UBND tỉnh tổ chức hội nghị trực tuyến: Tổng kết tình hình kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng năm 2015

Thứ năm - 31/12/2015 16:00 99 0
Ngày 30/12, UBND tỉnh Tây Ninh tổ chức hội nghị trực tuyến với 9 huyện thành phố về tổng kết tình hình kinh tế xã hội (KTXH), an ninh quốc phòng (ANQP) năm 2015 và triển khai nhiệm vụ, kế hoạch phát triển KTXH, ANQP năm 2016. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân chủ trì hội nghị.

DSC04587_.JPG

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân phát biểu chỉ đạo hội nghị

Năm 2015, tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp đã tác động tiêu cực đến KTXH nước ta nói chung và tỉnh nhà nói riêng. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy; sự chỉ đạo sâu sát, kịp thời của UBND tỉnh; sự đồng thuận của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, KTXH của tỉnh cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đã đề ra.

Nền kinh tế tiếp tục duy trì được nhịp độ tăng trưởng ổn định, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, một số ngành có sự chuyển biến tích cực. Tổng sản phẩm trong tỉnh GRDP (giá so sánh 2010) ước thực hiện 46.844 tỷ đồng, tăng 11,1% so với cùng kỳ (KH 2015: tăng 11% trở lên). Đóng góp vào tốc độ tăng 11,1% bao gồm: công nghiệp – xây dựng 5,7%; dịch vụ 3,8%; nông – lâm – thủy sản 1,6%.

Năm 2015, xây dựng cơ bản khối lượng thực hiện hơn 2.468 tỷ đồng, đạt 104% KH, tăng 20% so cùng kỳ. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt và vượt so với dự toán với tổng thu ngân sách ước thực hiện 5.931 tỷ đồng, vượt 9,8% dự toán. Đây là năm đầu tiên sau nhiều năm, số thu nội địa trên địa bàn tỉnh đạt và vượt dự toán. Chi ngân sách trong phạm vi dự toán được duyệt, thực hiện kiểm soát chi chặt chẽ đảm bảo đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức, chế độ nhà nước quy định.

Bên cạnh đó, tạo điều kiện giải quyết việc làm cho khoảng 20.000 lao động đạt 100% kế hoạch. Tỷ lệ lao động qua đào tạo và dạy nghề đạt 60%. Công tác chăm lo gia đình chính sách, người có công, các đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo được quan tâm và thực hiện tốt... đem lại hiệu quả thiết thực góp phần cải thiện đời sống nhân dân.

Dự kiến cuối năm 2015, giữ vững 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới của năm 2014 và phấn đấu 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới cuối năm 2015, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 16 xã (chiếm 20% tổng số xã).

Bên cạnh những mặt đạt được, vẫn còn một số hạn chế, như: Còn 01 chỉ tiêu kinh tế (giá trị sản xuất các ngành dịch vụ) chưa đạt được kế hoạch đề ra. Chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh nền kinh tế còn thấp. Đổi mới mô hình tăng trưởng chưa định hình rõ nét, tái cơ cấu trong một số ngành, lĩnh vực chậm, chưa đạt mục tiêu.

Công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng cơ bản còn chậm, nhiều dự án được lập chưa đảm bảo quy chuẩn xây dựng hoặc với quy mô quá lớn, gây lãng phí thời gian trong công tác thẩm định, phê duyệt dự án. Công tác giải ngân nguồn vốn ODA chưa đạt yêu cầu do thực hiện các thủ tục pháp lý chậm; việc thực hiện và giải ngân các dự án thuộc các nguồn vốn khác vẫn còn để dồn về cuối năm.

Các lĩnh vực y tế, giáo dục mặc dù có được cải thiện, song chất lượng trong công tác khám chữa bệnh, chất lượng giảng dạy còn đáng quan tâm, cơ sở vật chất trong lĩnh vực này được quan tâm đầu tư nhiều, nhưng hiệu quả sử dụng mang lại chưa như mong muốn. Có 01 chỉ tiêu về văn hóa – xã hội không đạt kế hoạch đề ra (tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế). Xây dựng nông thôn mới còn nhiều khó khăn, nhất là về nguồn lực. Đề án Di dời dân ra khỏi đất lâm nghiệp triển khai chậm, đến nay chỉ đạt gần 60% so với kế hoạch. Tình hình ô nhiễm môi trường còn xảy ra ở nhiều nơi; an ninh, trật tự, an toàn xã hội một số nơi còn diễn biến phức tạp.

Hội nghị cũng đã nghe báo cáo kiểm điểm, công tác chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh năm 2015; Kế hoạch phát triển KTXH năm 2016; triển khai nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước và và dự toán thu chi ngân sách nhà nước năm 2016...

Lãnh đạo 9 huyện, thành phố ở các điểm cầu cũng đã nêu một số kết quả đạt được và những tồn tại vướng mắc, kiến nghị của địa phương. Các sở ban ngành đã giải đáp các thắc mắc, kiến nghị của địa phương và đưa ra định hướng trong năm 2016.

Ở từng lĩnh vực phụ trách, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã yêu cầu các đơn vị khắc phục các khó khăn. Trong đó, ngành nông nghiệp sớm hoàn thành việc di dời dân ra khỏi đất lâm nghiệp; đảm bảo an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp; kiểm tra việc đo chữ đường của các nhà máy...Ở lĩnh vực tài chính, theo dự báo tình hình thu ngân sách sẽ gặp khó khăn, các địa phương cần quan tâm đến thu ngân sách, cách cách thủ tục hành chính, kêu gọi đầu tư. Bên cạnh đó, sớm phân khai vốn trong xây dựng cơ bản, tăng cường công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trước trong và sau tết...

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân cho biết: Năm 2015, Tây Ninh đã đạt được một số kết quả khá quan trọng, có những chuyển biến tích cực trên hầu hết các lĩnh vực. Những thành tựu năm 2015 sẽ là tiền đề để năm 2016 làm tốt hơn. Năm 2016, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, theo nhận định chung tình hình kinh tế có thể khó hơn, đó cũng là năm đầu tiên của nhiệm kỳ nên ngay từ những ngày đầu năm cần chỉ đạo tập trung, quyết liệt và phát huy những kinh nghiệm tốt, cách làm hay, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, đề cao trách nhiệm người đứng đầu; phát huy quyền làm chủ của nhân dân trên tất cả các lĩnh vực, để chúng ta tạo ra một sự đồng thuận xã hội cao, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng nêu rõ 10 nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện trong năm 2016. Trước hết, cần tổ chức thực hiện tốt kế hoạch của UBND tỉnh về phục vụ Tết Nguyên đán Bình Thân 2016.

Huy Liệu

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây