Kiến nghị ngành chức năng có những giải pháp để hỗ trợ cho người dân khi đến các cơ quan hành chính khi xử lý các thủ tục hành chính

Thứ ba - 25/02/2025 15:24 13 0

*Trả lời:

        Việc thực hiện cải cách các thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số là một chủ trương đúng đắn của Nhà nước nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển xã hội và lòng dân mong đợi, đã được lãnh đạo tỉnh quan tâm chỉ đạo trong thời gian qua. Trong đó, cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) là nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi, trong phát triển Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số, lấy người dân là trung tâm, là đối tượng phục vụ. Thời gian qua, nhiều văn bản về chỉ đạo điều hành, quy phạm pháp luật để phát triển dịch vụ công trực tuyến đã được ban hành. Sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, sự nỗ lực của các Sở, ngành, địa phương, việc triển khai dịch vụ công trực tuyến đã đạt được các kết quả bước đầu.

        Tuy vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như: Hệ thống ở một số nơi, mộ số thời điểm chưa được thông suốt, người dân còn chưa đăng ký tài khoản giao dịch điện tử, chưa có điện thoại thông minh, khó khăn nhất là đối với người dân lớn tuổi vùng sâu, vùng xa không tiếp cận được.

        UBND tỉnh đã chỉ đạo các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh quyết liệt thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

        - Nâng cao nhận thức của CBCCVC, nhất là người đứng đầu: Các Sở, ngành, địa phương, nhất là người đứng đầu phải chủ động, tích cực vào cuộc, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tính gương mẫu trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện đúng tiến độ, chất lượng các nhiệm vụ được giao; kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập; Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức sử dụng dịch vụ công trực tuyến để làm gương, hướng dẫn cho người thân sử dụng khi có nhu cầu. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 276/QĐ-UBND ngày 02/02/2024 về việc công bố danh sách công chức của các cơ quan, đơn vị, địa phương trực tiếp hướng dẫn cá nhân, tổ chức thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh. Các cơ quan có tiếp nhận nhiều hồ sơ có thể công bố số chuyên biệt để giúp đỡ người già, cao tuổi, yếu thế thực hiện được các TTHC hoặc đến tận nhà để giúp người dân làm TTHC.

        - Tập trung nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến: Sở Thông tin và Truyền thông rà soát, đánh giá và xây dựng kế hoạch nâng cấp hệ thống thông tin giải quyết TTHC, bảo đảm đáp ứng yêu cầu về mức độ, thuận lợi, đơn giản, thân thiện với môi trường, người dùng, xanh hóa các dịch vụ công theo; Các Sở, ngành thực hiện rà soát, tái cấu trúc quy trình, thành phần hồ sơ trong thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền. Việc tái cấu trúc quy trình, thiết kế, cung cấp các DVCTT trên cơ sở cắt giảm, đơn giản hóa tối đa thủ tục hành chính, tái sử dụng dữ liệu, liên thông điện tử, bảo đảm người dân chỉ cung cấp thông tin, giấy tờ một lần cho cơ quan nhà nước.

        - Đẩy mạnh số hoá hồ sơ giải quyết TTHC: Các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính; tăng cường kết nối, chia sẻ, tái sử dụng dữ liệu với các Bộ, ngành. Kết nối, chia sẻ và khai thác dữ liệu để hướng tới cắt giảm thành phần hồ sơ, bảo đảm nguyên tắc tổ chức, cá nhân chỉ cung cấp thông tin một lần cho cơ quan nhà nước khi thực hiện DVCTT.

        - Phát triển hạ tầng số: Nâng cấp, bổ sung bảo đảm hạ tầng kỹ thuật CNTT đồng bộ, hiện đại cho các cán bộ, công chức, viên chức tham gia quản trị, vận hành duy trì và khai thác sử dụng các hệ thống thông tin, đáp ứng yêu cầu phục vụ chuyển đổi số của tỉnh thông suốt, hiệu quả. Phủ sóng viễn thông cho các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.

        - Đảm bảo an toàn thông tin mạng: Các Sở, ngành, địa phương tiến hành tổng rà soát, đánh giá tình hình bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng, phê duyệt cấp độ đối với các hệ thống thông tin thuộc phạm vi quản lý.

        - Công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng DVCTT: Đổi mới, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phát huy vai trò Tổ công nghệ số cộng đồng, Đoàn viên thanh niên trong hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện DVCTT cho người dân, doanh nghiệp theo hướng dễ hiểu, dễ sử dụng, ngắn gọn. Sở Thông tin và Truyền thông nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào việc hướng dẫn sử dụng DVCTT.

        - Triển khai các ứng dụng số cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên thiết bị di động:  Rà soát, nâng cấp ứng dụng Tây Ninh Smart trên Zalo nhằm đơn giản hoá việc nộp thủ tục hành chính trực tuyến. Việc sử dụng Phiên bản mini app Tây Ninh Smart thì để bắt đầu sử dụng mini app, người dân không cần phải tải về cài đặt, đăng ký tài khoản ứng dụng như thông thường. Thay vào đó, người dùng chỉ cần quét mã QR hoặc tìm kiếm tên ứng dụng trên Zalo là có thể bắt đầu sử dụng các tiện ích được cung cấp. Với việc triển khai mini app, đã giúp đơn giản hoá các bước tiếp cận và sử dụng ứng dụng cho người dân, đảm bảo người dân ở mọi lứa tuổi, mọi ngành nghề đều có thể sử dụng được dễ dàng.

        - Thực hiện chính sách hỗ trợ trang bị điện thoại thông minh cho hộ nghèo và hộ cận nghèo chưa có điện thoại thông minh: Triển khai chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa có điện thoại thông minh thuộc Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2025 của Bộ TTTT, tạo điều kiện để phát triển chỉ số công dân số, xã hội số. Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với các địa phương thực hiện rà soát 1.932 hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh; trong đó có 1.308 hộ chưa có điện thoại thông minh gửi về Bộ TTTT để thực hiện chính sách hỗ trợ trong thời gian tới.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây