Đề nghị ngành chức năng kiểm tra và có biện pháp xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm việc quảng bá sản phẩm trên các trang mạng xã hội

Thứ năm - 03/04/2025 14:12 54 0

Trả lời:

Trong thời gian qua, hoạt động thương mại trên mạng xã hội (như Facebook, Zalo, TikTok…) phát triển mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực thương mại. Tuy nhiên, đi cùng với đó là các hành vi vi phạm pháp luật như bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, hàng kém chất lượng, quảng cáo sai sự thật… ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi người tiêu dùng và uy tín của môi trường kinh doanh trực tuyến với nhiều hình thức thủ đoạn tinh vi, gây rất nhiều khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước.

Trước thực trạng trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo Cục Quản lý thị trường trực tỉnh (nay là Chi cục Quản lý thị trường thuộc Sở Công Thương) và các cơ quan chức năng phối hợp tiến hành rà soát, kiểm tra các tổ chức, cá nhân có hành vi kinh doanh qua mạng xã hội vi phạm pháp luật, đặc biệt các hành vi buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Kết quả xử lý vi phạm lĩnh vực thương mại điện tử năm 2024: Số vụ kiểm tra: 24 vụ; Số vụ vi phạm: 15 vụ (Hành vi vi phạm chủ yếu: Không thông báo website thương mại điện tử bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định trước khi bán hàng;  Kinh doanh hàng hoá nhập lậu; Buôn bán hàng hoá giả mạo nhãn hiệu; Sản xuất mỹ phẩm khi chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm); Số vụ xử lý: 15 vụ; Số tiền nộp ngân sách: 417.765.000 đồng; Trị giá hàng hóa buộc tiêu hủy: 315.174.000 đồng (Gồm: 40 đơn vị quần áo và 1451 đơn vị sản phẩm mỹ phẩm các loại).

UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngành chức năng (Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Công Thương, Công an tỉnh,…) tăng cường phối hợp kiểm soát hoạt động quảng bá trực tuyến, rà soát, kiến nghị xử lý các tài khoản mạng xã hội quảng bá sai lệch, có dấu hiệu lừa đảo người tiêu dùng để xử lý vi phạm. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân trong việc lựa chọn sản phẩm, dịch vụ trên mạng; đồng thời giao cơ quan chuyên môn hỗ trợ, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại điện tử tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật, như đăng ký website/ứng dụng thương mại điện tử với Bộ Công Thương đảm bảo đúng quy định pháp luật.

Năm 2024, ngành công thương đã tổ chức triển khai thực hiện Nghị định số 55/2024/NĐ-CP ngày 06/5/2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đồng thời, ngành công thương đã tổ chức lớp tập huấn phổ biến tuyên truyền kiến thức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vào tháng 11/2024, qua đó tuyên tuyền phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức, doanh nghiệp năm rõ những vấn đề pháp luật liên quan để nâng cao nhận thức tiêu dùng của người dân và doanh nghiệp trong việc lựa chọn sản phẩm tiêu dùng, cũng như cung ứng sản phẩm hàng hóa đảm bảo chất lượng, an toàn trên môi trường mạng.

UBND tỉnh ban hành Quyết định số 67/2024/QĐ-UBND ngày 21 tháng 11 năm 2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ban hành Quy chế phối hợp quản lý nhà nước trong công tác về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và tiếp nhận, giải quyết phản ánh, yêu cầu, khiếu nại của người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, đây là cơ sở pháp lý để các ngành chức năng tỉnh phối hợp xử lý các vấn đề kiến nghị phản ánh của người dân.

Tháng 02/2025, Tỉnh Tây Ninh cũng đã ban hành văn bản góp ý dự thảo Luật Thương mại điện tử, theo đó kiến nghị Bộ Công Thương xem xét bổ sung chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực thương mại điện tử nhằm nâng cao tính răn đe và hiệu quả quản lý của cơ quan quản lý nhà nước. Đây sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng giúp bảo vệ người dân, doanh nghiệp trong thời gian tới.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây