Tạo chuyển biến rõ nét và thực chất trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp

Thứ năm - 25/01/2018 14:00 191 0
Năm 2018, tạo chuyển biến rõ nét và thực chất trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp.

Ảnh minh họa

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018.

Theo đó, mục tiêu cụ thể đối với ngành nông nghiệp trong năm 2018 đã được xác định tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương là: Tăng trưởng khu vực nông nghiệp đạt 3,0%, trong đó, nông nghiệp 2,25%, lâm nghiệp 6,0%, thủy sản 5%); kim ngạch xuất khẩu khoảng 40 tỷ USD; có ít nhất 52 đơn vị hành chính cấp huyện và 37% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Để thực hiện mục tiêu đó, giải pháp trọng tâm năm 2018 là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương chủ động, sáng tạo, tìm lợi thế để phát triển, khẩn trương xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai quyết liệt các nhiệm vụ và giải pháp của ngành đảm bảo mục tiêu tăng trưởng năm 2018.

Bên cạnh đó, tạo chuyển biến rõ nét và thực chất trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp. Tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, khuyến khích phát triển liên kết theo chuỗi giá trị, từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ; giảm chi phí trung gian để nâng cao thu nhập cho nông dân; tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp an toàn, nông nghiệp hữu cơ. Phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp, đẩy mạnh chế biến sâu, chế biến tinh, ứng dụng khoa học công nghệ, các quy trình sản xuất tiên tiến nhằm nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam. Tập trung chuyển đổi, cơ cấu lại cây trồng vật nuôi trên cơ sở khai thác tối đa lợi thế của từng vùng, chuyển đất lúa kém hiệu quả sang các cây trồng, vật nuôi khác hiệu quả hơn; đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng, kinh tế biển.  

Đồng thời, đẩy mạnh sản xuất - kinh doanh, nhân rộng những mô hình sáng tạo, hiệu quả như mô hình hội quán ở tỉnh Đồng Tháp, mô hình tích tụ tập trung ruộng đất, thu hút doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao đầu tư phát triển nông nghiệp đã thành công ở một số địa phương. Chủ động rà soát, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của Chính phủ và của Bộ; kiến nghị sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung một số quy định tại các Luật có liên quan để kịp thời tháo gỡ các điểm nghẽn tạo điều kiện cho phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực thủy sản, triển khai các giải pháp cụ thể phát triển nuôi trồng và khai thác thuỷ sản bền vững; quyết liệt ngăn chặn việc khai thác hải sản trái phép, không khai báo, không quản lý; khẩn trương đề nghị Cộng đồng châu Âu bỏ “thẻ vàng” đối với Việt Nam trong quý II năm 2018; thúc đẩy phát triển kinh tế lâm nghiệp, thực hiện nghiêm chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên, quản lý chặt chẽ việc chuyển đổi đất rừng sang các mục đích sử dụng khác.

Phát triển dịch vụ hậu cần phục vụ nông nghiệp nhằm giảm chi phí, thời gian vận chuyển, bảo quản, kiểm định, kiểm dịch và các loại phí liên quan đến sản xuất, tiêu thụ nông sản. Giao các Bộ: Công Thương, Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương rà soát, đề xuất giải pháp phù hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ

Giải pháp khác là tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, tận dụng cơ hội và thành quả của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và bảo vệ môi trường sinh thái; quản lý chặt chẽ chất lượng vật tư nông nghiệp, nhất là giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm hàng nông sản, kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật vệ sinh an toàn thực phẩm, sử dụng thuốc kháng sinh không đúng quy định, chất cấm.  

Xây dựng thương hiệu sản phẩm đối với các mặt hàng nông sản chủ lực; tổ chức lại thị trường trong nước, đặc biệt là hệ thống bán lẻ; phối hợp với ngành công thương duy trì và phát triển các thị trường xuất khẩu truyền thống, mở rộng thị trường mới. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại và khuyến khích tiêu dùng nội địa; phối hợp tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu, liên kết chuỗi giá trị nông sản.

Tập trung nâng cao năng lực nghiên cứu và dự báo thị trường; nghiên cứu kỹ thị trường trước khi đi vào sản xuất; theo dõi sát, thường xuyên cập nhật và cung cấp thông tin về thị trường, kịp thời điều chỉnh cơ cấu và quy mô sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, hạn chế cung vượt cầu.  

Tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, chủ động phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu. Khẩn trương tổng kết, đúc rút các bài học kinh nghiệm; phát huy tinh thần 4 tại chỗ trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai. Triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, tập trung rà soát, bố trí lại dân cư tại các khu vực có nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ kịp thời cho người dân bị tác động bởi thiên tai.  

Tạo chuyển biến thực chất trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tập trung nâng cao năng lực sản xuất và thu nhập cho người dân nông thôn một cách bền vững, gắn với quản lý, bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá truyền thống và bảo đảm an ninh nông thôn; đẩy mạnh cải cách hành chính, rà soát, đơn giản hoá và cắt giảm các thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; xây dựng và triển khai Kế hoạch hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách tín dụng trong nông nghiệp.

Theo Chinhphu.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây