Trả lời:
Ngày 09/10/2023, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp các Sở: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Công Thương, UBND các huyện, thị xã, thành phố khảo sát, kiểm tra thực tế tình hình hoạt động đối với Nhà máy rác của Công ty, kết quả tình hình triển khai, tiến độ thực hiện Nhà máy rác là chậm so với chủ trương đầu tư đã được UBND tỉnh phê duyệt và tình hình xây dựng, lắp đặt các hạng mục, công trình xử lý chất thải chưa đúng, đồng bộ theo báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt; hệ thống xử lý rác thải của 02 lò đốt hiện hữu của Nhà máy đã xuống cấp, công nghệ không có cải tiến, tính mới, quá trình hoạt động thường xuyên bảo trì, bảo dưỡng do đó lượng rác tồn đọng tính đến tháng 9/2023 khoảng 113.649,53 tấn.
Để xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường của Công ty, Sở Tài nguyên và Môi trường đã lập biên bản xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với Công ty trình UBND tỉnh xử lý theo quy định và yêu cầu Công ty khẩn trương tiến hành thực hiện ngay biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường, nhất là phương án, kế hoạch xử lý lượng rác tồn đọng, xây dựng lộ trình nâng cấp, cải tiến công nghệ tại nhà máy.
- Nguyên nhân:
+ Chủ quan: Công ty triển khai thực hiện dự án không đúng tiến độ theo chủ trương tỉnh, quy trình, hệ thống xử lý rác thải đã xuống cấp, công nghệ không có cải tiến, tính mới; không xây dựng, lắp đặt các hạng mục, công trình xử lý chất thải đúng, đồng bộ theo báo cáo ĐTM dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường kéo dài được cử tri, báo đài phản ánh nhiều lần.
+ Khách quan: Nhà máy rác phù hợp Quy hoạch chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh theo định hướng đến năm 2030, có ý nghĩa quan trọng đối với tỉnh Tây Ninh trong công tác xử lý rắn sinh hoạt, với dân số tỉnh Tây Ninh gần 1,2 triệu người, mỗi ngày chất thải sinh hoạt phát sinh khoảng 500 tấn/ngày, trong đó Nhà máy tiếp nhận, xử lý từ các khu vực: thành phố Tây Ninh, thị xã Hòa Thành và các huyện: Tân Châu, Châu Thành, Tân Biên, Dương Minh Châu khoảng 300 tấn/ngày (tỷ lệ xử lý đạt khoảng 60% cả tỉnh). Do đó, việc bố trí quy hoạch các khu xử lý rác khác để giảm tải việc xử lý cho Nhà máy rác đang được tỉnh xem xét, phê duyệt.
- Giải pháp thực hiện
Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các ngành tham mưu UBND tỉnh bổ sung Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thêm 02 khu xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh, bao gồm: (1) Khu xử lý vùng phía Bắc khu vực huyện Châu Thành – Tân Biên, với công suất 250 – 400 tấn/ngày, diện tích 50 – 70 ha; (2) Khu xử lý vùng Trảng Bàng – thị xã Trảng Bàng, với quy mô 150 – 200 tấn/ngày, diện tích 20 – 30 ha. Trong quá trình kêu gọi nhà đầu tư sẽ xem xét lựa chọn các đơn vị có năng lực, kinh nghiệm, sử dụng công nghệ xử lý rác thải hiện đại, tiên tiến đáp ứng quy chuẩn về môi trường. Hiện nay đã có nhà đầu tư xin chủ trương đầu tư nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tập trung công suất 1.800 tấn/ngày và sản xuất phân hữu cơ 300 tấn/ngày, diện tích 100 ha, tỉnh đang xem xét nếu được chấp thuận sẽ triển khai trong năm 2024, trên cơ sở đó sẽ thu gom, vận chuyển lượng rác hàng ngày về khu xử lý mới, nhà máy xử lý rác Tân Hưng của Công ty Cổ phần Công nghệ Môi trường Tây Ninh sẽ tiếp tục xử lý lượng rác tồn đọng (không tiếp nhận mới). Sau khi xử lý hoàn thành, khắc phục những hạn chế về môi trường còn tồn tại, tỉnh sẽ xem xét cho tiếp nhận lại rác thải nhưng trong phạm vi nhất định phù hợp công suất nhà máy.