Các đại biểu dự hội nghị
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo tỉnh, năm 2018, đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã hoàn thành vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, cả về số lớp và số người theo học, đặc biệt số lao động tham gia học nghề thuộc nhóm đối tượng 1 tăng hơn so với năm 2017.
Cụ thể, năm 2018, toàn tỉnh tổ chức được 151 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn với 4734 học viên, đạt 102,78% so kế hoạch. Tổng kinh phí thực hiện các hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2018 là hơn 7,6 tỷ đồng, trong đó, riêng kinh phí hỗ trợ lao động nông thôn học nghề là hơn 7,2 tỷ đồng. Sau học nghề, đáp ứng nhu cầu vay vốn của các lao động, có 798 hộ được vay vốn giải quyết việc làm hơn 19 tỷ đồng để tạo công ăn việc làm ổn định. Theo thống kê, đến cuối năm 2018, có 4037 lao động được đào tạo đã có việc làm (chiếm hơn 85%).
Một số hạn chế trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2018 cũng đã được chỉ ra, như công tác điều tra khảo sát và lập kế hoạch dạy nghề ở một số địa phương chưa sát nhu cầu học nghề dẫn đến chậm triển khai mở lớp; chưa huy động được các nguồn lực để tham gia hỗ trợ đào tạo nghề, chủ yếu dựa vào nguồn lực nhà nước; nhận thức của lao động nông thôn về việc học nghề còn hạn chế.
Đồng chí Trần Thị Lan - Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội triển khai kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2019
Theo Kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2019, tỉnh sẽ tổ chức 129 lớp đào tạo nghề trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng cho 4205 lao động nông thôn với 25 nghề. Trong đó, có 14 nghề nông nghiệp với 82 lớp (2710 lao động), 11 nghề phi nông nghiệp với 47 lớp (1495 lao động). Tổng kinh phí thực hiện kế hoạch này là gần 7,8 tỷ đồng, từ nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2019 và nguồn kinh phí địa phương. Qua đó nhằm đạt mục tiêu, bảo đảm người khuyết tật chiếm ít nhất 10%, lao động nữ chiếm ít nhất 40% chỉ tiêu hỗ trợ đào tạo của địa phương và đảm bảo tỷ lệ số người học nghề nông nghiệp, nghề phi nông nghiệp để thực hiện chuyển dịch cơ cấu lao động theo mục tiêu đã được xác định của địa phương đến năm 2020.
Đồng chí Võ Thanh Thủy - Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phát biểu chỉ đạo hội nghị
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Võ Thanh Thủy - Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đề nghị Ban Chỉ đạo các cấp cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách trong đào tạo nghề tới các tầng lớp nhân dân; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan để tạo việc làm cho lao động sau học nghề. Đồng thời, tạo mọi điều kiện, vận động các nhóm đối tượng tham gia học nghề đạt yêu cầu; khuyến khích các địa phương có mô hình hay, cách làm hiệu quả trong đào tạo nghề để nhân rộng.
Lãnh đạo Sở nhấn mạnh, sau hội nghị, các địa phương cần khẩn trương triển khai thực hiện đạt chất lượng, yêu cầu đề ra và cũng cần lưu ý, chỉ khi đã định hướng được việc làm, định hướng được thu nhập cho lao động mới tổ chức đào tạo nghề.
Q.N