UBND tỉnh tiếp xúc, đối thoại với nông dân trên địa bàn năm 2018

Thứ sáu - 30/11/2018 12:00 63 0
Sáng ngày 30-11, tại hội trường UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân chủ trì hội nghị tiếp xúc, đối thoại với nông dân trên địa bàn năm 2018.

hoinghi_nongdan.jpg

Quang cảnh hội nghị

Cùng tham dự có ông Trần Văn Chiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, ông Nguyễn Văn Hợp, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch UB.MTTQVN tỉnh, ông Võ Đức Trong, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lãnh đạo các sở, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố và đại diện đông đảo bà con nông dân trên địa bàn.

PCT.jpg

Ông Trần Văn Chiến, PCT UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị

Tại hội nghị, các đại biểu được nghe báo cáo tình hình phát triển kinh tế -xã hội tỉnh năm 2018 cùng với những định hướng phát triển nông nghiệp Tây Ninh trong thời gian tới. Ông Võ Đức Trong, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời những thắc mắc, những câu hỏi mà trước đó bà con đã gửi tới, trọng tâm là giải đáp những băn khoăn, trăn trở của bà con nông dân về các vấn đề nên sản xuất cây, con gì, sản xuất như thế nào và bán ở đâu; tìm hiểu các chính sách hỗ trợ nông dân Tây Ninh hiện nay và tỉnh làm gì để giúp nông dân trong vấn đề này.

hoinghi_nongdan1.jpg

Một nông dân ở huyện Tân Biên phát biểu ý kiến

Những nông dân tham dự hội nghị rất phấn khởi khi lãnh đạo tỉnh đang quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp, đời sống của nông dân và phát triển vùng nông thôn, mạnh dạn bày tỏ những tâm tư, nguyện vọng cũng như những khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất nông nghiệp của mình. Qua 12 ý kiến cho thấy, đa số nông dân đã ý thức được rằng, trong quá trình phát triển hiện nay, sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị là con đường duy nhất để nông dân thực hiện cho khu vườn, mảnh ruộng nhà mình nếu không muốn lặp lại điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa” trong thời gian qua và hiện nay. Những khó khăn trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tiếp cận các nguồn vốn, liên kết sản xuất, đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp, cả việc thực hiện du lịch kết hợp nông nghiệp cũng được các nông dân đặt ra; đồng thời đề nghị chính quyền, các ngành chức năng giải quyết những khó khăn, luôn đồng hành cùng nông dân trong phát triển nông nghiệp, nhất là hướng dẫn nông dân lựa chọn cây trồng phù hợp với đất đai của từng địa phương và hỗ trợ nông dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng được thuận lợi hơn kịp thời đầu tư vào mùa vụ.  

bc.jpg

Đại diện HTX Hiệp Thạnh, huyện Gò Dầu nêu ý kiến

Các ý kiến, đề xuất của bà con nông dân đã được lãnh đạo các sở, ngành liên quan tiếp thu, trả lời khá rõ ràng. Lãnh đạo Liên minh hợp tác xã tỉnh cho rằng cần phải có quy hoạch của ngành chức năng mới có được vùng nguyên liệu ổn định; lý giải do ban đầu, nông dân chưa hiểu quy trình thủ tục nên việc tiếp cận nguồn vốn vay chậm, hiện nay thì chỉ khoảng 1 tuần là các thủ tục hoàn thành. Ngoài ra, lãnh đạo Liên minh Hợp tác xã tỉnh cũng khẳng định việc nông dân sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, không liên kết như hiện nay chắc chắn sẽ đứng “ngoài cuộc chơi” khi không chứng minh được số lượng, chất lượng để xuất khẩu, không đáp ứng được yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường.

trong.jpg

Ông Võ Đức Trong, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNN trả lới ý kiến của nông dân

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến nhận định, thời gian qua, tỉnh đã chi ngân sách rất lớn đầu tư cho nông nghiệp để lo cho nông dân như xây dựng công trình thủy lợi, giao thông nông thôn,… Nhưng để phát triển, quan trọng nhất trong tổ chức sản xuất là bà con phải liên kết với nhau, phải sản xuất theo chuỗi với các hình thức hợp tác xã, tổ hợp tác hoặc nông trại. Có như vậy mới đầy đủ yếu tố về truy xuất nguồn gốc, kỹ thuật canh tác. Thời gian tới, các ngành, các cấp cần phải làm tốt hơn công tác truyền thông nhằm thay đổi nhận thức của nông dân trong tổ chức sản xuất bằng cách liên kết để tạo ra nguồn sản phẩm ổn định, cung cấp cho nhà máy, nơi tiêu thụ.

Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân nhấn mạnh, thời gian qua, Tây Ninh đã đạt được những thành tựu rất đáng trân trọng nhưng vẫn còn những khó khăn, hạn chế cần được khắc phục để trong thời gian tới phát triển tốt hơn. Chủ tịch UBND nêu ra những hạn chế, như phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn thiếu tính ổn định; cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn có nhiều tiến bộ song chưa đạt theo yêu cầu, mong muốn đề ra; thu nhập đa số nông dân còn khó khăn; đời sống văn hóa, tinh thần, xã hội còn hạn chế; cố gắng ứng phó với biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường nông thôn cùng một số giải pháp để khắc phục.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ đạo một số nội dung như: UBND tỉnh, các cấp, các ngành lo thực hiện việc quy hoạch sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, tiến tới nông nghiệp hữu cơ; trong thời gian tới, tổ chức hội nghị chuyên đề về cây mía để tìm giải pháp giải quyết khó khăn cho nông dân; sửa đổi những chính sách chưa hợp lý, nghiên cứu xây dựng chính sách mới hỗ trợ cho nông dân; tổ chức hội nghị bàn về vấn đề liên kết các nhà trong phát triển chuỗi giá trị. Riêng việc hỗ trợ cho nông dân thiệt hại do cơn bão số 9 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định là có chế độ hỗ trợ và việc này cần phải làm nhanh, làm đúng, khách quan và phải có rút kinh nghiệm để thời gian tới không ảnh hưởng đến việc sản xuất của bà con nữa.

XV

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây