Nông nghiệp Tây Ninh đã chuyển dịch đúng định hướng, đạt được nhiều kết quả khả quan

Thứ sáu - 19/05/2023 12:00 897 0
Sáng ngày 18/5, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức hội nghị Sơ kết 5 năm thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp tỉnh Tây Ninh và triển khai thực hiện các nội dung trọng tâm của ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn năm 2023.

Tham dự hội nghị, có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến, Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Đình Xuân, cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan và lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.

 

Quang cảnh hội nghị sơ kết

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để triển khai thực hiện tốt các nội dung trong Đề án, các cấp, ngành đã ban hành và triển khai thực hiện 67 nội dung có liên quan đến cơ chế, chính sách, chương trình, kế hoạch, dự án để thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp của tỉnh theo 7 nhóm nhiệm vụ như chính sách đất đai; Chính sách khuyến khích đầu tư, huy động nguồn lực; Phát triển sản xuất; Phát triển cơ giới hóa nông nghiệp, công nghiệp chế biến nông sản, kinh tế nông thôn và phát triển thị trường; Phát triển khoa học công nghệ; Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, đào tạo nguồn nhân lực; Thủy lợi và phòng chống thiên tai.

Đồng thời, qua 5 năm thực hiện Đề án cơ cấu lại nông nghiệp tỉnh Tây Ninh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã đi vào cuộc sống, quan điểm, mục tiêu và định hướng đã được quán triệt thống nhất từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở.

Giai đoạn 2017-2022, tốc độ tăng giá trị sản phẩm GRDP nông, lâm thủy sản đạt bình quân 1,5%/năm; so với năm 2017, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất ngày càng nhiều, tỷ trọng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong tổng giá trị sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đạt 37% (tăng 16,5%); diện tích tưới tiên tiến, tiết kiệm nước đạt 30% (tăng 17,5%); tỷ lệ lao động nông thôn đã qua đào tạo đạt 20,8% (tăng 18,2%); tỷ trọng giá trị sản phẩm nông, lâm, thủy sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác, liên kết đạt 13,3% (tăng 2,95%); diện tích rừng được bảo vệ, duy trì ổn định, tỷ lệ che phủ rừng đạt 16,3% (tăng 0,1%), giá trị sản phẩm thu được trên 01 ha đất trồng trọt đạt 106 triệu đồng/ha (tăng 12,1 triệu đồng); tuy nhiên, tỷ trọng giá trị sản phẩm nông, lâm, thủy sản được sản xuất theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (GAP) vẫn còn thấp chỉ đạt 3,8% (giảm 2,5%).

Cơ cấu lại nông nghiệp trên tất cả các lĩnh vực từ trồng trọt, chăn nuôi đến lâm nghiệp và thủy sản đều được tập trung thực hiện và chuyển dịch theo định hướng của tỉnh. Trồng trọt đã chuyển đổi trên 40.800 ha sản xuất kém hiệu quả (cao su, mía) sang trồng cây có hiệu quả kinh tế cao hơn (cây ăn quả, rau củ thực phẩm), chăn nuôi phát triển mạnh, nhất là chăn nuôi công nghiệp, trang trại gắn với an toàn sinh học với trên 110 dự án đầu tư đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương với tổng vốn đầu tư 9.600 tỷ đồng.

Công tác quản lý bảo vệ, phát triển rừng thực hiện tốt, rừng không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng, kéo giảm gần 50% số vụ cháy rừng, 67% số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, tỷ lệ che phủ rừng tăng từ 16,1% lên 16,3%, bao lấn chiếm sử dụng trái phép đất lâm nghiệp đã được hạn chế, đời sống của các hộ nhận khoán trồng, chăm sóc bảo vệ rừng ngày càng được cải thiện.

Công tác phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi được thực hiện tốt, thường xuyên theo dõi, dự báo tình hình dịch bệnh và kịp thời hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng chống hiệu quả.

Hạ tầng thủy lợi, nước sạch nông thôn thường xuyên được duy tu, sửa chữa đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất, cấp nước công nghiệp và nước sinh hoạt cho người dân và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thương hiệu, hình ảnh nông sản của tỉnh ngày càng được nâng lên thông qua chương trình OCOP và các hoạt động xúc tiến thương mại, đưa sản phẩm lên các trang thương mại điện tử góp phần mở rộng thị trường trong và ngoài nước.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến đánh giá cao những nổ lực và kết quả mà ngành và toàn thể nông dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đạt được trong 5 năm qua, mặc dù ngành nông nghiệp của tỉnh gặp nhiều khó khăn, thách thức từ thiên tai, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, …

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở NN&PTNT và các địa phương cần tập trung rà soát lại các chỉ tiêu sản xuất phù hợp với thực tế và tập trung triển khai có hiệu quả Kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 nhằm góp phần định hướng cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo yêu cầu của thị trường, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn sản xuất.

Phối hợp với các ngành, địa phương thực hiện có hiệu quả các đề án, chương trình mới được ban hành, trong đó chú trọng phát triển kinh tế nông nghiệp, gia tăng thu nhập cho người dân nông thôn. Triển khai hiệu quả các chính sách, thường xuyên báo cáo kết quả, những khó khăn, vướng mắc để các chính sách sớm tiếp cận với người dân và đi vào thực tiễn cuộc sống, làm tốt công tác tuyên truyền, công tác khuyến nông.

Đẩy mạnh phát triển kinh tế hợp tác, hình thành các chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh.

Tăng cường xúc tiến thương mại, đa dạng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, giải quyết đầu ra cho nông sản của tỉnh, nâng cao giá trị sản phẩm nhất là các sản phẩm thế mạnh, sản phẩm OCOP.

TT

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây