UBND tỉnh họp phiên thường kỳ tháng 5 năm 2021

Thứ tư - 26/05/2021 21:00 337 0
Sáng ngày 26/5, UBND tỉnh Tây Ninh họp phiên thường kỳ tháng 5 để cho ý kiến một số nội dung quan trọng liên quan đến lĩnh vực kinh tế, nội chính. Đồng chí Nguyễn Thanh Ngọc - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp.


Quang cảnh phiên họp

Cùng chủ trì còn có các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Hùng, Dương Văn Thắng và Trần Văn Chiến. Đồng chí Võ Đức Trong - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Huỳnh Thanh Phương - Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn phụ trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh tham dự.

Tại phiên họp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Đình Xuân trình bày ba nội dung do đơn vị tham mưu, gồm tờ trình về việc ban hành Kế hoạch phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh; Tờ trình về việc đề nghị xây dựng Nghị quyết quy định vùng nuôi chim yến và quy định khu vực không được phép chăn nuôi gia súc, gia cầm và động vật khác trên địa bàn tỉnh và Tờ trình về việc công nhận kết quả đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP năm 2020.

Việc ban hành Kế hoạch phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh nhằm đồng bộ, kết nối kênh thủy lợi nội đồng có diện tích tưới nhỏ hơn 50 ha với công trình thủy lợi hiện có, gắn với Tiêu chí 3-Thủy lợi trong Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới, mở rộng diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới, tiêu nước chủ động. Tổng mức đầu tư công lĩnh vực thủy lợi giai đoạn 2021-2025 là hơn 2.600 tỷ đồng với 22 dự án. Phấn đấu đến cuối năm 2025, trên địa bàn tỉnh đầu tư hoàn chỉnh 232 công trình. Trong quá trình thực hiện cần huy động các nguồn lực xã hội tham gia đầu tư xây dựng, nâng cấp, hoàn thiện các công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng để kết nối hệ thống công trình thủy lợi hiện có, đáp ứng nhu cầu cấp nước tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ gắn với Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và thích ứng với biến đổi khí hậu.


Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến nêu ý kiến

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến đề nghị cơ quan tham mưu cần rà soát, đánh giá thực trạng lấn chiếm kênh gây ngập úng kèm theo giải pháp khắc phục; tình trạng quản lý hồ sơ các tuyến kênh chưa chặt chẽ; sự phối hợp giữa các cơ quan, địa phương trong việc giải quyết lấn chiếm chưa tốt. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho phù hợp. Các tuyến kênh nên kết hợp song song với kênh nội đồng tăng hiệu quả khai thác; trong kế hoạch cần đưa ra thứ tự đầu tư, bám theo Đề án tái cơ cấu nông nghiệp để triển khai thực hiện hiệu quả…


Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Đức Trong nêu ý kiến

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Đức Trong cho rằng, phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng thực hiện xây dựng nông thôn mới không chỉ thuộc trách nhiệm của riêng ngành nông nghiệp mà của cả hệ thống chính trị. Do đó, cần đánh giá công tác quản lý vận hành khai thác, khả năng cung ứng thật sự của hệ thống thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng; quản lý phân cấp để sử dụng hệ thống; giải pháp cơ chế, chính sách ra sao để thúc đẩy hoàn thành mục tiêu đề ra.


Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng phát biểu tại phiên họp

Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng đề nghị trong kế hoạch cần nêu rõ năng lực tưới tiêu của thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng trong giai đoạn mới so hiện tại. Trong các giải pháp, cần lưu ý khi ban hành chính sách hỗ trợ nên theo hướng phân định rõ dự án nào nhà nước cần đầu tư, dự án nào cần huy động xã hội hóa.

Sau khi tiếp thu các ý kiến, phiên họp thống nhất ủy quyền lại Chủ tịch, các Phó Chủ tịch làm việc, thống nhất lại với ngành Nông nghiệp, trên cơ sở tiếp thu các ý kiến thực hiện cho đúng quy định, nhất là xác định rõ việc phân cấp trách nhiệm trong đầu tư thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng, có định hướng phát triển hệ thống thủy lợi nói chung, thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng nói riêng trên địa bàn trong thời gian tới.

Với Tờ trình về việc đề nghị xây dựng Nghị quyết quy định vùng nuôi chim yến và quy định khu vực không được phép chăn nuôi gia súc, gia cầm và động vật khác trên địa bàn tỉnh, dự kiến tháng 10/2021 sẽ trình thông qua HĐND tỉnh. Qua đó nhằm xây dựng các quy định có tính thống nhất, ổn định lâu dài trên địa bàn toàn tỉnh, phù hợp với sự phát triển các ngành, các lĩnh vực, từng bước phát triển chăn nuôi gắn với sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; tạo cơ sở pháp lý để cho các địa phương và các cơ quan chức năng áp dụng trong công tác quản lý, bảo vệ môi trường sinh thái bền vững, đặc biệt là ở các khu vực nội thành, nội thị, khu dân cư.

Các đại biểu tham dự cuộc họp đề nghị đơn vị trình làm rõ thêm các quy định về khu vực không được phép chăn nuôi, không được phép chăn nuôi trang trại. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Đức Trong cho rằng cần xác định đây là nghị quyết có tác động lớn đến người dân, cần thiết xem xét việc trao đổi, phản biện với Mặt trận Tổ quốc; cần xem xét đến tính dài lâu của nghị quyết, hướng xử sự những phát sinh trong quá trình thực hiện nghị quyết.


Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc phát biểu kết luận đối với từng nội dung được trình

Kết luận nội dung này, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc thống nhất với nội dung được trình, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp thu ý kiến, điều chỉnh câu từ dễ hiểu; đồng thời rà soát lại lần nữa để hoàn chỉnh. Do nội dung có tác động lớn đến người dân, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị cơ quan trình cần thực hiện theo quy trình chặt chẽ, lấy ý kiến người dân để có quyết sách cho phù hợp. Lãnh đạo UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Sở Tư pháp thực hiện theo quy trình, gửi nội dung cho Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội phản biện để sớm hoàn chỉnh, trình đúng tiến độ.

Phiên họp cũng thống nhất với tờ trình về việc công nhận kết quả đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP năm 2020 do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu. Theo đó, có 9 sản phẩm được đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP năm 2020. Trong đó, có 2 sản phẩm OCOP hạng 4 sao, bao gồm: sản phẩm bánh tráng siêu mỏng của Công ty TNHH Tân Nhiên (thị xã Hòa Thành) và sản phẩm dưa lưới của Công ty TNHH MTV Nông sản Hoàng Xuân (thị xã Trảng Bàng); công nhận 7 sản phẩm OCOP hạng 3 sao, gồm: bánh tráng phơi sương, rau rừng tổng hợp, muối ớt, muối ớt tôm, muối chay, muối tôm, dế sấy bơ tỏi. Việc đánh giá, công nhận này có giá trị trong thời hạn 36 tháng, kể từ ngày có quyết định.

Tiếp theo, Sở Tài chính trình dự thảo Quyết định ban hành Đề án huy động nguồn lực đầu tư phát triển tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2021 - 2025.

Theo đó, việc huy động nguồn lực đầu tư phát triển tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2021 - 2025 nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế sẵn có của tỉnh để phát triển kinh tế-xã hội, là nhiệm vụ trọng tâm, gắn với nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh. Các ngành, các cấp phát huy tính sáng tạo, chủ động tổ chức và thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết số Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025. Trọng tâm là thu hút nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế ngoài nhà nước, có khả năng tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, nhà đầu tư có uy tín và năng lực tài chính quy mô lớn. Cụ thể, thu hút đầu tư trong và ngoài nước giai đoạn 2021-2025 đạt 3.600 triệu USD (đầu tư trong nước đạt 2.100 triệu USD, đầu tư nước ngoài 1.500 triệu USD). Hoàn thành chỉ tiêu về tỷ lệ lắp đầy khu công nghiệp (đạt 100% đối với khu công nghiệp Trảng Bàng, khu chế xuất và công nghiệp Linh Trung III, khu công nghiệp Phước Đông-Bời Lời (giai đoạn 1) và khu công nghiệp Chà Là; đạt 90% đối với khu công nghiệp Thành Thành Công và đạt 40% đối với khu công nghiệp Phước Đông-Bời Lời, giai đoạn 2). Huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giai đoạn 2021-2025 phấn đấu từ 36% trở lên so với GRDP (trong đó, khu vực dân doanh chiếm 46%, khu vực FDI chiếm 38,3% và khu vực nhà nước chiếm 15,7%).

Sau khi nghe các ý kiến, Chủ tịch UBND tỉnh kết luận nội dung này, nhấn mạnh, cơ bản đồng thuận với Đề án nhằm huy động nhiều nguồn lực xã hội cho phát triển địa phương; đề nghị đơn vị trình tiếp thu các ý kiến đóng góp để khi ban hành, Đề án có tính khả thi; đồng thời, cần nghiên cứu sâu hơn nữa, có giải pháp sâu hơn nữa, để nhận diện được bao nhiêu nguồn lực có thể huy động được trong 5 năm tới.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng gợi ý với đơn vị trình cần sắp xếp các giải pháp theo nhóm. Đó là, nhóm giải pháp tạo động lực để huy động nguồn lực, hoàn thiện nâng cao chất lượng, hiệu quả của các quy hoạch có liên quan, đặc biệt là quy hoạch tỉnh; đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư; phát triển nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Nhóm giải pháp để huy động nguồn lực, từ các nguồn vốn, nguồn lực trung ương, địa phương và các tổ chức tài chính; tiết kiệm chi tiêu ngân sách, thực hiện lồng ghép có hiệu quả các chương trình mục tiêu; tranh thủ các nguồn vay ưu đãi, viện trợ của các tổ chức quốc tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác thu ngân sách nhà nước. Nhóm giải pháp huy động nguồn lực trong xã hội, tăng cường nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư, tiếp cận nhà đầu tư, thu hút đầu tư; tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, tăng về số lượng, nâng cao về chất lượng; thúc đẩy nâng cao hiệu quả kinh tế hợp tác. Trong đó, đặc biệt quan tâm nghiên cứu đề xuất, giải pháp huy động trái phiếu địa phương.


Giám đốc Sở Tư pháp Phạm Văn Đặng trình bày dự thảo Đề án phát triển Văn phòng Thừa phát lại

Tại phiên họp, lãnh đạo Sở Tư pháp trình Đề án phát triển Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu chung triển khai Đề án này là nhằm thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động bổ trợ tư pháp, giảm tải các công việc cho cơ quan Thi hành án dân sự, hỗ trợ tích cực cho Tòa án trong công tác giải quyết án, góp phần trực tiếp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Thừa phát lại được tổ chức và thực hiện với lộ trình và những bước đi phù hợp theo quy định, nhằm phục vụ cho sự phát triển kinh tế, ổn định chính trị - xã hội của địa phương. Việc thực hiện Đề án sẽ khắc phục được các hạn chế trong công tác tống đạt các loại văn bản hoạt động tố tụng, thi hành án dân sự và góp phần thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa hoạt động bổ trợ tư pháp đã được đề ra tại Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và các văn bản khác.

Theo Đề án, trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh dự kiến thành lập Văn phòng Thừa phát lại tại 5 địa phương (thành phố Tây Ninh, thị xã Hòa Thành, thị xã Trảng Bàng, huyện Châu Thành và huyện Dương Minh Châu). Mỗi nơi đặt 1 văn phòng.

Giai đoạn 2026 về sau, tiếp tục thành lập Văn phòng Thừa phát lại tại các địa phương còn lại, tối đa không quá 1 văn phòng một địa phương. Riêng thành phố Tây Ninh, thị xã Hòa Thành và thị xã Trảng Bàng, mỗi địa phương thành lập tối đa không quá 2 văn phòng.

Với nội dung này, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc kết luận, cho rằng, Đề án được xây dựng theo quy định pháp luật, điều kiện cần và đủ đã đáp ứng, điều cần quan tâm lúc này là phải có cơ chế quản lý, giám sát nhằm tránh biến tướng. Chủ tịch UBND tỉnh cơ bản thống nhất với nội dung của Đề án, đề nghị Sở Tư pháp tiếp thu ý kiến đóng góp của đại biểu để hoàn thiện và tham mưu UBND tỉnh có quy chế quản lý, giám sát hoạt động của Văn phòng Thừa phát lại tại địa phương.

XV


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây