Quy hoạch giao thông tốt sẽ giảm ùn tắc

Thứ ba - 19/08/2014 00:00 161 0
Trong một đô thị phát triển, việc di chuyển từ nơi này đến nơi khác là vô cùng quan trọng đối với người dân. Bởi nếu hạ tầng giao thông chưa phát triển, việc di chuyển sẽ rất khó khăn và mất ATGT.

 

Vòng xuyến đường dẫn cầu Vĩnh Tuy. Ảnh: Huy Hùng

Do đó, một đô thị phát triển thì việc cải thiện khả năng tiếp cận, tăng tính kết nối giữa các địa điểm, khu vực, từ đó hạn chế việc di chuyển của người dân chính là giải pháp hữu hiệu để giảm ùn tắc và hạn chế mất ATGT.

Mô hình không gian nén, giảm di chuyển

Để một đô thị phát triển thì các nhà quản lý phải quan tâm ngay từ khâu quy hoạch giao thông và quy hoạch không gian, bởi chúng có mối liên hệ rất chặt chẽ. Mô hình không gian của một TP được thiết lập bởi hệ thống giao thông vận tải, và sự phát triển của mạng lưới giao thông định hình các TP trong dài hạn. Đầu tư vào giao thông vận tải sẽ đạt được kết quả cao hơn nếu gắn liền với quy hoạch không gian ngay từ ban đầu. Tuy nhiên, với bất kỳ mô hình không gian nào, khoảng cách từ điểm xuất phát luôn là chìa khóa quyết định nhu cầu di chuyển.

Đặc biệt với một TP trung tâm, nếu bố trí không gian phù hợp không chỉ hạn chế nhu cầu dịch chuyển của người dân mà còn mang lại nhiều lợi ích, sự thuận tiện trong sinh hoạt. Ví như mô hình không gian nén, người dân đi từ nơi ở đến nơi làm có thể thực hiện được nhiều mục đích, việc di chuyển giảm. Thêm vào đó, khi các mô hình không gian nén được đặt liền kề nút giao thông, dân cư được bố trí gần nút giao thông, các điểm trung chuyển là các điểm trọng tâm trong phát triển bất động sản và hoạt động kinh tế, lợi ích sẽ nhân lên gấp bội. Bởi các nút giao thông thường là nơi tập trung không gian công cộng, dịch vụ y tế, mua sắm và các tiện ích cho cộng đồng. Phát triển xoay quanh các nút giao thông bao gồm sử dụng cho văn phòng, cửa hàng và nhà ở… sẽ làm tăng mức độ sử dụng phương tiện công cộng, tăng tiếp cận việc làm, giảm thiểu thời gian đi lại, khoảng cách di chuyển của mỗi người dân, hạn chế nhu cầu đi lại và sự phụ thuộc vào ô tô. Qua nghiên cứu cho thấy, việc phát triển xoay quanh các nút giao thông có thể làm giảm một nửa lượng phương tiện được sử dụng tính theo đầu người, từ đó cắt giảm chi tiêu liên quan đến xe cộ và tiết kiệm tới 20% thu nhập của các gia đình.

Hướng đến mạng lưới đường đồng bộ

Một mạng lưới giao thông có tính kết nối tốt sẽ giảm tắc nghẽn và hỗ trợ giao thông công cộng phát triển. Do đó, trong việc mở rộng các khu vực đô thị, cần quy hoạch để tạo ra một mạng lưới đường sá với các tuyến đường chính, đường thứ cấp, kết nối với nhau hợp lý. Thực tế, cứ mỗi 1 - 1,5km có thể xây dựng một tuyến đường chính, được liên kết bởi các tuyến đường địa phương. Làm như vậy, cư dân đô thị sẽ có nhiều lựa chọn, cụ thể từ điểm xuất phát đến đích người dân có thể đi bằng vô số đường thay thế, và dòng phương tiện luôn dễ dàng, thuận tiện để di chuyển, không bị tắc nghẽn. Hơn nữa, khi các ngã tư được thiết kế tốt sẽ tạo ra một mạng lưới giao thông hiệu quả. Bởi phần lớn các vụ tắc nghẽn trên các tuyến đường đều do lưu thông bị giới hạn tại ngã tư vì phải chờ đèn chứ không phải do quy mô của tuyến đường. Nói cách khác, cần chú trọng tạo dựng, thiết kế tốt mạng lưới đường hơn là mở rộng các tuyến đường, vì đôi khi, việc xây dựng các tuyến đường rộng hơn còn làm gia tăng tình trạng tắc nghẽn. Nghiên cứu ở hơn 100 địa điểm tại Canada, Australia và Nhật Bản cho thấy, khi diện tích dành cho   ô tô trên đường bị giảm, lượng ô tô đi lại cũng giảm vì người lái xe thay đổi lộ trình của họ. Bên cạnh đó, các TP này cũng triển khai quy hoạch, đổi mới, phát triển phương tiện giao thông công cộng để thu hút người dân. Chính những cách làm này khiến mật độ phương tiện lưu thông giảm từ 14 - 25% so với trước, trong khi nhu cầu sử dụng phương tiện công cộng tăng. Tình trạng tắc nghẽn, vấn đề môi trường được cải thiện.

Khi cơ sở hạ tầng đồng bộ, không gian quy hoạch bài bản, khoảng cách giữa các điểm trong đô thị được rút ngắn nhờ quy hoạch, kết nối giao thông thuận tiện, con người không phải di chuyển nhiều để đáp ứng những nhu cầu của mình. Do đó, giao thông sẽ bớt gánh nặng, sức ép về ùn tắc, quá tải, cùng với đó còn tiết kiệm nhiên liệu, giảm thiểu ô nhiễm khí thải và tiếng ồn. Sự an toàn không chỉ cho giao thông mà mọi phương diện cuộc sống, xã hội được tăng lên.

Theo  http://ktdt.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây