Văn hóa giao thông với bình yên sông nước

Thứ tư - 18/06/2014 00:00 47 0
Ban Chỉ đạo cuộc vận động “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” vừa ban hành Kế hoạch số 05/KH/BCĐ thực hiện cuộc vận động “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”.

Mục đích Kế hoạch nhằm đảm bảo thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04/9/2012 của Ban Bí thư về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông; Chỉ thị số 20/CT-TTG ngày 03/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn TNGT hàng hải và đường thủy nội địa.

Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các ngành chức năng, tinh thần trách nhiệm và thái độ ứng xử có văn hóa của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ; đồng thời phát huy ý thức tự giác chấp hành pháp luật TTATGT đường thủy nội địa, xây dựng nếp sống văn hóa của người tham gia giao thông đường thủy.

Nội dung kế hoạch tập trung đẩy mạnh thực hiện Chương trình hành động “Vì an toàn trẻ em trên sông nước” năm 2014 với các nội dung sau:

Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh (phòng Cảnh sát giao thông) và Ban An toàn giao thông các huyện, thành phố có đường thủy thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các chủ bến phà, bến đò ngang sông và chủ các phương tiên chở khách ngang sông phải trang bị đủ áo phao, dụng cụ nổi cứu sinh; có trách nhiệm nhắc nhở, buộc người đi phà, đi đò phải mặc áo phao trước khi xuống phà, xuống đò. Rà soát, thống kê số học sinh thường xuyên đi học bằng phương tiện thủy hiện chưa có áo phao để có kế hoạch mua, cấp cho các em, đảm bảo mỗi học sinh phải có 01 áo phao. Tổ chức tuyên truyền cho các em học sinh nắm và chấp hành nghiêm pháp luật TTATGT đường thủy nội địa; văn hóa giao thông đường thủy; cách phòng, chống đuối nước ở trẻ em; sử dụng áo phao, dụng cụ nổi cứu sinh khi đi trên phương tiện thủy...

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo phát triển và nhân rộng phong trào phổ cập bơi cho học sinh các trường tiểu học, trung học có sở; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, hướng dẫn viên bơi lặn, hướng dẫn viên cứu đuối; mở một số lớp dạy bơi thí điểm ở các địa bàn trọng điểm.

Sở Y tế, Hội Chữ thập đỏ tỉnh tổ chức các lớp tập huấn sơ cấp cứu trẻ em bị tai nạn đuối nước cho các lực lượng: Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông đường thủy, học sinh, sinh viên, những người đưa đò...

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh chỉ đạo các trường học thường xuyên phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường, xã hội trong bảo đảm TTATGT đường thủy với phòng chống đuối nước ở trẻ em ở các địa bàn trọng điểm; tạo nhiều sân chơi cũng như các hoạt động vui chơi, làn mạnh thu hút các em tham gia, nhất là trong dịp hè, để các em hạn chế đi tắm (sông, suối, ao, hồ, kênh, rạch...) nhằm tránh những tai nạn đuối nước đáng tiếc xảy ra. Phải đưa tiêu chí “Buộc các học sinh thường xuyên đi học bằng phương tiện thủy phải mặc áo phao” vào nội quy của nhà trường; học sinh nào vi phạm sẽ bị hạ bậc hạnh kiểm.

Báo Tây Ninh chủ trì phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh phát động cuộc thi viết về chủ đề “Vì một môi trường đường thủy an toàn với trẻ em” trong khối các trường tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh (nếu Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia phát động).

Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh tổ chức sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện mô hình “Khu dân cư an toàn” tại xã Phước Chỉ thuộc huyện Trảng Bàng, đồng thời phát động xây dựng mới mô hình “Bến phà an toàn, văn minh, văn hóa” tại phà Bến Đình thuộc huyện Bến Cầu (thực hiện trong tháng 5/2014).

Mở đợt tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân, người tham gia giao thông sử dụng áo phao, dụng cụ nổi cứu sinh khi đi đò, đi trên phương tiện chở khách sang sông.

Ban Chỉ đạo cuộc vận động tỉnh và Ban An toàn giao thông các huyện, thành phố có đường thủy chỉ đạo các cơ quan truyền thông tỉnh và lực lượng chức năng xây dựng các phóng sự, băng hình, tờ rơi, khẩu hiệu nội dung tuyên truyền việc sử dụng áo phao, dụng cụ nổi cứu sinh khi đi đò, đi trên phương tiện chở khách ngang sông.

Phát huy hệ thống truyền thanh xã, phường, thị trấn tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền Luật Giao thông đường thủy nội địa bằng hình thức phát thanh tại các bến phà, bến đò, bến khách ngang sông nhằm nâng cao nhận thức của người tham gia giao thông đường thủy nội địa.

MN

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây