Nâng cao nhận thức của nhân dân về mua bán người

Thứ ba - 30/07/2013 00:00 24 0
Những năm qua, tình trạng mua bán người trên địa bàn tỉnh xảy ra khá phức tạp, tính chất của bọn tội phạm ngày càng dã man với nhiều thủ đoạn khác nhau. Theo thống kê, từ năm 2005 đến tháng 6/2013, cả nước đã có 3.200 vụ mua bán người với 7.000 nạn nhân bị mua bán.

Riêng Tây Ninh, trong 6 tháng đầu năm 2013, Chi cục phòng, chống tệ nạn xã hội tiếp nhận 16 nạn nhân bị mua bán từ nước ngoài trở về, trong đó 11 nạn nhân tự nguyện trở về, 5 nạn nhận được Công an giải cứu.

Đa số phụ nữ bị buôn bán ra nước ngoài có hoàn cảnh gia đình khó khăn hay không có việc làm ổn định ở vùng nông thôn, vùng giáp biên giới. Lợi dụng địa bàn biên giới Việt Nam – Campuchia thuận tiện, các đối tượng mua bán người đã bán các cô gái nhẹ dạ cả tin vào cơ sở mại dâm, các nhà chứa dọc biên giới, ngoài ra chúng còn bán sang nước thứ 3 như Thái Lan, Malaysia, Singapo… Các đối tượng mua bán người đã dùng nhiều thủ đoạn để dụ dỗ và lừa gạt dưới danh nghĩa giúp họ tìm việc làm, rủ đi làm ăn, buôn bán, hợp tác lao động. Ông Đào Công Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH), cho biết tình trạng mua bán người dưới dạng xuất khẩu lao động cũng diễn ra phức tạp. Các chủ lao động thông qua tuyển dụng, đưa người ra nước ngoài rồi “giữ hộ” giấy tờ, hộ chiếu, ép lao động cưỡng bức và lạm dụng tình dục.

Nạn mua bán người rất phổ biến và trở thành ngành công nghiệp tội phạm lớn thứ 3 trên thế giới sau ma túy và mua bán vũ khí. Nạn mua bán người đã để lại hậu quả rất ghê gớm. Nạn nhân phải hứng chịu tổn thương tâm sinh lý, bị lạm dụng, hãm hiếp, đe doạ khủng bố gia đình và có thể chết.  

Những nạn nhân trở về với cộng đồng thường bị bêu rếu hoặc tẩy chay. Đa số phụ nữ bị buôn bán ra nước ngoài có hoàn cảnh khó khăn, học hành dở dang, nên khi được giải cứu hoặc tự trở về địa phương đã gặp không ít trở ngại khi tái hoà nhập cộng đồng vì không có nghề nghiệp ổn định. Một số ít thì đi làm mướn, phụ bán cà phê, bán trái cây ngoài chợ hoặc làm công nhân tại các khu công nghiệp. Còn phần lớn vẫn lông bông, việc làm không ổn định, thu nhập bấp bênh lại bị gia đình trách mắng, chồng con xa lánh, hàng xóm dị nghị nên rất dễ quay trở lại đường cũ.

Để đấu tranh phòng ngừa tội phạm mua bán người, các địa phương trong toàn tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và những thủ đoạn phức tạp và tinh vi của bọn buôn người để nâng cao nhận thức về phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em, nhất là tại các vùng trọng điểm, vùng sâu, vùng xa, biên giới và vùng có nguy cơ cao.

Phối hợp, thúc đẩy các cơ quan liên quan trong việc xác minh, trợ giúp nạn nhân trong việc nhập hộ khẩu, cấp giấy chứng minh thư nhân dân; hỗ trợ tạo việc làm cho nạn nhân thông qua các trung tâm dạy nghề và giới thiệu việc làm tại địa phương. Thực hiện lồng ghép hoạt động hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng với phòng ngừa nhằm tạo môi trường thuận lợi cho nạn nhân trở về và ngăn chặn có hiệu quả phụ nữ, trẻ em có nguy cơ bị buôn bán. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân và tập huấn nâng cao năng lực cán bộ trong công tác phòng ngừa hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng,...

MN (tổng hợp từ các báo)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây