Kịch bản ứng phó với các tình huống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện trên địa bàn tỉnh

Thứ ba - 12/03/2019 17:00 280 0
Để chủ động trong việc ứng phó với bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh, ngày 11/3/2019, đồng chí Trần Văn Chiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã ký ban hành Quyết định số 614/QĐ-UBND về ban hành Kịch bản ứng phó với các tình huống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện trên địa bàn tỉnh. Quyết định giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành có liên quan, UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện theo quy định.

Kịch bản này nhằm ứng phó nhanh với các tình huống ổ dịch xuất hiện trên địa bàn tỉnh; việc phân công các sở, ban, ngành có liên quan, UBND các huyện, thành phố các giải pháp phòng, chống dịch bệnh thực hiện theo Kế hoạch hành động khẩn cấp ứng phó với bệnh Dịch tả lợn Châu Phi được ban hành theo Quyết định số 134/QĐ-UBND ngày 17/01/2019 của UBND tỉnh Tây Ninh. Qua đó nhằm giảm thiểu nguy cơ vi rút xâm nhập vào trong tỉnh qua hoạt động vận chuyển; phát hiện sớm, xử lý kịp thời ngay khi vi rút xâm nhập vào địa bàn tỉnh; giảm thiểu nguy cơ vi rút nhân lên và phát tán rộng và giảm thiểu tác động tiêu cực cho kinh tế, xã hội.

Các giải pháp kỹ thuật và hoạt động cụ thể cho tình huống xuất hiện ca bệnh Dịch tả lợn Châu phi được đưa ra gồm.

Tình huống 1 khi dịch được phát hiện trong phạm vi hẹp (Dịch bệnh được phát hiện ở 1 đến 3 hộ chăn nuôi, trại chăn nuôi gia đình trong từ 1 - 3 ấp của 01 xã). Khi có thông tin bệnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y cử ngay Đội phản ứng nhanh đến điều tra thông tin, lấy mẫu xét nghiệm, hướng dẫn biện pháp xử lý để phòng chống dịch lây lan và phòng bán chạy lợn. Ngay khi có kết quả xét nghiệm phát hiện vi rút Dịch tả lợn Châu Phi tại hộ (trại) chăn nuôi trong tỉnh.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y báo cáo ngay Chi cục Thú y Vùng VI, Cục Thú y để kịp thời xin ý kiến chỉ đạo các biện pháp xử lý và phòng, chống dịch bệnh đồng thời báo cáo ngay Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình UBND tỉnh ban hành Công văn hỏa tốc của Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các lực lượng chức năng triển khai các biện pháp phòng chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi; chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra giám sát, ngăn chặn việc vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn ra khỏi vùng dịch và vùng khống chế; Tăng cường kiểm tra giám sát các hoạt động kiểm dịch, kiểm soát giết mổ lợn; mua bán, vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn; xử lý các trường hợp kinh doanh lợn và sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc, không có giấy kiểm dịch; tổ chức vệ sinh, tiêu độc khử trùng hàng ngày đối với các phương tiện, dụng cụ chứa đựng, chăn nuôi, giết mổ lợn và tại các điểm trung chuyển tập kết lợn; thành lập ngay Ban Chỉ đạo (BCĐ) phòng chống dịch bệnh gia súc; tổ chức cuộc họp khẩn cấp triển khai các biện pháp phòng chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất sự phát sinh dịch bệnh, gây thiệt hại kinh tế và góp phần phát triển chăn nuôi bền vững.

Chủ tịch UBND huyện, xã có bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện hoặc nằm trong vùng bị dịch uy hiếp quyết định thành lập BCĐ huyện, xã theo Quyết định số 16/2016/QĐ-TTg ngày 29/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo, điều hành các hoạt động tại địa phương. BCĐ đưa ra các nhiệm vụ trọng tâm, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng ban ngành và thành viên BCĐ trong công tác phòng, chống dịch nhằm: khoanh vùng, bao vây không để dịch bệnh lây lan. Các thành viên BCĐ trực tiếp đến ngay các địa phương có dịch bệnh, có nguy cơ bị dịch bệnh uy hiếp để kiểm tra, đôn đốc và tổ chức các biện pháp chống dịch.

Với các nhiệm vụ trọng tâm được đưa ra gồm: Thành lập Đội tiêu hủy lợn, vệ sinh tiêu độc khử trùng tại các xã có dịch; Thành lập Chốt kiểm dịch tạm thời; Thành lập Đội điều tra ổ dịch; Thành lập Đội thông tin tuyên truyền.

Tình huống 2 khi dịch được phát hiện trên phạm vi rộng (Dịch lây lan từ 4 hộ, 2 xã trong 1 huyện trở lên, hoặc từ 2 huyện trở lên), lập tức Chi cục Chăn nuôi và Thú y báo cáo ngay Cục Thú y để kịp thời xin ý kiến chỉ đạo các biện pháp xử lý và phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan liên quan ở địa phương thực hiện ngay việc tiêu hủy toàn bộ đàn lợn, sản phẩm của lợn có mẫu dương tính với vi rút Dịch tả lợn Châu Phi; Tổ chức họp khẩn với BCĐ phòng, chống dịch bệnh động vật cấp huyện để kịp thời nắm bắt thông tin và chỉ đạo điều hành công tác phòng, chống dịch; Đội phản ứng nhanh xuống ngay hiện trường phối hợp cùng Trạm Chăn nuôi Thú y huyện và chính quyền địa phương cùng các cơ quan liên quan của địa phương hướng dẫn triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch, chống dịch; vệ sinh, khử trùng tiêu độc; tiến hành điều tra ổ dịch để xác định nguồn gốc, nguyên nhân xảy ra ổ dịch; lấy mẫu giám sát để xác định mức độ lan truyền vi rút trong địa bàn.

          Xác định ổ dịch (là trại, các trại chăn nuôi lợn hoặc hộ gia đình chăn nuôi lợn trong 1 đơn vị cấp xã nơi phát hiện vi rút Dịch tả lợn Châu Phi), vùng dịch (là xã, phường, thị trấn nơi có ổ dịch), vùng bị dịch uy hiếp (trong phạm vi 3 km xung quanh ổ dịch) và vùng đệm (trong phạm vi 10 km xung quanh ổ dịch) để thực hiện ngay việc tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc, đồng thời theo dõi lâm sàng và lấy mẫu xét nghiệm bất kỳ con lợn nào có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh để xác định vi rút Dịch tả lợn Châu Phi; Tăng cường kiểm tra giám sát các hoạt động kiểm dịch, kiểm soát giết mổ lợn; mua bán, vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn; xử lý các trường hợp kinh doanh lợn và sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc, không có giấy kiểm dịch; tổ chức vệ sinh, tiêu độc khử trùng hàng ngày đối với các phương tiện, dụng cụ chứa đựng, chăn nuôi, giết mổ lợn và tại các điểm trung chuyển tập kết lợn...

Chủ tịch UBND cấp huyện, xã có bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện hoặc nằm trong vùng bị dịch uy hiếp quyết định thành lập BCĐ theo Quyết định số 16/2016/QĐ-TTg ngày 29/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo, điều hành các hoạt động tại địa phương. Các nhiệm vụ trọng tâm được đưa ra gồm: Thành lập Đội tiêu hủy lợn, vệ sinh tiêu độc khử trùng; Thành lập Chốt kiểm dịch tạm thời; Thành lập Đội điều tra ổ dịch; Thành lập Đội thông tin tuyên truyền

Kịch bản quy định việc công bố dịch và công bố hết dịch

Chủ tịch UBND cấp huyện công bố dịch khi: Ổ dịch Dịch tả lợn Châu Phi có chiều hướng lây lan nhanh, trên diện rộng từ 2 xã có dịch trở lên. Trạm Chăn nuôi và Thú y căn cứ kết quả xét nghiệm dương tính với mầm bệnh, tham mưu Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp huyện đề xuất Chủ tịch UBND huyện quyết định việc công bố dịch.

Chủ tịch UBND tỉnh công bố dịch khi: Ổ dịch Dịch tả lợn Châu Phi có chiều hướng lây lan nhanh, trên diện rộng từ 2 huyện có dịch trở lên; Chi cục Chăn nuôi và Thú y căn cứ kết quả xét nghiệm dương tính với mầm bệnh, tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh quyết định việc công bố dịch.

Công bố hết dịch được thực hiện khi đảm bảo các điều kiện sau: Sau 30 ngày kể từ khi tiêu hủy con bệnh cuối cùng mà không có con vật nào mắc bệnh, đồng thời đã thực hiện các biện pháp xử lý ổ dịch bảo đảm không còn mầm bệnh để phát sinh ổ dịch mới hoặc lây lan sang nơi khác. Đã phòng bệnh bằng vắc-xin hoặc áp dụng các biện pháp phòng bệnh bắt buộc khác cho động vật mẫn cảm với bệnh dịch động vật trong vùng có dịch, vùng bị dịch uy hiếp. Đã thực hiện các biện pháp vệ sinh, khử trùng, tiêu độc bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y đối với vùng có dịch, vùng bị dịch uy hiếp. Có văn bản đề nghị công bố hết dịch bệnh động vật của cơ quan Thú y và được cơ quan Thú y cấp trên thẩm định, công nhận. Người có thẩm quyền công bố dịch bệnh động vật có thẩm quyền công bố hết dịch bệnh động vật khi có đủ điều kiện theo quy định.

Kịch bản còn quy định cụ thể Kỹ thuật tiêu huỷ, vệ sinh, khử trùng tiêu độc xử lý ổ dịch và Quy trình điều tra ổ dịch.

TTCBTH

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây