Tạo điều kiện phát triển nghề nghiệp cho thanh niên

Thứ tư - 13/01/2016 10:00 91 0
Ngày 12/01/2016, UBND tỉnh Tây Ninh tổ chức Hội nghị Sơ kết giai đoạn 1 (2011-2015) thực hiện Chương trình phát triển thanh niên tỉnh Tây Ninh.

ngthanhngoc.jpg

Đồng chí Nguyễn Thanh Ngọc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình phát triển thanh niên tỉnh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Thanh Ngọc, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình phát triển thanh niên tỉnh; đồng chí Lâm Tấn Đông, Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh; đồng chí Nguyễn Hữu Ngân, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Thi đua – Khen thưởng tỉnh; đồng chí Lê Trọng Hữu, Phó Giám đốc Sở Nội vụ.

Giai đoạn 1 (2011-2015), UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tăng cường công tác tuyên truyền, phối hợp với tổ chức Đảng, Đoàn thể trong công tác giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, phẩm chất đạo đức chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tạo mọi điều kiện cho thanh niên phát triển toàn diện, phát huy vai trò, trách nhiệm và sự đóng góp của thanh niên trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Công tác giáo dục thanh niên về lòng yêu nước, lòng nhân ái, yêu thương con người, lý tưởng, đạo đức cách mạng, lối sống, tinh thần tự tôn dân tộc, ý thức chấp hành pháp luật, có trách nhiệm với xã hội, tôn trọng quy ước cộng đồng được thực hiện khá tốt, 05 chỉ tiêu cơ bản đều đạt và vượt kế hoạch. Tuy nhiên, đối với thanh niên khu vực nông thôn, thanh niên trong các xí nghiệp, khu, cụm công nghiệp có hạn chế nhất định trong việc tập hợp tuyên truyền pháp luật.

Thực hiện chương trình nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề và ý thức nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội cơ bản đạt yêu cầu, tỷ lệ thanh thiếu niên bỏ học ngày càng giảm, thanh niên học sinh đạt trình độ THPT và tương đương ngày càng tăng, tỷ lệ học sinh trúng tuyển vào các trường Đại học, Cao đẳng tăng hàng năm. Công tác phân luồng học sinh vào học nghề và trung cấp chuyên nghiệp chưa cao, công tác tư vấn hướng nghiệp ở bậc THCS chưa tốt; tỷ lệ lao động trẻ được đào tạo chưa cao, chưa đề ra giải pháp khả thi để nâng tỷ lệ đào tạo đáp ứng yêu cầu phát triển xã hội.

Trong giai đoạn 1, toàn tỉnh bình quân hàng năm giải quyết việc làm cho trên 20.000 lao động, đào tạo nghề cho 21.000 người. Trong đó thực hiện lồng ghép đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn hàng năm trên 6000 người, tỷ lệ có việc làm đạt 73,96%. Thực hiện 03 đề án đào tạo (Đề án tạo nguồn chức danh Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND cấp xã; Đề án đào tạo cán bộ, công chức, viên chức trình độ sau đại học tại các cơ sở nước ngoài và đề án hỗ trợ đào tạo đại học, sau đại học dành cho học sinh, sinh viên, học viên tỉnh Tây Ninh) và thực hiện chính sách đào tạo và thu hút nhân tài, thu hút người có học hàm, học vị; thực hiện chính sách dự nguồn công chức và tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng.

Tổ chức khoảng 55 lớp với 3.553 học viên đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng xã hội; tuyên truyền trang bị kiến thức về sức khỏe sinh sản cho đối tượng là thanh niên, vị thành niên, nam nữ trong độ tuổi kết hôn với các nội dung cơ bản; thanh niên thường xuyên rèn luyện thân thể và tập luyện thể dục thể thao đạt khoảng 63%, cảm hóa giáo dục được 274 thanh niên chậm tiến.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tham luận, thảo luận nhiều ý kiến về kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân trong thực hiện giai đoạn 1, đề ra chỉ tiêu nhiệm vụ thực hiện trong giai đoạn 2. Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Giang Ngọc Trực đề nghị các cấp, các ngành thay đổi quan điểm về thanh niên trong tình hình mới. Ông cho rằng thanh niên ngày nay cần việc làm, thu nhập, cống hiến và vui chơi giải trí. Giải quyết việc làm sẽ góp phần đắc lực phát triển thanh niên về nhiều mặt. Mặt khác, các cấp, các ngành cần đánh giá lại việc thực hiện chính sách thu hút nhân tài vừa qua không đạt yêu cầu, việc phân luồng học sinh sau THCS cần giải pháp quyết liệt, đồng bộ và căn cơ hơn…

Phát biểu Kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thanh Ngọc, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình phát triển thanh niên tỉnh cho rằng việc sơ kết giai đoạn 1 để đánh giá lại quá trình thực hiện, các mục tiêu đề ra có kết quả nhưng chưa đáp ứng mục tiêu kế hoạch. Trong giai đoạn 2, đồng chí đề nghị các cơ quan, đơn vị và địa phương tiếp tục thực hiện tốt một số nhiệm vụ cụ thể như sau: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách pháp luật về thanh niên và công tác thanh niên; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện tác thanh niên của tỉnh và của các đơn vị, địa phương. Chính sách đối với thanh niên cơ bản phải được lồng ghép trong thực hiện các chương trình mục tiêu, các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh. Đổi mới quản lý nhà nước về công tác thanh niên, tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương, thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát; kiện toàn Ban Chỉ đạo các cấp, xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện phù hợp chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tế của cơ quan, đơn vị, địa phương.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho rằng giải quyết việc làm cho thanh niên là khâu quan trọng, các ngành, các cấp cần tạo điều kiện phát triển nghề nghiệp cho thanh niên, định hướng công tác đào tạo, bồi dưỡng, dự báo thị trường lao động và giới thiệu, giải quyết việc làm. Nếu phát huy nguồn lực thanh niên tốt sẽ đạt được nhiều chỉ tiêu kèm theo như giáo dục đạo đức lối sống, lý tưởng, cống hiến, xây dựng hoài bảo trong thanh niên, đảm bảo tình hình an ninh trật tự, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống văn hóa…

Thái Thành

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây