Phiên họp thường kỳ tháng 7.2016: Tập trung kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn

Thứ sáu - 22/07/2016 08:00 125 0
Sáng 21.7, UBND tỉnh tiến hành phiên họp thường kỳ tháng 7.2016. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân cùng các Phó Chủ tịch đồng chủ trì phiên họp.

Phiên họp thường kỳ tháng 7 tập trung thảo luận và cho ý kiến 3 nội dung: Quyết định các tiêu chí ưu tiên lựa chọn đối tượng được mua, thuê, thuê nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh; Quyết định Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị TP.Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh; Tờ trình về ban hành danh mục dự án kêu gọi đầu tư vào nông nghiệp nông thôn giai đoạn 2016 - 2020.

Quang cảnh phiên họp.

Tại phiên họp, ông Bùi Công Sơn- Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Tây Ninh triển khai danh mục các dự án kêu gọi đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2016-2020, bao gồm các Dự án: Chế biến các sản phẩm sau đường; chế biến các sản phẩm từ nông nghiệp công nghệ cao; chế biến sản phẩm mì ăn liền, bánh kẹo từ tinh bột biến tính (không chế biến các sản phẩm từ củ mì tươi); chế biến các sản phẩm sau cao su như găng tay y tế, nệm; chăn nuôi bò sữa, bò thịt tập trung; nuôi trồng và chế biến thủy sản; chăn nuôi gà lấy trứng, lấy thịt; sản xuất lúa giống cấp nguyên chủng và trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap.

Dự án chế biến các sản phẩm sau đường là sản xuất, chế biến thực phẩm (bánh kẹo, rượu); chế biến thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản, mật rỉ, chế biến cồn từ mật rỉ, chế biến gỗ từ bã mía, chế biến phân bón từ bã bùn. Dự án này ưu tiên thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp được quy hoạch trên địa bàn tỉnh như Tân Hội 1, Thanh Xuân 1.

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 3 nhà máy chế biến đường có tổng công suất 14.800 tấn mía cây/ngày. Các phụ phẩm sau đường như mật rỉ, bã mía, bã bùn rất dồi dào, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu để sản xuất các sản phẩm sau đường. Theo quy hoạch đến năm 2020 sản lượng mía đạt 1,6 triệu tấn- 2 triệu tấn/năm.

Dự án chế biến các sản phẩm từ nông nghiệp công nghệ cao, là sơ chế, chế biến và tiêu thụ rau an toàn; chế biến các sản phẩm từ mãng cầu: bánh kẹo, mứt mãng cầu, nước ép từ trái mãng cầu, chế biến và bảo quản các sản phẩm từ cây dược liệu. Tùy từng loại sản phẩm mà nhà đầu tư quyết định quy mô phù hợp nhưng phải đảm bảo diện tích vùng nhiên liệu trồng cây dược liệu từ 30 ha trở lên; diện tích trồng rau củ, quả từ 100 ha trở lên, rau ăn lá từ 20 ha trở lên và phải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap.

Đối với mục tiêu chế biến các sản phẩm từ mãng cầu thì tùy từng loại sản phẩm mà nhà đầu tư quyết định quy mô phù hợp. Tuy nhiên, các nhà đầu tư phải có trang thiết bị, công nghệ tiên tiến, hiện đại đáp ứng tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiện trên địa bàn tỉnh Tây Ninh có vùng sản xuất mãng cầu thương hiệu núi Bà Đen với diện tích 4.115 ha, sản lượng khoảng 74.000 tấn/năm, cung cấp sản phẩm quanh năm cho thị trường. Mãng cầu núi Bà Đen có mặt trên tất cả các thị trường trong nước và còn được xuất khẩu sang các nước như: Pháp, Malaysia...

Theo quy hoạch đã phê duyệt, diện tích sản xuất rau an toàn tập trung đến năm 2020 là 3.883 ha, phân bố khắp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Những địa điểm này đã được phân tích mẫu đất, nước về các chỉ tiêu kim loại nặng theo quy định, kết quả đạt yêu cầu. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh cũng có nhiều vùng trồng rau chuyên canh lâu năm như: vùng trồng rau ăn lá, rau cải các loại, vùng trồng rau gia vị, rau ăn quả... Đây là những điều kiện hết sức thuận lợi để các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào ngành sản xuất, sơ chế, chế biến rau trên địa bàn tỉnh.

Đối với dự án chăn nuôi bò thịt, bò sữa tập trung, các cơ quan chức năng sẽ tập trung phát triển chăn nuôi bò có năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cao, hình thành các vùng trang trại tập trung với quy mô hợp lý, từng bước xây dựng mô hình chăn nuôi liên kết theo chuỗi giá trị gia tăng. Quy mô dự án này từ 500 con bò thịt, bò sữa trở lên. Tây Ninh có điều kiện chăn nuôi bò thịt, bò sữa rất thuận lợi, đất đai, đồng cỏ chăn thả rộng, nguồn thức ăn xanh và phụ phẩm nông nghiệp dồi dào. Vì vậy, chăn nuôi bò được xem là một trong những thế mạnh của ngành chăn nuôi Tây Ninh.

Sản xuất rau an toàn ở xã Thái Bình, huyện Châu Thành.

Riêng dự án sản xuất lúa giống cấp nguyên chủng sẽ giúp nông dân trong quá trình sản xuất. Theo đó, sản xuất lúa giống cấp nguyên chủng phù hợp điều kiện sinh thái tỉnh Tây Ninh, cung ứng cho mạng lưới nhân giống lúa cấp xác nhận trong và ngoài tỉnh. Hiện nhu cầu lúa giống cấp xác nhận của tỉnh khoảng 12.000 - 14.000 tấn/năm, tương ứng diện tích lúa cấp xác nhận cần phải sản xuất là 2.400- 2.800 ha, với lượng giống cấp nguyên chủng cần 150 - 200 tấn.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Tây Ninh, các nhà đầu tư phải chấp hành đúng các quy định của pháp luật về đất đai, đầu tư và những quy định khác có liên quan. Đối với các dự án trồng trọt phải thưc hiện theo tiêu chí cánh đồng mẫu lớn; dự án chăn nuôi phải thực hiện theo tiêu chuẩn VietGap; Dự án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thực hiện theo Quyết định số 1895/QĐ-TTg ngày 17.12.2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020.

Tại phiên họp, ông Bùi Công Sơn cũng đã triển khai chính sách đặc thù, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, chính sách hỗ trợ trong lĩnh vực trồng trọt chăn nuôi, các nhà đầu tư có dự án trồng mía được ngân sách tỉnh hỗ trợ 30% chi phí nhưng không quá 2 tỷ đồng/dự án để đầu tư giống, hạ tầng và trang thiết bị phục vụ sản xuất; nhà đầu tư có dự án chăn nuôi bò thịt tập trung được ngân sách tỉnh hỗ trợ 50% chi phí nhưng không quá 3 tỷ đồng/dự án để xây dựng cơ sở hạ tầng về xử lý chất thải, giao thông, điện nước, chuồng trại, thức ăn xanh và trang thiết bị phục vụ sản xuất.

Trong lĩnh vực chế biến, nhà đầu tư có dự án chế biến các sản phẩm sau cao su, sản phẩm sau đường, phụ phẩm mía đường, sau bột mì, phụ phẩm sau bột mì được ngân sách tỉnh hỗ trợ 30% kinh phí nhưng không quá 2 tỷ đồng/dự án để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng về giao thông, điện nước, nhà xưởng và mua thiết bị.

Ông Nguyễn Thanh Ngọc- Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh cho rằng: đối với Nghị định 210/2013 /NĐ-CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn phải thực hiện đầy đủ những danh mục nếu có ở Tây Ninh, thì Trung ương sẽ hỗ trợ 60%, còn tỉnh hỗ trợ 40%. Đây là nguồn kinh phí rất lớn, đòi hỏi tỉnh phải chọn lọc để thực hiện dự án có hiệu quả cao. Đây cũng là bước làm thí điểm để mời gọi đầu tư, quá trình thực hiện nếu như nhu cầu ngày càng lớn, thì tỉnh sẽ xem xét, rà soát lại các danh mục đã được triển khai để tiếp tục khuyến khích đầu tư.

Hiện nay xu thế của quốc tế và nền nông nghiệp Việt Nam trong thời gian tới theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, đòi hỏi chúng ta phải ứng dụng sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Theo đó, tỉnh đã tập trung nghiên cứu chủ trương, định hướng phát triển theo hướng nông nghiệp sạch, hữu cơ và công nghệ cao.

Để bảo đảm cho định hướng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trong thời gian tới, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc đề nghị đơn vị thực hiện tập trung các dự án nông nghiệp đều gắn với quy trình Organic, nông nghiệp sạch, có như vậy nông dân trên địa bàn Tây Ninh mới giải quyết được bài toán đầu ra sản phẩm và thu nhập ổn định.

Theo Báo Tây Ninh Online

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây