Quang cảnh buổi làm việc.
Tiếp, làm việc với đoàn có Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thu Thủy, Trưởng đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tây Ninh Lê Minh Trọng và lãnh đạo các sở, ngành tỉnh.
Theo báo cáo của tỉnh, giai đoạn trước năm 2014 Tây Ninh đã giao trên 34.000 ha đất cho các nông, lâm trường quản lý, sử dụng.
Với số đất được giao, các nông, lâm trường tự tổ chức sản xuất 19.220 ha; giao khoán cho các hộ công nhân viên, hộ nông dân, cá nhân 2.758 ha; liên doanh, liên kết với các đơn vị khác góp vốn sản xuất 1.685 ha; cho các hộ nông dân thuê 467 ha; cho mượn 1.154 ha; sử dụng vào việc khác (làm đường giao thông, đất ở, đất chưa sử dụng...) 1.565 ha.
Về đất lâm nghiệp, tỉnh giao cho các lâm trường quốc doanh (các ban quản lý rừng) 65.461 ha. Trong đó đất rừng phòng hộ 33.312 ha, đất rừng đặc dụng 32.149 ha.
Theo đánh giá của tỉnh, sau khi được giao đất sản xuất, các nông trường quốc doanh đã đưa vào sản xuất khá hiệu quả (chủ yếu là trồng cao su và mía), lãi năm sau cao hơn năm trước và nộp ngân sách nhà nước đầy đủ; kết cấu hạ tầng phục vụ cho sản xuất kinh doanh và sinh hoạt cộng đồng (điện, đường, trường học, trạm y tế...) tại các nông, lâm trường tương đối hoàn chỉnh.
Công tác khoanh nuôi, bảo vệ rừng dần đi vào ổn định, tình trạng phá rừng làm rẫy, lấy cắp lâm sản đã giảm đáng kể, nạn cưa gỗ hầm than được chấm dứt.
Tuy nhiên, việc tỉnh giao đất cho các nông, lâm trường quốc doanh trước đây chủ yếu theo quy hoạch trên bản đồ, chưa được đo đạt làm rõ ranh giới trên thực địa, nên công tác quản lý đất đai của các nông, lâm trường cũng gặp không ít khó khăn; đồng thời một số nông, lâm trường do buông lỏng việc quản lý dẫn đến tình trạng bao chiếm đất sản xuất trái phép, tranh chấp kép dài, làm cho tình hình quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh ngày càng phức tạp.
Theo thống kê của tỉnh, vào thời điểm trước năm 2004, tổng diện tích đất công bị người dân bao chiếm trên 9.000 ha, trong đó tại các nông trường quốc doanh bị bao chiếm 5.434 ha, lâm trường bị bao chiếm trên 4.000 ha để sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp.
Cuối năm 2004, thực hiện theo Nghị quyết số 28/-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị định 170/2004/NĐ-CP của Chính phủ và các thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành trung ương về sắp xếp, đổi mới và phát triển các nông, lâm trường quốc doanh, tỉnh Tây Ninh đã rà soát, sắp xếp, thành lập mới 5 Công ty trực thuộc tỉnh, bao gồm: Công ty TNHH mía đường Tây Ninh, Công ty TNHH MTV cao su 1/5, Công ty cao su 30/4 Tây Ninh, Công ty TNHH MTV 22-12 Tây Ninh và Công ty TNHH MTV thanh niên xung phong Tây Ninh, trên cơ sở sáp nhập các nông trường, công ty nông nghiệp cũ.
Ngoài ra, Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam cũng quyết định chuyển đổi 2 công ty cao su hoạt động trên địa bàn tỉnh thành Công ty TNHH MTV Cao su Tây Ninh và Công ty TNHH MTV Cao su Tân Biên trên cơ sở sắp xếp lại 2 công ty cao su cũ.
Qua công tác đổi mới sắp xếp, tỉnh đã chuyển giao 27.340 ha đất cho các công ty trên quản lý bằng hình thức cho thuê đất, số còn lại giao cho các huyện quản lý cấp cho hộ nghèo và thực hiện các dự án.
Về các lâm trường quốc doanh, tỉnh Tây Ninh cũng tổ chức sáp nhập và thành lập mới 4 Ban quản lý (BQL) dự án: BQL Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát, BQL khu rừng văn hóa lịch sử Chàng Riệc, BQL khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng và BQL khu rừng văn hóa lịch sử Núi Bà, nhằm nâng cao hiệu quả việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh.
Cũng qua công tác này, tỉnh Tây Ninh đã giải quyết triệt để tình trạng bao chiếm đất lâm nghiệp, sử dụng sai mục đích, thu hồi lại được gần 4.000 ha đất lâm nghiệp, giao về cho các dự án trồng lại rừng.
Kết luận tại buổi làm việc, ông Nguyễn Lâm Thành, Trưởng đoàn giám sát đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của các cấp chính quyền của địa phương và các công ty kinh doanh trên địa bàn trong việc thực thi chính sách pháp luật về quản lý đất đai, góp phần nâng cao hiệu quả trong phát triển sản xuất, cải thiện đời sống người lao động; đồng thời Tỉnh ủy, UBND tỉnh Tây Ninh đã chỉ đạo và thực hiện rất kịp thời trong việc đổi mới sắp xếp các nông, lâm trường, giải quyết tình trạng bao chiếm đất lâm nghiệp đạt hiệu quả.
Tuy nhiên, hiện tỉnh đang còn tồn tại nhiều trường hợp đất của các công ty nông nghiệp bị bao, lấn chiếm với diện tích còn rất lớn, Trưởng đoàn giám sát của Quốc hội đề nghị trong thời gian tới Tây Ninh cần tiếp tục rà soát lại công tác quản lý đất đai tại các doanh nghiệp, nhất là tại Công ty Cao su 30/4 và Công ty Cao su Tân Biên.
Trong đó, cần xác định lại những việc trọng điểm phải giải quyết, vùng đất nào người dân ổn định sản xuất cần cấp cho dân tiếp tục sản xuất, phần nào vi phạm cần xử lý thu hồi triệt để, nhằm tăng cường hiệu quả của chính sách quản lý về đất đai, bảo đảm lợi của người dân, lợi ích của nhà nước và lợi ích của doanh nghiệp đúng theo tinh thần chỉ đạo của Đảng, nhà nước và Quốc hội.
Theo BTNO