Tây Ninh mời gọi đầu tư nhiều dự án nông nghiệp

Thứ ba - 15/08/2017 10:00 200 0
UBND tỉnh vừa ký quyết định phê duyệt danh mục dự án kêu gọi đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Đó là dự án chế biến sản phẩm từ nông nghiệp công nghệ cao.

Mục tiêu của dự án này là sơ chế, chế biến rau quả theo tiêu chuẩn HACCP (một hệ thống kiểm soát các mối nguy hiểm và rủi ro cho an toàn thực phẩm trong suốt quá trình chế biến); chế biến các sản phẩm từ mãng cầu, cây dược liệu, muối ớt (thương hiệu muối ớt Tây Ninh).

Tùy từng loại sản phẩm, nhà đầu tư quyết định quy mô phù hợp, nhưng phải bảo đảm diện tích vùng nguyên liệu trồng cây dược liệu từ 20 ha trở lên; diện tích trồng rau, quả từ 10 ha trở lên và phải sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Đối với mục tiêu chế biến các sản phẩm từ mãng cầu, tùy từng loại sản phẩm, nhà đầu tư quyết định quy mô phù hợp.

Tuy nhiên, nhà đầu tư phải có trang thiết bị, công nghệ tiên tiến, đáp ứng tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm.

Tây Ninh mời gọi đầu tư nhiều dự án nông nghiệp

Vùng trồng rau an toàn ở xã Thái Bình (Châu Thành) - Ảnh minh họa.

Kế đến là các dự án xây dựng nhà máy giết mổ gia súc, gia cầm tạo ra sản phẩm thịt đông lạnh với dây chuyền khép kín, thiết bị hiện đại, bảo đảm môi trường và an toàn thực phẩm. Địa điểm thực hiện dự án ở các huyện Châu Thành, Gò Dầu, Trảng Bàng.

Dự án chăn nuôi bò thịt tập trung, đạt tiêu chuẩn VietGAP, có quy mô  từ 1.000 con bò thịt trở lên. Dự  án đầu tư nhà lưới, nhà mảng, nhà kính để trồng các loại rau quả theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP hoặc Organic (hữu cơ), quy mô diện tích từ 5 ha trở lên.

Dự án sản xuất, ứng dụng các sản phẩm sinh học, các loại nấm ăn, dược liệu, vắc xin các loại, chế phẩm phòng trừ dịch hại cây trồng, vật nuôi, kiểm soát an toàn thực phẩm.

Tỉnh ưu tiên cho công nghệ nuôi cấy mô hom, vỉ ghép, công nghệ nhân giống bằng nuôi cấy mô tế bào thực vật; sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu; chọn tạo giống mới bằng gây đột biến gen (sử dụng kỹ thuật phóng xạ hạt nhân, hoá chất...); công nghệ lai tạo giống có ứng dụng các kỹ thuật sinh học phân tử.

Dự án trồng chuối, thơm, bưởi, xoài đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, Organic, làm nguyên liệu chế biến xuất khẩu, cung cấp sản phẩm xuất khẩu, có quy mô diện tích từ 20 ha trở lên. Dự án trồng rau quả an toàn đạt tiêu chuẩn GlobalGAP hoặc Organic (hữu cơ), có quy mô diện tích từ 10 ha trở lên.

 Dự án trồng mía nguyên liệu đạt tiêu chuẩn Organic (hữu cơ) sản xuất mía sạch, cung cấp cho các nhà máy chế biến đường và các sản phẩm đạt tiêu chuẩn organic (hữu cơ).

Địa điểm thực hiện dự án ở các huyện Châu Thành, Tân Châu, Tân Biên, Dương Minh Châu và Bến Cầu. Quy mô dự án yêu cầu phải có diện tích từ 50 ha trở lên.

Dự án trồng mãng cầu đạt tiêu chuẩn VietGAP, cung cấp trái cho người tiêu dùng bảo đảm an toàn thực phẩm và cho cơ sở chế biến sản phẩm sạch để sản xuất bánh kẹo, mứt, nước ép từ trái măng cầu. Địa điểm đầu tư là thành phố Tây Ninh, hai huyện Tân Châu và Dương Minh Châu, có quy mô diện tích từ 20 ha trở lên.

Dự án trồng cây dược liệu đạt tiêu chuẩn VietGAP, sản xuất, chế biến và bảo quản các sản phẩm từ cây dược liệu. Dự án yêu cầu đặt nhà máy chế biến tại các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh; vùng sản xuất trên địa bàn các huyện Tân Châu, Tân Biên, Dương Minh Châu, Châu Thành và Bến Cầu, có quy mô diện tích từ 20 ha trở lên.

Dự án sản xuất lúa giống cấp nguyên chủng, sản xuất các giống lúa cấp nguyên chủng phù hợp điều kiện sinh thái tỉnh Tây Ninh, cung ứng cho mạng lưới nhân giống lúa cấp xác nhận trong và ngoài tỉnh, có quy mô diện tích theo tiêu chí cánh đồng lớn.

Dự án chế biến sản phẩm sau đường; phụ phẩm chế biến đường, sản xuất chế biến thực phẩm (bánh kẹo, rượu); chế biến thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản, chế biến sản phẩm sinh học từ sản phẩm phụ của chế biến đường; chế biến gỗ từ bã mía; chế biến phân bón từ bã bùn. Dự án chế biến các sản phẩm bánh, kẹo từ tinh bột biến tính (không chế biến các sản phẩm từ củ mì tươi). Đối với 2 dự án này, tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp Tân Hội 1 và Thanh Xuân 1 (hiện đã có nhà đầu tư hạ tầng), Ninh Điền (chưa có nhà đầu tư hạ tầng).

Nhà đầu tư có thể quyết định quy mô phù hợp với từng loại sản phẩm, nhưng trang thiết bị, công nghệ phải tiên tiến, hiện đại, đáp ứng tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm.

Cuối cùng là dự án chăn nuôi heo hữu cơ (Organic), chăn nuôi heo thịt và heo nái theo phưong pháp hữu cơ, bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn phòng - chống dịch bệnh và vệ sinh môi trường, có quy mô từ 5.000 con heo thịt và 500 con heo nái trở lên.

Theo Báo Tây Ninh Online

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây