Quang cảnh phiên họp
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Hùng, Dương Văn Thắng và Trần Văn Chiến chủ trì phiên họp.
Phó Giám đốc phụ trách Sở Xây dựng Trần Tương Quốc nêu nội dung các tờ trình
Tại phiên họp, lãnh đạo Sở Xây dựng trình tờ trình đề nghị Phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết Cảng cạn Mộc Bài tại Khu Kinh tế cửa khẩu Mộc Bài (điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Bãi tập kết, kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu tại Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài).
Dự án đầu tư Cảng cạn Mộc Bài đã được UBND tỉnh phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết xây dựng tại Quyết định số 2832/QĐ-UBND, ngày 18/11/2020. Theo đó, chủ đầu tư dự án là Công ty Cổ phần Tân Cảng Tây Ninh đã tổ chức lập đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng theo quy định, làm cơ sở để triển khai các bước tiếp theo của dự án. Đây là dự án đầu tư khai thác địa điểm kiểm hóa tập trung, cảng cạn ICD và phát triển dịch vụ logistics, kho - bãi có hạ tầng kỹ thuật và công nghệ hiện đại. Quy mô lập quy hoạch 16,52 ha. Quy mô lao động khoảng 240 người.
Các đồng chí lãnh đạo chủ trì phiên họp
Sau ý kiến của các đại biểu, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc kết luận, cơ bản thống nhất với đề xuất quy hoạch này, đồng thời đề nghị Sở Xây dựng rà soát, bổ sung hoàn thiện, triển khai thực hiện quy hoạch phải bảo đảm hài hòa kiến trúc cảnh quan khu vực này do ngay sát cửa khẩu; kế đó, phải bảo đảm hài hòa các điều kiện, tiêu chí về phòng cháy chữa cháy, môi trường, cấp thoát nước ở khu vực này. Sau khi quy hoạch được duyệt, chủ đầu tư phải tiến hành đầy đủ các thủ tục có liên quan, tập trung nguồn lực triển khai đồng bộ, bảo đảm thúc đẩy thông quan theo mô hình một cửa một trạm dừng; trong quá trình quản lý cần bảo đảm vệ sinh môi trường, điều tiết các phương tiện qua lại một cách khoa học và hợp lý tạo thành cảng cạn biểu mẫu ở khu vực cửa khẩu.
Phiên họp tiếp tục nghe lãnh đạo Sở Xây dựng trình nội dung đề nghị UBND tỉnh ban hành Quyết định về Quy định một số nội dung về cấp giấy phép xây dựng trên địa bàn tỉnh nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về công tác cấp giấy phép xây dựng trong thời gian tới. Đây là nội dung được thực hiện theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng năm 2020, có hiệu lực từ ngày 01/01/2021. Khi quyết định này có hiệu lực sẽ thay thế Quyết định số 20/2015/QĐ-UBND ngày 15/4/2015 của UBND tỉnh ban hành Quy định cấp giấy phép xây dựng có thời hạn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh và Quyết định số 14/2016/QĐ-UBND ngày 09/5/2016 của UBND tỉnh ban hành Quy định cấp giấy phép xây dựng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
Thành viên UBND tỉnh góp ý đối với Quy định một số nội dung về cấp giấy phép xây dựng
Theo dự thảo, Quy định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài là chủ đầu tư xây dựng công trình, tổ chức, cá nhân liên quan đến công tác cấp giấy phép xây dựng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Giấy phép xây dựng được quy định trong Quy định này bao gồm 4 loại: giấy phép xây dựng mới; giấy phép sửa chữa, cải tạo; giấy phép di dời công trình và giấy phép xây dựng có thời hạn.
Góp ý cho nội dung này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng đề nghị Sở Xây dựng xem xét, roát lại thẩm quyền cấp phép nhằm quản lý kiến trúc chặt chẽ cũng như xây dựng văn minh đô thị.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến thì đề nghị Sở Xây dựng cần nâng cao trách nhiệm trong tham mưu, hướng dẫn các địa phương thực hiện tốt hơn công tác quản lý xây dựng, không để xảy ra trường hợp xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp.
Kết luận nội dung này, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc thống nhất thông qua nội dung trình, đề nghị Sở Xây dựng tiếp thu ý kiến của các đại biểu để hoàn chỉnh các nội dung cụ thể trong Quy định vừa đảm bảo quản lý nhà nước, vừa đảm bảo quyền lợi của các tổ chức, cá nhân. Sở Xây dựng cũng sớm xây dựng, trình UBND tỉnh Quy trình quản lý kiến trúc đô thị tỉnh mới thay thế cho quy định hiện tại đã không còn phù hợp. Chủ tịch UBND tỉnh cũng lưu ý cần tách bạch rõ những trường hợp không cần phải xin cấp giấy phép xây dựng. Những trường hợp phải được cấp phép cần ghi thật rõ, thật cụ thể. Điều kiện cấp giấy phép dẫn chứng, thẩm quyền; thẩm quyền thanh tra, kiểm tra sau cấp phép... cũng phải được quy định rõ để dễ dàng trong thực hiện.
Kết luận về nội dung dự thảo Báo cáo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 12/10/2007 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh khu vực biên giới giai đoạn 2007 - 2010 và định hướng đến năm 2020 do Sở Kế hoạch và Đầu tư trình, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, báo cáo đã đánh giá cơ bản toàn diện, đồng bộ nội dung trọng tâm; đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu ý kiến của các đại biểu, để điều chỉnh lại báo cáo, lưu ý thêm về công tác xây dựng Đảng; tập trung làm rõ thành tựu, cần có sự so sánh với chỉ số phát triển chung của tỉnh, đóng góp như thế nào, chiếm bao nhiêu phần trăm; bổ sung đánh giá nguồn lực mà tỉnh đầu tư trên các lĩnh vực ở các địa phương biên giới; phân tích rõ nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, biện pháp thực hiện trong thời gian tới.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Ngọc Hải nêu nội dung dự thảo Quy định
Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo trình dự thảo Quyết định ban hành Quy định tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông tỉnh. Đây sẽ là cơ sở để các cơ sở giáo dục lựa chọn các bộ sách giáo khoa phục vụ cho công tác giảng dạy và học tập ở trường.
Được biết, năm học 2021-2022 tới đây, toàn quốc sẽ thực hiện việc thay sách ở lớp 2, lớp 6. Mối khối lớp được đề xuất 3 bộ sách để các địa phương lựa chọn.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc kết luận với từng nội dung
Đối với nội dung này, Chủ tịch UBND tỉnh cơ bản thống nhất theo tờ trình của Sở Giáo dục và Đào tạo, đảm bảo thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Lãnh đạo UBND tỉnh đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm tham mưu, đề xuất việc lựa chọn sách giáo khoa này, phải thể hiện trí tuệ, trách nhiệm chung đối với ngành giáo dục; huy động trí tuệ, trách nhiệm của giáo viên các cấp, học sinh và tham khảo thêm ý kiến của phụ huynh để có thêm thông tin nhiều chiều về bộ sách giáo khoa mới, từ đó có sự lựa chọn phù hợp, đảm bảo có chất lượng, người dạy dễ dạy - người học dễ nhớ, hạn chế tối đa sai sót. Quá trình thực hiện phải đảm bảo đúng quy trình, yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Song song đó, Sở Giáo dục và Đào tạo cần thành lập tổ nghiên cứu đánh giá để phát hiện bất cập để đề xuất, kiến nghị cụ thể với Trung ương.
XV