Tháng 7, trò chuyện với người 13 năm đi tìm hài cốt liệt sĩ

Chủ nhật - 14/07/2013 00:00 39 0
Nhân kỷ niệm 66 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27.7.1947 - 27.7.2013), chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Thượng tá Lê Văn Mỹ - Chính trị viên Đội K71, khi anh vừa kết thúc chuyến công tác ở Campuchia về nước.

 

Thượng tá Lê Văn Mỹ (thứ 4 từ phải qua) và đồng đội trao hài cốt liệt sĩ cho thân nhân

- PV: Thưa Thượng tá, với vai trò là Chính trị viên Đội K71 và người từng có thời gian 13 năm gắn bó với Đội, xin ông cho biết những suy nghĩ của mình qua hàng chục chuyến đi tìm hài cốt liệt sĩ trên đất bạn Campuchia?

- Thượng tá Lê Văn Mỹ: Chiến tranh đã lùi xa, đất nước thống nhất đã nhiều năm, nhưng ký ức về chiến tranh vẫn luôn hiện hữu trong mỗi con người Việt Nam. Biết bao bà mẹ mất con, vợ mất chồng, con mất cha luôn khắc khoải bởi chưa tìm được hài cốt người thân để đưa về quê nhà. Nỗi khắc khoải đó cũng là trách nhiệm của mỗi người lính chúng tôi. Mỗi cuộc hành trình, mỗi câu chuyện tìm người thân của từng gia đình đều có thể viết thành một câu chuyện đầy tình cảm thiêng liêng, sâu sắc mà những người sống dành cho những người đã hy sinh, trong đó có lúc đầy hy vọng và cũng có cả vô vọng.

- PV: Quá trình thực hiện nhiệm vụ, chắc chắn rằng Đội K71 đã gặp rất nhiều khó khăn?

- Thượng tá Lê Văn Mỹ: Đội quy tập K71 được thành lập tháng 11.2000. Suốt 13 năm qua, Đội đảm nhiệm trên địa bàn 5 tỉnh của Campuchia như: Kampong Cham, Siem Reap, Battambang, Oddar Meanchey và Banteay Meanchey. Dấu chân của chúng tôi đã in trên khắp các nẻo đường của 5 tỉnh, thành phố này ở nước bạn Campuchia. Địa bàn rộng và phức tạp, thi hài liệt sĩ lại được chôn cất phân tán trong rừng sâu, nên việc xác định vị trí mộ chính xác để tìm kiếm là cực kỳ khó khăn. Thời gian trôi qua quá lâu, cùng với sự bào mòn của mưa gió đã khiến vị trí xác định các ngôi mộ bị xê dịch đi rất nhiều so với những sơ đồ mộ chí mà đồng đội đã cung cấp. Cũng có khi các ngôi mộ đó đã bị san phẳng, cuốn trôi. Những nhân chứng, những người trực tiếp chôn cất hay chăm sóc các phần mộ có khi đã quá già hoặc không còn sống… Ngoài ra, còn một số khó khăn khác luôn thường trực với những người đi tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ như chúng tôi mà thường xuyên nhất là thiếu nước sinh hoạt. Hết nước, nếu gần dân còn có thể xin hoặc mua được; nếu xa dân chỉ còn cách tắm nước suối, giặt nước suối và ăn uống cũng là nước suối. Đôi khi có khu vực, cả nguồn nước suối cũng khó tìm.

- PV: Xin chia sẻ cùng ông và toàn Đội những khó khăn đã gặp phải trong suốt 13 năm qua. Với khoảng thời gian dài như vậy, chắc chắn rằng ông có không ít kỷ niệm sâu sắc?

- Thượng tá Lê Văn Mỹ: Nói đến kỷ niệm thì chúng tôi có rất nhiều. Song kỷ niệm mà tôi nhớ mãi đó chính là lần quy tập ở tại phum Kantuot, huyện Memot, tỉnh Kampong Cham. Đây là khu vực mộ của các liệt sĩ thuộc Ban cơ yếu Chính phủ. Đơn vị chúng tôi đã đào đi đào lại 12 lần, hơn hàng trăm mét khối đất mà vẫn không tìm được. Cán bộ, chiến sĩ vừa mệt nhọc, vừa đói khát, khí hậu trong rừng rất oi bức, khó thở, nước uống mang theo đã hết, hơn nữa khu vực này rất xa nhà dân. Với sự kiên trì, quyết tâm, chúng tôi quyết định chia thành 2 bộ phận: 1 bộ phận tiếp tục đào tìm, 1 bộ phận ra phum, sóc gặp dân xin nước uống và tìm các già làng nắm thêm thông tin.

Khi vào làng, chúng tôi gặp một ông cụ gần 90 tuổi, là người già nhất ở đây nhưng vẫn còn minh mẫn. Ông đang nằm trên võng vì bị heo rừng cắn không đi được cả 3 tháng rồi, chúng tôi khám vết thương và cho ông uống thuốc. Sau đó ông kể vụ B52 bỏ bom vào năm 1971, Bộ đội Việt Nam chết, được chôn trong đất trồng mì nhưng bây giờ ông đang bị thương nên không dẫn chúng tôi đi được, đường rừng xe mô tô cũng không chạy vào đó được. Chúng tôi bàn phương án lấy võng làm đòn khiêng ông đi, ông cười vui vẻ gật đầu. Đi đến 3 giờ chiều mới tới nơi chôn cất liệt sĩ theo như ông nhớ. Cán bộ, chiến sĩ đơn vị chúng tôi lập tức đào tìm, không bao lâu phát hiện 8 hài cốt liệt sĩ. Lúc này cán bộ, chiến sĩ hết sức vui mừng, quên cả mệt nhọc, đói khát. Cô Tư Hồng – thân nhân liệt sĩ ở Vũng Tàu xúc động ôm chúng tôi, do quá mừng cô ngất xỉu luôn tại chỗ.

- PV: Được biết 13 năm qua, Đội K71 đã quy tập được 1.723 bộ hài cốt liệt sĩ hy sinh trên đất bạn Campuchia đưa về nước. Đây là thành quả không nhỏ. Nhân kỷ niệm Ngày Thương binh – Liệt sĩ năm nay, ông có điều gì muốn chia sẻ cùng bạn đọc?

- Thượng tá Lê Văn Mỹ: Tuy đã nỗ lực hết sức mình, nhưng đến nay vẫn còn nhiều liệt sĩ nằm trên đất bạn chưa tìm được hài cốt. Điều đó đã khiến nỗi thương đau trong lòng những người thân kéo dài và cũng là nỗi xót xa đối với mỗi người lính chúng tôi. Với trách nhiệm và nghĩa tình sâu nặng, chúng tôi hứa quyết tâm vượt mọi khó khăn, gian khổ, thậm chí có thể hy sinh cả tính mạng mình để tìm kiếm, cất bốc cho hết số hài cốt quân tình nguyện Việt Nam và chuyên gia hy sinh trong các cuộc chiến tranh ở Campuchia đưa về nước.

- PV: Xin cám ơn Thượng tá về cuộc trao đổi hôm nay. Hy vọng rằng với quyết tâm đó, ông và đồng đội sẽ gặp nhiều thuận lợi trong những chuyến công tác sau, để đưa cho hết hài cốt liệt sĩ hy sinh trên đất Campuchia về với quê hương, về với gia đình và người thân.

Theo BTNO

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây