Tham dự và chủ trì tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh có đồng chí Dương Văn Thắng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.
Năm 2023, trong bối cảnh kinh tế - xã hội nhiều khó khăn, ngành Tài chính đã hoàn thành xuất sắc, toàn diện các nhiệm vụ tài chính, ngân sách; điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt; tiếp tục thực hiện miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền thuê đất, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch bệnh. Kết quả, tính đến ngày 25/12/2023 thu ngân sách cả nước đạt hơn 1.693 nghìn tỷ đồng, tăng 4,5% so với dự toán Pháp lệnh Quốc hội, Chính phủ giao. Trong đó, thu nội địa tăng 5,7%, thu dầu thô đạt 44,6%, thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 92,1% dự toán. Tổng số đã miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất cho doanh nghiệp và người dân khoảng 193,4 nghìn tỷ đồng (trong đó miễn, giảm khoảng 78,4 nghìn tỷ đồng; gia hạn khoảng 115 nghìn tỷ đồng).
Chi ngân sách được quản lý chặt chẽ, triệt để, tiết kiệm, đảm bảo nguồn lực hỗ trợ phục hồi kinh tế, kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách và nợ công trong phạm vi Quốc hội cho phép. Ước đến ngày 31/12/2023, chi ngân sách Nhà nước đạt khoảng 1,73 triệu tỷ đồng, bằng 83,4% dự toán, trong đó chi đầu tư phát triển ước đạt 79,8% dự toán Quốc hội quyết định, bằng 81,9% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tăng 144 nghìn tỷ đồng (33%) so cùng kỳ năm 2022.
Trong năm 2023, Bộ Tài chính đã thực hiện 78,2 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra, tập trung vào các lĩnh vực quản lý thu, chi ngân sách; quản lý, sử dụng vốn đầu tư; quản lý giá, chứng khoán; kiểm tra trên 748,4 nghìn hồ sơ khai thuế của doanh nghiệp; bắt giữ, xử lý gần 16 nghìn vụ vi phạm trong lĩnh vực hải quan. Qua đó, kiến nghị xử lý tài chính trên 107 nghìn tỷ đồng, trong đó kiến nghị thu nộp ngân sách Nhà nước 47 nghìn tỷ đồng; kiến nghị giảm lỗ, giảm khấu trừ và xử lý tài chính khác 54,5 nghìn tỷ đồng, xử lý vi phạm hành chính 5,5 nghìn tỷ đồng. Đồng thời, đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, góp phần tăng cường ý thức chấp hành pháp luật của các cơ quan, đơn vị, cá nhân và doanh nghiệp, phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính...
Đồng chí Dương Văn Thắng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh phát biểu tham luận tại hội nghị
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng phát biểu tham luận, trong năm 2023, sản xuất kinh doanh của các doanh nhiệp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Ngay từ đầu năm UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung quyết liệt thực hiện nhiệm vụ giải pháp phát triển kinh tế xã hội, phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất kế hoạch năm 2023.
Tổng sản phẩm trong tỉnh GRDP ước tăng 6,12% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng trưởng bình quân chung của cả nước; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt trên 40 ngàn tỉ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ. Trong bối cảnh khó khăn thu hút vốn đầu tư nước ngoài của tỉnh tiếp tục đạt khá, ước đạt trên 750 triệu USD, tăng 9% so với cùng kỳ xếp thứ 15/63 tỉnh, thành phố. Đặc biệt, hoạt động du lịch đã có nhiều khởi sắc, tăng trưởng ấn tượng. Về kết quả thực hiện thu ngân sách nhà nước tính đến ngày 23/12/2023, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt trên 11 nghìn tỷ đồng, vượt 6,7% so với dự toán trung ương giao và đạt 104% so với dự toán của tỉnh giao.
Phó Thủ tướng Chính Phủ Lê Minh Khái phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái biểu dương sự đoàn kết, đồng lòng, chung sức, nổ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp để đạt được những kết quả đáng khích lệ, đáng ghi nhận, vượt qua những khó khăn, thách thức. Phó Thủ tướng Chính phủ tin rằng Bộ Tài chính sẽ tiếp tục kế thừa các kết quả đạt được năm 2023, tiếp tục nghiên cứu để có những giải pháp đột phá, sáng tạo để vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2024, góp phần vào hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
DP