Trả lời:
Cây lúa vụ Hè Thu 2023 vừa qua có hiện tượng bị vàng úa lá, ảnh hưởng đến năng suất cuối vụ chủ yếu là do đối tượng bọ phấn trắng gây ra, đồng thời có sự kết hợp gây hại của nhóm bệnh do vi khuẩn (cháy bìa lá, vàng lá) hoặc bệnh đạo ôn lá làm gia tăng mức độ hại. Nguyên nhân: điều kiện thời tiết nóng, ẩm thuận lợi cho bọ phấn trắng phát sinh mạnh, vết chích hút thuận lợi cho vi khuẩn, nấm bệnh xâm nhập; đồng thời cùng thời điểm có mưa gió lớn làm lá lúa bị tổn thương thuận lợi vi khuẩn gây bệnh cháy bìa lá, vàng lá tấn công làm gia tăng mức độ hại. Qua khảo sát, các diện tích nhiễm nặng chủ yếu trên diện tích lúa sạ muộn, sạ dày, bón thừa phân đạm, phát hiện muộn khi mật số bọ phấn trắng cao (đã di chuyển từ trà lúa trổ sang), một số trường hợp do phòng trừ không đúng thuốc, không phòng trừ đồng loạt trên cùng một cánh đồng, có sự kết hợp gây hại của bọ phấn trắng và nhóm bệnh hại do vi khuẩn (cháy bìa lá, vàng lá) hoặc bệnh đạo ôn lá.
Trong vụ Hè Thu 2023, diện tích lúa trên địa bàn tỉnh 50.077 ha, đã ghi nhận: bọ phấn trắng gây hại 26.023 ha (nhiễm nhẹ: 22.656 ha, trung bình: 3.067 ha và nặng: 300 ha); bệnh cháy bìa lá gây hại 14.441 ha (nhiễm nhẹ: 13.733 ha, trung bình: 708 ha); bệnh đạo ôn lá gây hại 5.977 ha (nhiễm nhẹ: 5.766 ha, trung bình: 211 ha). Riêng xã Long Chữ: diện tích lúa 1.327 ha, trong đó: bọ phấn trắng nhiễm trung bình 1.327 ha, bệnh cháy bìa lá nhiễm nhẹ 125 ha.
Bọ phấn trắng, bệnh cháy bìa lá, bệnh đạo ôn lá là dịch hại phổ biến xuất hiện trên ruộng lúa, nông dân có thể nhận diện, phát hiện khi thăm đồng thường xuyên và phòng trừ hiệu quả bằng thuốc hoá học. Do đó, những dịch hại này là đối tượng gây hại cần quan tâm phòng trừ nhưng chưa là đối tượng gây hại nguy hiểm để công bố dịch. Theo Điều 4, Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh là: đối tượng gây hại cây trồng phải được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố dịch trên phạm vi cả nước hoặc UBND tỉnh công bố dịch trên địa bàn quản lý. Từ trước đến nay, bọ phấn trắng, bệnh cháy bìa lá, bệnh đạo ôn lá gây hại trên lúa chưa từng được công bố dịch trên phạm vi cả nước hay trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Do vậy, không thể thực hiện hỗ trợ tái sản xuất đối với các diện tích lúa bị ảnh hưởng do nhiễm các dịch hại này.
Các biện pháp quản lý sâu bệnh hại trên lúa đã được Ngành triển khai thực hiện trong vụ Hè Thu 2023:
- Tổ chức lớp tập huấn nông dân: tính đến ngày 31/8/2023 (cuối vụ Hè Thu), đã tổ chức 43 lớp tập huấn dịch hại đối với cây lúa trên địa bàn tỉnh, trong đó có 08 lớp tại huyện Bến Cầu (xã Long Chữ 01 lớp).
- Cán bộ kỹ thuật tăng cường phối hợp nông dân thăm đồng và hướng dẫn phòng trừ tại đồng ruộng.
- Thông báo, cảnh báo về tình hình phát sinh của các đối tượng gây hại phổ biến trên lúa qua các bản tin được phát sóng trên Đài Phát thanh huyện/thị xã, cụm truyền thanh xã/ấp, nhóm cộng tác viên và Hội Nông dân tại địa phương và tin bài được đăng trên cổng thông tin điện tử của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Phối hợp Báo Tây Ninh, Đài Phát thanh và Truyền hình Tây Ninh thực hiện 04 chuyên mục về quản lý đối tượng gây hại trên cây lúa và 01 phóng sự ngắn. Trong đó:
+ Giai đoạn đầu vụ Hè Thu 2023, thực hiện 02 chuyên mục gồm: “Đảm bảo vụ Hè Thu thắng lợi” và “Tăng cường phòng trừ dịch hại lúa Hè Thu”.
+ Giai đoạn giữa – cuối vụ Hè Thu 2023: thực hiện 02 chuyên mục gồm “Phòng trừ sâu, bệnh vụ lúa Hè Thu, chủ động sản xuất vụ mùa 2023”, “Thêm một vụ lúa đặng mùa được giá” và 01 phóng sự ngắn ”Vui cùng giá lúa Hè Thu”.