy cho các bên tham gia. Trước tiên là gây phiền hà, tốn kém cho các bên đương sự về thời gian, vật chất; kế đến là gây tốn kém cho nhà nước khi phải bỏ ra nhiều nhân lực cho một vụ án, hơn hết là niềm tin của nhân dân với hoạt động xét xử của tòa án bị giảm sút.
Nguyên nhân của vấn đề này được chỉ ra là do quy định của pháp luật tố tụng còn nhiều nội dung chưa rõ ràng, cụ thể nên có nhiều cách hiểu khác nhau giữa các thẩm phán, giữa cấp trên và cấp dưới, nhất là trong giải quyết các vụ việc liên quan đất đai và nhà ở.
Bộ luật Tố tụng dân sự quy định nghĩa vụ cung cấp chứng cứ chủ yếu thuộc về các đương sự. Tòa án chỉ hỗ trợ khi đương sự yêu cầu và khi họ không thể thu thập được nhưng thực tế hoạt động thu thập chứng cứ của các đương sự gặp nhiều khó khăn do không biết nguồn chứng cứ hoặc không được các cá nhân, tổ chức, cơ quan cung cấp nên nhiều trường hợp chứng cứ không đầy đủ để đánh giá. Đa số các vụ án bị hủy đều liên quan đến tranh chấp đất đai, nhà ở; nhưng việc lưu giữ hồ sơ của cơ quan hành chính nhà nước về lĩnh vực này còn nhiều bất cập, nên không thể cung cấp cho tòa án hoặc cung cấp không đầy đủ.
Còn có nguyên nhân thuộc về thẩm phán đã xác định không đúng quan hệ tranh chấp; tuyên án không án rõ ràng dẫn đến bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật không thi hành được. Mặt khác, tính chất các tranh chấp ngày càng phức tạp, đa dạng về các quan hệ pháp luật, người tham gia tố tụng đông dễ dẫn đến sai sót…
Các tham luận tại hội thảo đã phân tích, đánh giá thực trạng, nguyên nhân các vụ việc dân sự của Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Tây Ninh bị hủy, sửa trong thời gian từ ngày 01/10/2017 đến nay; khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng pháp luật giải quyết các vụ việc dân sự; làm rõ vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị trong việc giải quyết các vụ việc dân sự. Những kinh nghiệm giải quyết hiệu quả các vụ án dân sự; đề xuất, kiến nghị những giải pháp cụ thể nhằm hạn chế, kéo giảm án dân sự bị hủy, sửa, nhất là án bị hủy nhiều lần.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến nhấn mạnh trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo kiện toàn về tổ chức, nâng cao trách nhiệm, năng lực của các cơ quan tiếp dân, cơ quan tham mưu giải quyết khiếu nại từ tỉnh đến xã, hạn chế khiếu kiện
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến cho rằng, trong quá trình cung cấp thông tin cho tòa án về các hoạt động quản lý hành chính có liên quan đến các vụ việc dân sự, còn gặp một số khó khăn, do hồ sơ địa chính trải qua nhiều giai đoạn quản lý, lưu trữ nên đã chưa chỉnh lý, cập nhật, biến động một cách liên tục, đầy đủ, một số hồ sơ gốc bị thất lạc. Mặt khác, cơ sở dữ liệu đất đai chưa được xây dựng hoàn chỉnh nên việc cung cấp mất nhiều thời gian, chưa đáp ứng cung cấp đầy đủ thông tin theo yêu cầu của Tòa án.
UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài chính phối hợp với các Sở, ngành tham gia hỗ trợ cho Tòa án nhân dân tỉnh về định giá tài sản tranh chấp theo quy định. Tuy nhiên, đối với các vụ án tranh chấp dân sự có lịch sử đất đai phức tạp, qua thực hiện có một số khó khăn. Một số trường hợp, Tòa án đã xét xử mà bản vẽ chưa được cơ quan chuyên môn thẩm định, dẫn đến số liệu sai sót, gây khó khăn trong công tác đo đạc, đến khi thi hành bản án thì kết quả đo đạc thực tế giao đất của cơ quan Thi hành án lệch với số liệu trong Bản án tuyên của Toà án.
Đất tranh chấp thường không có ranh đất rõ ràng do hai bên tranh chấp tự xác định ranh, do đó gây khó khăn cho cán bộ đo đạc phải mất nhiều thời gian để đo bao quát nhiều thửa đất liền kề nhằm xác định ranh đất theo bản đồ địa chính. Khi đo đạc xong, bộ phận chuyên môn của Văn phòng Đăng ký đất đai phải chờ Tòa án bổ sung biên bản làm việc và các tài liệu liên quan, do đó thời gian có lúc chưa đảm bảo.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng cho biết, trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo kiện toàn về tổ chức, nâng cao trách nhiệm, năng lực của các cơ quan tiếp dân, cơ quan tham mưu giải quyết khiếu nại từ tỉnh đến xã. Tăng cường trách nhiệm, tính chủ động của người đứng đầu các cơ quan nhà nước trong việc tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai để giải quyết kịp thời, dứt điểm, công bố, công khai kết quả giải quyết, không để khiếu kiện vượt cấp, diễn biến phức tạp, khiếu kiện đông người; chịu trách nhiệm về việc giải quyết tranh chấp, khiếu nại; chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, phát hiện, chấn chỉnh những yếu kém, vi phạm trong thực hiện các quy định về quản lý nhà nước về đất đai đối với người sử dụng đất.
Đồng chí Cao Minh Trí - Viện trưởng Viện kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo
Đồng chí Cao Minh Trí - Viện trưởng Viện kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh đến 7 kinh nghiệm để khắc phục những thiếu sót, hạn chế vi phạm nghiêm trọng nhằm kéo giảm các vụ việc dân sự bị hủy sửa. Trong đó, cần nghiên cứu kỹ yêu cầu khởi kiện của đương sự, xác định đúng tư cách tham gia tố tụng của đương sự, xác định đúng, đầy đủ quan hệ pháp luật tranh chấp, việc thụ lý yêu cầu phản tố của bị đơn, yêu cầu độc lập của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, từ đó, xác định thẩm quyền thụ lý, giải quyết của tòa án hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức khác…
Đồng chí Võ Văn Cường - Phó Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh nêu những kinh nghiệm trong giải quyết án dân sự
Chia sẻ kinh nghiệm giải quyết hiệu quả các vụ án dân sự, đồng chí Võ Văn Cường - Phó Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh cho răng, dân sự là lĩnh vực hết sức phức tạp, giao dịch dân sự gắn liền với hành vi của con người. Do đó, khi xây dựng hồ sơ tuyệt đối tuân thủ đúng quy định của pháp luật, không được ghi thêm ghi bớt. Sau khi án bị hủy sửa nên nghiêm túc rút kinh nghiệm; cần chọn người có năng lực, kinh nghiệm, trình độ để giải quyết vụ án phức tạp, khi điều động cán bộ cần đảm bảo tính phù hợp, tránh làm ảnh hưởng đến chất lượng giải quyết vụ án.
Đồng chí Nguyễn Hồng Thanh - Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy kết luận hội thảo
Phát biểu kết luận Hội thảo, đồng chí Nguyễn Hồng Thanh - Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy cho rằng, để khắc phục vụ việc dân sự bị hủy, sửa, Tòa án nhân dân hai cấp ở tỉnh cần tiếp tục phối hợp với Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân; xây dựng ý thức thượng tôn pháp luật, tránh sự chủ quan của người dân khi tham gia các hợp đồng, giao dịch dân sự.
Bên cạnh đó, cần tăng cường, nâng cao chất lượng chất lượng công tác quản lý nhà nước ở các lĩnh vực, nhất là các lĩnh vực đang làm phát sinh các tranh chấp dân sự trên địa bàn; tiếp tục đầu tư, nâng cao chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở, nhất là giải quyết các tranh chấp nhỏ, ít phức tạp; tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác hòa giải tại tòa án; rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy chế phối hợp giữa tòa án nhân dân tỉnh và các cơ quan quản lý nhà có liên quan và tổ chức thực hiện có hiệu quả quy chế đã ban hành.
Đối với thẩm phán, cần nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ, tích cực học tập, rèn luyện nâng cao năng lực xét xử, trao đổi kinh nghiệm; thường xuyên cập nhật, nắm bắt quy định mới của pháp luật, nhất là các văn bản hướng dẫn thi hành.
Khi giải quyết các vụ án dân sự cần nghiên cứu hồ sơ, thu thập kỹ tài liệu, đánh giá chứng cứ một cách toàn diện, có tính lịch sử (nhất là vụ liên quan đến đất đai, nhà ở…); đảm bảo pháp luật về tố tụng; phối hợp chặt chẽ giữa tòa án và viện kiểm sát cùng cấp, nhất là việc tổ chức các phiên toà rút kinh nghiệm theo tinh thần cải cách tư pháp. Đối với những vụ án phức tạp, thẩm phán, kiểm sát viên cần phối hợp chặt chẽ, kịp thời cùng chỉ ra những khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết các vụ án để đảm bảo sự thống nhất trong việc áp dụng pháp luật; bảo đảm vụ việc giải quyết nhanh chóng, toàn diện, có căn cứ, đúng pháp luật.
Hoàng Giang