*Trả lời:
3.1 Về chuyển đổi số
Ngày 26/01/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết 02-NQ/TU Về Chuyển đổi số tỉnh Tây Ninh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 với mục tiêu: Đến năm 2030, phấn đấu vào nhóm các tỉnh, thành thực hiện chuyển đổi số khá. Phát triển bền vững trên cơ sở nghiên cứu và ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, phong trào đổi mới sáng tạo và tăng năng suất lao động, tạo môi trường khởi nghiệp sáng tạo, chủ động tiếp cận và tận dụng các cơ hội của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển kinh tế số, xã hội số. Khuyến khích, hỗ trợ để hình thành các doanh nghiệp số có khả năng cạnh tranh trong khu vực. Thực hiện tăng trưởng xanh.
Trên cơ sở đó, các ngành, các cấp đã triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm thực hiện hoàn thành các mục tiêu đề ra. Đến nay, có thể nhận định rằng, với sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, sát sao của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, sự vào cuộc tích cực của các sở, ngành, đoàn thể, địa phương, công tác chuyển đổi số của tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực; việc triển khai các kế hoạch, đề án về chuyển đổi số được thực hiện kịp thời, hiệu quả; các hoạt động tuyên truyền, tập huấn, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số được tăng cường; bước đầu đã tạo sự lan tỏa và tác động tích cực đến đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động và toàn xã hội.
Các hoạt động ứng dụng CNTT, công nghệ số trong hoạt động của các cơ quan đảng, hoạt động quản lý nhà nước góp phần thay đổi diện mạo nền hành chính, phương thức, tác phong làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức. Việc khai thác, sử dụng các nền tảng số như quản lý, gửi nhận văn bản điện tử; tổ chức hội nghị trực tuyến thông suốt từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã; Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, điều hành của cơ quan Nhà nước. Cổng thông tin giải quyết TTHC được triển khai ứng dụng từ cấp tỉnh đến cấp xã, từng bước hoạt động có hiệu quả, cung cấp dịch vụ công trực tuyến và góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Kinh tế số ngày càng có những đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh . Công nghệ số được ứng dụng ngày càng nhiều trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp, y tế, giáo dục và dịch vụ. Nhiều hình thức kinh doanh, dịch vụ mới dựa trên nền tảng công nghệ số và Internet ngày càng mở rộng và phát huy hiệu quả, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống của người dân, tạo nguồn thu cho địa phương. Ứng dụng số ngày càng phổ biến, lan tỏa sâu rộng trong đời sống xã hội, các hoạt động giải trí, làm việc, học tập của người dân.
Ngoài ra, thời gian qua, tỉnh Tây Ninh cũng đã ban hành các Văn bản như: Kế hoạch số 2383/KH-UBND ngày 28/7/2022 của UBND tỉnh về Phát triển doanh nghiệp công nghệ số tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030; Quyết định số 291/QĐ-UBND ngày 07/02/2022 Phê duyệt Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Đồng thời, hàng năm (từ năm 2022 đến 2024) tỉnh đã tổ chức nhiều khóa tập huấn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp về chuyển đổi số; tư vấn về chiến lược, kế hoạch chuyển đổi số cho doanh nghiệp; tiếp cận và triển khai sử dụng các nền tảng số (Quyết định số 1155/QĐ-UBND ngày 24/5/2022 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030).
Định hướng trong thời gian tới: Trên cơ sở quan điểm, định hướng của Trung ương về chuyển đổi số trong thời gian tới và căn cứ tình hình thực tiễn của địa phương, tỉnh đề ra định hướng, mục tiêu về Chuyển đổi số giai đoạn 2026-2030 là: “Chuyển đổi số tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2026-2030 với quan điểm Thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số nhằm tạo ra không gian và tạo động lực mới cho phát triển. Xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm của quá trình chuyển đổi số. Phát triển hạ tầng số, nền tảng số và bảo đảm an toàn thông tin là nền tảng cho chuyển đổi số. Cơ bản hoàn thành việc xây dựng Chính quyền số, đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh trực tuyến, dựa trên dữ liệu. Từng bước thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số. Đưa Tây Ninh vào nhóm khá về chuyển đổi số”.
Để thực hiện thành công định hướng, mục tiêu trên, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Phát triển và nâng cấp Hạ tầng số:
- Nâng cấp hạ tầng viễn thông và internet tốc độ cao, đảm bảo phủ sóng di động tốc độ cao (4G) ở 100% xóm, ấp, khu phố, khu dân cư được nhà nước quy hoạch. Triển khai tại sóng dịch vụ 5G tại 100% các khu công nghệ cao, khu CNTT tập trung, trung tâm nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo, khu công nghiệp. Hạ tầng mạng di động đáp ứng chất lượng theo quy định của Bộ TTTT .
- Thiết lập các điểm Wi-Fi công cộng miễn phí tại các khu vực trung tâm, du lịch, trường học, bệnh viện và cơ quan nhà nước,… tạo điều kiện để người dân sử dụng các dịch vụ số, dịch vụ trực tuyến.
- Nâng cấp trung tâm dữ liệu địa phương nhằm đảm bảo an toàn dữ liệu và tối ưu hóa các dịch vụ số của tỉnh.
- Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng các hạ tầng số nói chung, hạ tầng trung tâm dữ liệu, nhất là trung tâm dữ liệu phục vụ triển khai AI trên địa bàn tỉnh.
Hỗ trợ và thúc đẩy doanh nghiệp Chuyển đổi số:
- Cung cấp gói hỗ trợ tài chính, giảm thuế hoặc trợ cấp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) áp dụng các giải pháp số trong quản lý và vận hành.
- Thành lập quỹ hỗ trợ khởi nghiệp số nhằm khuyến khích các ý tưởng đổi mới sáng tạo, đặc biệt trong các lĩnh vực như thương mại điện tử, công nghệ nông nghiệp (AgriTech) và du lịch số.
- Tổ chức hội thảo, hội chợ và diễn đàn về chuyển đổi số để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kết nối, chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi từ các chuyên gia.
Phát triển thương mại điện tử và kinh tế số Nông thôn:
- Khuyến khích nông dân và hợp tác xã sử dụng nền tảng thương mại điện tử để tiếp cận thị trường và bán sản phẩm trực tuyến.
- Tổ chức các khóa tập huấn về tiếp thị số, quản lý cửa hàng trực tuyến và sử dụng các nền tảng thương mại điện tử cho các hộ kinh doanh và doanh nghiệp địa phương.
- Củng cố và nâng cấp sàn thương mại điện tử của tỉnh giúp kết nối người tiêu dùng với các sản phẩm đặc sản của tỉnh.
Huy động nguồn lực và tạo môi trường khởi nghiệp:
- Tạo môi trường pháp lý thuận lợi và các chính sách ưu đãi thuế để thu hút các doanh nghiệp công nghệ và nhà đầu tư vào tỉnh.
- Thiết lập khu công nghệ cao khi đủ điều kiện và trung tâm khởi nghiệp nhằm thu hút các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, nhất là công nghệ số.
- Hợp tác với các quỹ đầu tư mạo hiểm để cung cấp vốn cho các dự án khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ số và chuyển đổi số.
- Huy động sự tham gia của các Trường đại học, Học viện, Viện nghiên cứu, hợp tác với các Tập đoàn lớn về chuyển đổi số.
Đây cũng là những lĩnh vực tiềm năng thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đến đầu tư hoặc cung cấp dịch vụ cho Tây Ninh trong thời gian tới.
3.2 Về chuyển đổi xanh
Chuyển đổi xanh là chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa vào khai thác tài nguyên sang mô hình sử dụng tài nguyên hiệu quả, giảm phát thải, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường (tiết kiệm đất, tiết kiệm nước, tiết kiệm năng lượng và thu hút đầu tư theo chuỗi kinh tế tuần hoàn). Để thực hiện mục tiêu này, trong định hướng cho giai đoạn 2026 - 2030 tỉnh đã đề ra một số nhiệm vụ để thực hiện chuyển đổi xanh trong thời gian tới:
Phát triển nông nghiệp bền vững: Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng mang lại năng suất, giá trị kinh tế cao. Đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới công nghệ trong sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa. Nghiên cứu các sản phẩm có tiềm năng như chăn nuôi, khoai mì, mía để giảm giá thành và tạo thêm giá trị kinh tế cho chuỗi ngành hàng. Phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp, khép kín là tiền đề cho việc hình thành hệ sinh thái kinh doanh từ nguyên liệu và sản xuất thức ăn gia súc đến phát triển công nghiệp thực phẩm, phân bón và biogas.
Phát triển năng lượng tái tạo, cung cấp năng lượng sạch cho các ngành sản xuất, dịch vụ, thực hiện mục tiêu phát triển xanh bền vững.
Giảm khí thải và tạo nguồn thu từ quỹ carbon: Định hướng đến năm 2028 Việt Nam sẽ tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức, là cơ hội để Tây Ninh bán quỹ carbon cho các tỉnh lân cận, các đô thị lớn, hướng tới 2030 có thể xuất khẩu quỹ carbon. Nghiên cứu khi cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách cụ thể sẽ tham mưu đề xuất nhiệm vụ cụ thể.
Giáo dục và nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp về thay đổi hành vi, lối sống xanh.
Thực hiện các biện pháp bảo vệ tài nguyên nước, đất và rừng. Khuyến khích tái chế và quản lý chất thải hiệu quả.
Phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái, bảo tồn và phát huy giá trị của các khu vực tự nhiên; góp phần phủ xanh các vùng đệm nằm giữa các KCN và đô thị, tạo ra một môi trường sống lý tưởng.
3.3 Về đổi mới sáng tạo
Để tạo cơ sở pháp lý cho việc hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh; tạo tiền đề cho việc ban hành các cơ chế, chính sách; tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, nâng cao nhận thức của cộng đồng về đổi mới sáng tạo; tạo dựng và kết nối các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2020 đến nay, Sở Khoa học và Công nghệ đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 16/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 quy định nội dung và mức chi hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đến năm 2025.
Theo đó, chính sách quy định hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới, hoàn thiện phát triển sản phẩm thông qua thực hiện nhiệm vụ khoa học; hỗ trợ các ý tưởng, dự án tham gia Cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cấp tỉnh thông qua các khoá đào tạo, tập huấn,… kết nối đầu tư và phát triển thị trường sản phẩm.
Bên cạnh đó, Sở Khoa học và Công nghệ tích cực thông báo triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo (theo Quyết định số 291/QĐ-UBND ngày 07/02/2022 của UBND tỉnh phê duyệt Đề án “Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh”) đến cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện Kế hoạch 2721/KH-UBND ngày 03/11/2020 của UBND tỉnh về hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2020-2025. Theo Kế hoạch các đơn vị sẽ tổ chức các cuộc thi về khởi nghiệp, sáng tạo theo lĩnh vực phụ trách như: Sở KH&CN tổ chức cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Tây Ninh”; Tỉnh đoàn tổ chức cuộc thi “Khởi nghiệp xuất sắc Tây Ninh”; Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp”;…
Các hoạt động nêu trên bước đầu đã tạo sự chuyển biến về hoạt động đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp; từng bước hình thành, phát triển ý tưởng, dự án khởi nghiệp trong cộng đồng nói chung và thanh niên, học sinh, sinh viên tại địa phương nói riêng.
Ý kiến bạn đọc