Người dân đi mua sắm tại Phiên chợ “Hàng Việt về nông thôn” ở huyện Dương Minh Châu |
UBND tỉnh đã phối hợp với Ban chỉ đạo tỉnh ban hành kế hoạch bình ổn thị trường; ban hành chủ trương, giải pháp để ngăn chặn hàng ngoại nhập lậu, hàng bán phá giá, hàng kém chất lượng xâm nhập thị trường. Các cơ quan chức năng có kế hoạch vận động các doanh nghiệp tham gia đưa hàng về nông thôn, hỗ trợ các doanh nghiệp trong tỉnh cải tiến kỹ thuật, kỹ năng kinh doanh và vận động nhân dân mua sắm hàng nội địa; triển khai xây dựng thương hiệu cho 4 sản phẩm đặc sản của tỉnh (mãng cầu Bà Đen, bánh canh Trảng Bàng, bánh tráng phơi sương Trảng Bàng, muối ớt Tây Ninh); tổ chức bán hàng Việt có khuyến mãi cho công nhân với khẩu hiệu “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại các khu, cụm công nghiệp; các đơn vị kinh tế, doanh nghiệp tổ chức 3 phiên chợ “Hàng Việt về nông thôn”; Tỉnh đoàn triển khai chương trình “Thanh niên Việt Nam đồng hành cùng hàng Việt Nam” với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ cũng thẳng thắn nhìn nhận một số hạn chế, trong thực hiện CVĐ như: Nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của CVĐ tuy có nâng lên nhưng chuyển biến bằng hành động chưa nhiều; việc mua sắm công, chọn vật liệu để phục vụ sản xuất, các công trình xây dựng cơ bản… còn chưa ưu tiên chọn hàng Việt. Tình trạng hàng gian, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng mang thương hiệu Việt vẫn còn, làm ảnh hưởng đến uy tín của nhà sản xuất trong nước, gây băn khoăn, lo lắng cho người tiêu dùng; công tác tuyên truyền quảng bá thương hiệu Việt của các doanh nghiệp còn hạn chế...
Theo UB MTTQ huyện Trảng Bàng, Nhà nước phải có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các nhà sản xuất, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn để đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm, khai thác lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp, khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, đầu tư, phát triển hạ tầng thương mại, mở rộng mạng lưới bán lẻ, nhất là các vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa; có biện pháp quản lý việc nhập lậu hàng hoá từ bên ngoài vào, xử lý nghiêm các trường hợp làm hàng giả, hàng kém chất lượng… Công ty TNHH XNK-TM-CN-VT Hùng Duy, một trong những doanh nghiệp thực hiện tốt CVĐ cho biết, với nhận thức đúng đắn về CVĐ và bằng trách nhiệm cao trước cộng đồng doanh nghiệp cũng như trước người tiêu dùng, Công ty Hùng Duy đã sử dụng hơn 40 xe tải và 2 xe chuyên dùng bán hàng lưu động với khẩu hiệu “Người Việt dùng hàng Việt”. Hằng ngày, Công ty vận chuyển nhiều tấn hàng hoá phân phối đến tận các xã, huyện vùng sâu, vùng xa, biên giới. Ngoài ra, công ty còn bán hàng bình ổn giá cho người thu nhập thấp, gia đình khó khăn, diện chính sách…
Ông Nguyễn Thanh Ngọc – Bí thư Huyện uỷ Trảng Bàng cho biết, để thực hiện tốt hơn CVĐ trong thời gian tới, cần đẩy mạnh sự gắn kết giữa nhà quản lý, nhà sản xuất và người tiêu dùng. Cụ thể, các cơ quan quản lý cần kiểm soát chặt chẽ hàng hoá trôi nổi, chống buôn lậu, gian lận thương mại. Nhà sản xuất cần nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh hợp lý, năng động, sáng tạo, trách nhiệm đối với sản xuất hàng hoá.
Phát biểu kết luận hội nghị sơ kết 3 năm về tổ chức thực hiện CVĐ (diễn ra ngày 29.10), ông Nguyễn Minh Tân - Trưởng ban Dân vận Tỉnh uỷ chỉ đạo các cấp uỷ Đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội, các sở, ngành, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục tổ chức nhiều phong trào đẩy mạnh thực hiện CVĐ nhằm tạo sự lan toả trong đời sống nhân dân, thu hút sự hưởng ứng, tham gia rộng rãi, tích cực của các tầng lớp nhân dân, của các doanh nghiệp; tiếp tục nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa quan trọng của CVĐ, nâng cao ý thức trách nhiệm, tính tự giác tham gia, xem việc ưu tiên dùng hàng Việt Nam là thể hiện tinh thần yêu nước, nét đẹp trong văn hoá tiêu dùng của người Việt Nam...
Theo BTNO