Cùng tham gia với Đoàn có đồng chí Võ Đức Trong, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đại tá Lý Hồng Sinh, Phó Giám đốc Công an tỉnh, đồng chí Châu Thanh Long, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh và Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh.
Theo báo cáo của UBND huyện Dương Minh Châu, hiện nay, trên địa bàn huyện có 49.500 con lợn, trong đó, có 49 trang trại với trên 47.000 con, còn lại hơn 2.000 con do các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Lãnh đạo phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết, ngay sau khi nhận được Thông báo kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh về việc triển khai cấp bách khống chế bệnh Dịch tả lợn Châu Phi sau Hội nghị trực tuyến trung ương, huyện đã triển khai đến các xã, thị trấn, các chủ trang trại thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch, gắn trách nhiệm của thủ trưởng các ban, ngành có liên quan và chủ tịch UBND các xã, thị trấn trong thực hiện công tác này; cho các chủ trang trại ký cam kết phòng chống bệnh, phải khai báo khi có bệnh dịch xảy ra, tuyệt đối không được giấu bệnh; chuẩn bị sẵn phương án thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống bệnh nếu bệnh dịch xảy ra, xây dựng 2 tổ công tác tiến hành kiểm tra phòng chống Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn 11 xã, thị trấn; chuẩn bị sẵn các điểm chôn lắp heo bị bệnh nếu có bệnh dịch xảy ra; chuẩn bị thành lập 2 chốt kiểm dịch động vật tạm thời tại Cầu Tàu và cầu K33.
Các chủ trang trại đã tự trích kinh phí thực hiện rắc vôi bột tiêu độc sát trùng chuồng trại. Huyện còn thực hiện công tác giám sát các cơ sở giết mổ trên địa bàn, tập trung vào 5 cơ sở giết mổ heo, quản lý nguồn gốc giống heo nuôi.
Đồng chí Võ Đức Trong, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh huyện cần thực hiện tốt việc xây dựng kịch bản phòng, chống dịch để nếu như có xảy ra bệnh thì áp dụng ngay, nhất là về con người, vật tư trang thiết bị, tuân thủ quy trình chuyên môn. Khi lập chốt kiểm dịch cần lưu ý có đầy đủ thành phần là trạm thú y, công an và quản lý thị trường. Huyện cũng cần quan tâm chỉ đạo sát sao công tác tuyên truyền cho các hộ biết cách phòng tránh, tiêu độc sát trùng chuồng trại, song song đó, phải thực hiện công tác giám sát chặt chẽ; giám sát quản lý kỹ đầu vào, đầu ra của các cơ sở giết mổ; phối hợp kiểm soát mặt hàng thịt heo đông lạnh đảm bảo phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Riêng giá hỗ trợ tiêu hủy heo nếu phát hiệu bệnh hiện nay là hợp lý, huyện cần tập trung tuyên truyền cho hộ chăn nuôi hiểu, nghiêm chỉnh chấp hành.
Lãnh đạo Công an tỉnh đề nghị huyện quan tâm hơn đến các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Lãnh đạo Cục Quản lý thị trường tỉnh lưu ý huyện cần quản lý chặt mạng lưới thương lái thu mua heo để tránh tình trạng mua heo có dấu hiệu bệnh tuôn ra thị trường làm lây lan bệnh dịch.
Đồng chí Trần Văn Chiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Trần Văn Chiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị huyện phải làm tốt công tác quán triệt, triển khai tuyên truyền tạo sự thống nhất cao và phối hợp thực hiện phòng chống của cả hệ thống chính trị đến cơ sở trong thực hiện công tác phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi theo đúng tinh thần thông báo kết luận của đồng chí Phạm Văn Tân, Chủ tịch UBND tỉnh, đồng thời phát huy vai trò giám sát, phát hiện bệnh của người dân và các đoàn thể chính trị-xã hội; tích cực cấp phát thuốc triển khai phòng chống bệnh tại trang trại, có kịch bản ứng phó với sự phân công đầu mối, trách nhiệm rõ ràng, cụ thể. Theo dõi sát tình hình trong thời gian này. Tỉnh sẽ chỉ đạo Sở Công Thương quản lý tốt nguồn gốc thịt đông lạnh.
Đoàn kiểm tra thực tế tại một hộ chăn nuôi ở thị trấn Dương Minh Châu
Ngay sau đó, Đoàn có buổi kiểm tra thực tế công tác phòng bệnh tại một hộ dân trên địa bàn thị trấn. Chủ hộ này nắm đầy đủ tình hình bệnh dịch và đã chủ động mua thuốc về phun xịt tiêu độc sát trùng để phòng chống bệnh dịch. Trong buổi kiểm tra thực tế, đồng chí Trần Văn Chiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND huyện Dương Minh Châu nhanh chóng thiết lập 2 chốt kiểm dịch tại Cầu Tàu và cầu K33 theo chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, khẩn trương phòng, chống bệnh dịch nguy hiểm này.
Theo báo cáo của UBND huyện Tân Châu, trên địa bàn huyện có tổng đàn lợn là 8700 con, trong đó 5200 con được nuôi tại 4 trang trại, còn lại là chăn nuôi nhỏ lẻ. Huyện cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện các biện pháp khẩn cấp phòng bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, đã nhận nguồn thuốc sát trùng, đang kiểm tra và cấp phát cho các cơ sở chăn nuôi trang trại và hộ nhỏ lẻ, đã ra quyết định thành lập chốt kiểm dịch trên tuyến đường 794, xã Tân Hòa (cầu Sài Gòn).
Đồng chí Võ Đức Trong, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn góp ý với UBND huyện Tân Châu cần quy định rõ nhiệm vụ của xã, thị trấn, đặc biệt là các xã biên giới, trong kế hoạch ứng phó với bệnh dịch để dễ dàng áp dụng khi có dịch xảy ra, nên sử dụng đội lưu động ngoài chốt kiểm dịch cố định để ứng phó với tình huống dự kiến có thể xảy ra, phải nắm chắc số lượng hộ chăn nuôi để tập huấn, cấp phát thuốc và kiểm tra tiêu độc khử trùng, tuyên truyền nguy cơ cho người dân biết, nắm rõ các nguy cơ gây bệnh, tăng cường giám sát. Tuy số lượng tổng đàn trên địa bàn huyện không nhiều nhưng không được chủ quan trong công tác phòng, chống bệnh.
Đồng chí Trần Văn Chiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm việc với UBND huyện Tân Châu
Kết luận buổi kiểm tra ở huyện Tân Châu, đồng chí Trần Văn Chiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng UBND huyện đã ban hành đầy đủ các văn bản chỉ đạo phòng chống bệnh, đề nghị triển khai thực hiện ngay với sự phối hợp đồng bộ của cả hệ thống chính trị, nhất là cấp xã, các đoàn thể; lập chốt kiểm soát bệnh dịch và đi vào hoạt động; thực hiện tốt công tác tuyên truyền, cấp phát thuốc tiêu độc khử trùng; có sự phối hợp tốt giữa các lực lượng công an-quản lý thị trường-biên phòng trong phòng, chống bệnh; tuyệt đối không được chủ quan trong công tác phòng chống bệnh mà phải chủ động kiểm tra nguồn heo từ Campuchia sang để ngăn ngừa mầm bệnh. Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh quá trình thực hiện công tác phòng, chống bệnh phải có sự phân công trách nhiệm rõ ràng, có sự giám sát của cộng đồng dân cư và mọi động thái đều phải ở thế chủ động.
XV