Đồng chí Trần Văn Chiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo tỉnh chủ trì hội nghị.
Quang cảnh hội nghị
Theo thống kê, hiện tổng diện tích đất lâm nghiệp trên địa bàn hơn 73.200 ha (trong đó, đất rừng đặc dụng gần 32.000 ha). Tổng diện tích rừng của tỉnh hơn 65.600 ha. Thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững với nhiệm vụ chính là bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên; phát triển và nâng cao năng suất, chất lượng rừng; nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm lâm nghiệp, trong 3 năm qua, các ngành chức năng và các địa phương có rừng ở Tây Ninh đã rất nỗ lực thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng. Rừng được quản lý, bảo vệ phát triển ổn định, ngày càng tăng về số lượng và chất lượng. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 16,3%, hoàn thành kế hoạch đề ra.
Công tác phát triển rừng luôn được chú trọng. Diện tích khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên trên địa bàn tỉnh là 1.198 ha (đạt 100% kế hoạch). Tính đến cuối năm 2020, ước trồng mới được 763 ha rừng phòng hộ, đặc dụng (đạt 52,6% so kế hoạch); thực hiện chăm sóc rừng trồng 2.774 lượt ha rừng đặc dụng, phòng hộ (đạt 98,9% kế hoạch). Thực hiện Dự án trồng cây phân tán, các ngành, địa phương đã trồng hơn 1 triệu cây các loại góp phần tăng độ che phủ của thảm cây xanh, tăng cường khả năng phòng hộ, cải thiện cảnh quan, môi trường sinh thái…
Tình hình phá rừng, cháy rừng, trộm cắp, vận chuyển lâm sản trái pháp luật đã được xử lý, ngăn chặn kịp thời. Số vụ vi phạm về bảo vệ rừng trong giai đoạn 2016-2020 giảm 49% (tương đương giảm 571 vụ) so năm 2011-2015. Mức độ thiệt hại cũng giảm. Tỉnh hoàn thành công tác rà soát, điều chỉnh quy hoạch ba loại rừng; định hướng quản lý, sử dụng, phát triển rừng ổn định, bền vững gắn với kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng theo đúng quy định.
Các đại biểu nêu nhiều ý kiến phân tích những hạn chế trong việc thực hiện Chương trình
Trong 3 năm qua, trên địa bàn xảy ra 586 vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, giảm 571 vụ so với giai đoạn 2011-2015. Trong đó đã khởi tố hình sự 12 vụ, còn lại xử phạt hành chính. Diện tích rừng bị thiệt hại do bị phá giảm từ 101,6 ha (giai đoạn 2011-2015) xuống 20,3 ha (giai đoạn 2017-2020), tương đương giảm 80%.
Những tháng cao điểm mùa khô, Ban Chỉ đạo tăng cường kiểm tra, tổ chức diễn tập phòng cháy chữa cháy rừng theo phương án đã duyệt, bố trí lực lượng trực, tuần tra bảo vệ, chủ động xử lý thực bì, vật liệu gây cháy, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc phù hợp với thực tế địa phương. Song song đó, các chủ rừng đầu tư xây dựng các công trình phòng cháy, mua sắm phương tiện, máy móc thiết bị chữa cháy, dụng cụ phục vụ cho công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Trên địa bàn đã xảy ra 38 vụ cháy rừng với diện tích 88,03 ha.
Việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác trên địa bàn tỉnh luôn được các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát chặt chẽ đúng quy định, đặc biệt đối với rừng tự nhiên. Theo thống kê, từ năm 2018 đến nay, trên địa bàn tỉnh có 10 dự án chuyển mục đích sử dụng hơn 53 ha rừng sang mục đích khác.
Thực hiện Quyết định số 1573/QĐ-UBND, ngày 10/7/2017 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch xử lý vi phạm trồng cây nông nghiệp trái quy định trên đất quy hoạch lâm nghiệp tại Khu rừng văn hóa-lịch sử Chàng Riệc và Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng, tỉnh đã giải quyết 215 trường hợp chuyển sang đất trồng rừng hơn 360 ha (đạt 33,48% kế hoạch).
Đối với Quyết định 223/QĐ-UBND, ngày 28/01/2019 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch xử lý tài sản (cây trồng) trên đất khi thu hồi, hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp trùng trên đất quy hoạch lâm nghiệp và các trường hợp có hợp đồng, giấy xác nhận cho trồng cây không đúng mục đích, sai quy hoạch lâm nghiệp, tỉnh đã giải quyết 30 trường hợp, với diện tích hơn 110 ha (đạt hơn 48% so kế hoạch).
Sau ý kiến của các ngành, địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến phát biểu ghi nhận những nỗ lực của các đơn vị, địa phương trong công tác bảo vệ và phát triển rừng trong giai đoạn 2017-2020, các chỉ tiêu, nhiệm vụ được thực hiện hoàn thành và đạt mức khá cao.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến đề nghị các đơn vị, địa phương khắc phục khó khăn, làm tốt hơn nữa công tác bảo vệ và phát triển rừng
Trên cơ sở phân tích những hạn chế trong quá trình thực hiện Chương trình, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị, trong thời gian tới, lãnh đạo hai huyện Tân Châu và Tân Biên cần quyết liệt, chặt chẽ hơn việc thực hiện Quyết định 1573/QĐ-UBND và Quyết định 223/QĐ-UBND, xử lý kịp thời, đúng quy định công tác giải quyết khiếu nại của người dân để sớm có đất trồng rừng.
Bên cạnh đó, đồng chí đề nghị các đơn vị, địa phương tăng cường thực hiện Đề án quản lý, phát triển rừng sản xuất để hoàn thành các mục tiêu đề ra, đồng thời đảm bảo cuộc sống cho lực lượng bảo vệ rừng; xây dựng Đề án phát triển du lịch sinh thái; tăng cường công tác quản lý bảo vệ động vật hoang dã, nuôi nhốt động vật hoang dã; nâng cao năng lực phòng cháy chữa cháy rừng, chủ động được nguồn nước và thường xuyên tập huấn cho lực lượng phòng cháy chữa cháy rừng của các đơn vị; xem xét đề xuất trang bị camera tại các tháp canh lửa để góp phần phòng cháy chữa cháy rừng hiệu quả.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến chúc mừng các tập thể, cá nhân được khen thưởng
Dịp này, 5 tập thể, 5 cá nhân được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh với thành tích xuất sắc trong thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững, giai đoạn 2017-2020.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến trao cờ và chúc mừng hai đơn vị
Cũng tại hội nghị, đồng chí Trần Văn Chiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao cờ dẫn đầu phong trào thi đua cho Cục Chăn nuôi và Thú y dẫn đầu khối thi đua các phòng, cơ quan, đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2020; trao cờ cho Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Dương Minh Châu dẫn đầu khối thi đua Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện năm 2020 và trao bằng khen cho 3 tập thể khác với thành tích xuất sắc trong hoạt động của các khối thi đua.
Hoàng Giang