Kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước: Cuộc hội ngộ nghĩa tình của những người làm công tác Tuyên giáo

Thứ hai - 27/04/2015 11:00 72 0
Phải mất khá nhiều năm, những người làm công tác tuyên huấn, tuyên giáo qua các thời kỳ mới có dịp hội ngộ, hàn huyên tâm sự…

hoi ngo_1.jpg

Văn nghệ chào mừng.

Nói như ông Lê Minh Thành – nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, trước khi ông nghỉ hưu, danh sách những người được nhận kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Tư tưởng – Văn hoá hơn 400 người, cho đến buổi họp mặt ngày 25.4 tại Bộ CHQS tỉnh, đến dự chỉ hơn 150 người. Buổi họp mặt dù vui nhưng vẫn có chút gì đó, ngậm ngùi, tiếc nhớ khi người còn kẻ mất, sau 40 năm thống nhất đất nước.

Bài phát biểu khai mạc buổi họp mặt của bà Nguyễn Thị Xuân Hương – Phó ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ cốt chỉ là khái quát lại truyền thống của ngành Tuyên giáo Tây Ninh từ tháng 9.1945 cho đến hôm nay nên khá ngắn gọn.

Vì thời gian chủ yếu là để cho những người từng gắn bó với ngành trong những năm kháng chiến chống Pháp như ông Võ Trí Dũng (Bảy Dũng – nguyên Trưởng ty Thông tin Văn hoá), Nguyễn Văn Choàng (Năm Choàng – nguyên Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh), Trần Thanh Hải (Chín Hải – nguyên Giám đốc Sở Văn hoá – Thông tin), Đặng Hoàng Hoạnh (Tư Hoạnh – nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hoá – Thông tin), Lê Minh Thành (Năm Thành – nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ)… hồi tưởng lại những kỷ niệm thời kháng chiến, những kinh nghiệm tự rèn để trở thành một cán bộ Tuyên giáo yêu nghề, gắn bó với nghề.

hoi ngo_2.jpg

Niềm vui ngày hội ngộ.

Có những mẩu chuyện rất nhỏ, rất đời thường của những người vừa làm công tác tuyên truyền – vừa là lính chiến… nhưng cho thấy những gian lao, thậm chí mất mát hy sinh mà họ đã trải qua trong cuộc kháng chiến trường kỳ.

Lịch sử có thể ghi lại cả một quá trình từ hình thành trong chiến tranh ác liệt cho đến ngày hoà bình của ngành Tuyên giáo, nhưng sẽ chẳng được mấy "người trẻ" biết, hay nghe được chuyện những "người lính" nhà in Hoàng Lê Kha mỗi lần chuyển cứ phải trần lưng vác hàng trăm ký chữ chì đạp rừng, lội suối;

Chuyện ông Phan Văn – nguyên Trưởng ban Tuyên huấn thời kỳ chống Mỹ, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh trầm ngâm đọc từng lời, từng chữ cho điện báo viên nhấn cần ma-níp gởi những tín hiệu tịch tịch te te lá thư gởi đồng bào Hà Tây – tỉnh kết nghĩa với Tây Ninh trong những năm kháng chiến; chuyện các điện báo viên giải phóng giành sóng với đài phát sóng sân bay Biên Hoà của chế độ Sài Gòn;

Chuyện ông Nguyễn Đức Tâm – nguyên Tổng biên tập Báo Tây Ninh thoát chết trước mũi súng Mỹ trong những ngày bị vây ở rừng Bời Lời… Hay câu chuyện cán bộ Tuyên huấn "đấu tranh" bằng tiếng Pháp với lính Lon Non ở Campuchia để bảo vệ đền thờ Bác Hồ…

hoi ngo_3.jpg

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thu Thuỷ (phải) trò chuyện với các nữ cán bộ hưu trí từng công tác trong ngành Tuyên giáo.

Đã mấy chục năm, có khi đã là nửa thế kỷ trôi qua, dù là hồi ức nhưng cứ như hiển hiện mới hôm qua. Trong buổi họp mặt ấy, có những gương mặt mà độ chừng chẳng còn được bao lâu nữa, rồi cũng sẽ "về trong cõi nhớ" như ông Chín Đông – nguyên Phó ban Tuyên huấn, soạn giả Thanh Hiền, nghệ sĩ Chí Trung, Nguyễn Thế Nghiệm, Cửu Long Thi…

Phải là những bô lão vượt quá tuổi "cổ lai hi" ở đất Ninh Điền (huyện Châu Thành) mới có thể nhớ mài mại chuyện Đoàn Văn công Tây Ninh biểu diễn trên sân khấu soi bằng đèn măng-xông trước hơn 5.000 người tham gia một cuộc mít tinh vào năm 1961. Khi đoàn chuẩn bị mở màn, pháo địch bắn cấp tập, người dân ào xuống một con suối gần đó để tránh pháo.

Vừa ngớt tiếng pháo, ông Cửu Long Thi bước ra, mặt quay về hướng con suối, nói lối: "Đất Phú Lợi long lanh dòng máu đỏ/ Trời miền Nam ủ rũ đoá mai vàng…". Giọng ông Cửu Long Thi vang lên lồng lộng giữa rừng, người dân ào lên, bất chấp mọi hiểm nguy.

hoi ngo_4_4.jpg

Ông Võ Trí Dũng (Bảy Dũng) – nguyên Trưởng ty Thông tin Văn hoá phát biểu tại buổi họp mặt.

Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, ngành Tuyên giáo Tây Ninh đã có 69 cán bộ, trong đó có trưởng ban, phó ban, uỷ viên ban, uỷ viên tiểu ban… hy sinh, bị thương hoặc bị địch bắt, tù đày trong khi thi hành nhiệm vụ.

"Các thế hệ cán bộ tuyên huấn, tuyên giáo tỉnh nhà có quyền tự hào về chặng đường đã qua, có quyền tự hào về những đóng góp xứng đáng của mình cho sự nghiệp giải phóng quê hương, cho sự nghiệp bảo vệ ngọn cờ tư tưởng của Đảng", "… bất luận trong hoàn cảnh, khó khăn gian khổ đến đâu, công tác tuyên giáo, đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo tỉnh nhà vẫn luôn một lòng trung kiên, bất khuất, tận trung với Đảng, tận hiếu với Dân, không sợ gian khổ hy sinh, quyết tâm hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao" – lãnh đạo ngành Tuyên giáo nhấn mạnh.

Ngày 30.4.1975 - miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất, vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có cả lý do rất giản đơn như "hết giặc rồi, ta về lại quê hương, với ruộng đồng"… không ít cán bộ ngành Tuyên huấn vẫn chưa được giải quyết chế độ.

Ông Trần Thanh Hải trăn trở: Họ không cần Nhà nước phải ghi danh công trạng gì nhiều lắm đó, chỉ cần xác nhận họ đã từng tham gia kháng chiến, để con cháu đời sau có quyền tự hào. Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Võ Hoàng Khải khẳng định chắc nịch, đích thân ông sẽ mang những hồ sơ có đầy đủ chữ ký xác nhận một cách rõ ràng đến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội làm thủ tục.

hoi ngo_5.jpg

Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Võ Hoàng Khải phát biểu tại buổi họp mặt.

Nguyện vọng cuối cùng của những người từng làm công tác tuyên huấn, tuyên giáo qua các thời kỳ gởi gắm cho lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ là xúc tiến việc thành lập Ban liên lạc để mỗi năm có thể gặp nhau một lần, để chung tay góp sức lo cho những đồng đội vẫn còn khó khăn.

Trước khi kết thúc buổi họp mặt, ông Lê Minh Thành gởi lại cho thế hệ trẻ ngành Tuyên giáo hôm nay 4 tiêu chí được rút ra trong suốt quãng đời làm cách mạng của mình: người làm công tác Tuyên giáo phải thực sự yêu nghề; phải tự rèn luyện khả năng nói được, viết được; phải nghiên cứu, nắm chắc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước và phải trung thành với lý tưởng cách mạng.

Theo BTNO

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây