Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ Công an, hiện nay cả nước có khoảng 170.000 người nghiện. Việc cai nghiện chủ yếu được thực hiện tại các trung tâm, cách ly khỏi môi trường thuốc, cai nghiện cắt cơn trong khoảng thời gian dài nhất định như 12 hoặc 24 tháng, với hy vọng khi trở về cộng đồng họ có thể cai nghiện. Tuy nhiên theo một số “người trong cuộc” cho biết cắt cơn chỉ là một quy trình rất nhỏ, cần nhiều yếu tố để bỏ được ma tuý như điều trị về tâm lý, nhận thức được sự quan tâm của cộng đồng và gia đình.
Thực tế trong các chương trình cai nghiện hiện nay của các Trung tâm mới chỉ quan tâm đến điều trị cắt cơn, giữ học viên trong trung tâm, thiếu mất chương trình hỗ trợ, đào tạo kỹ năng cho gia đình hỗ trợ tâm lý, giúp người nghiện tái hoà nhập với xã hội. Chính vì vậy, tỷ lệ người tái nghiện vẫn còn cao. Những người nghiện rất muốn từ bỏ ma tuý nhưng rất sợ bị quản lý, phân biệt đối xử. Thậm chí ngay cả khi có việc làm họ vẫn sợ bị cơ quan quản lý truy hỏi về khả năng tái sử dụng ma tuý. Họ rất mong đợi nhiều mô hình, sự trợ giúp, động viên từ cộng đồng.
Một thời gian dài cộng đồng và xã hội coi những người nghiện ma tuý là đối tượng tệ nạn xã hội, thậm chí là tội phạm, thể hiện rõ ở chỗ các trung tâm cai nghiện bắt buộc có chế độ hoạt động như là trại tạm giam, gia đình, cộng đồng kỳ thị đối với người nghiện. Vì vậy đã đến lúc cần phải thay đổi căn bản nhận thức, cần coi đây là một căn bệnh mãn tinh và gia đình có trách nhiệm chính trong vấn đề này.
Trước những bất cập nêu trên, phát biểu tại hội nghị trực tuyền toàn quốc sơ kết công tác phòng, chống AIDS và phòng, chống ma tuý, mại dâm 6 tháng đầu năm 2013, ông Nguyễn Trọng Đàm, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang xây dựng Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma tuý theo hướng giảm dần việc điều trị bắt buộc tại các trung tâm, tăng dần điều trị tự nguyện tại cộng đồng, ưu tiên mở rộng điều trị bằng methadone đang được triển khai thí điểm tại một số địa phương, cùng với đó kết hợp với các biện pháp hỗ trợ khác như: tư vấn sức khoẻ, hỗ trợ kỹ năng sống, hỗ trợ nghề nghiệp tại cộng đồng. Còn về các trung tâm sẽ có lộ trình giảm dần số lượng, các trung tâm này sẽ chuyển từ cai nghiện bắt buộc sang tự nguyện và cung cấp dịch vụ xã hội, nâng cao chất lượng hỗ trợ cai nghiện.
Cũng theo ông Đàm với mô hình cai nghiện tại cộng đồng, người nghiện vẫn sống trong cộng đồng, nhận được sự trợ giúp về y tế, dịch vụ xã hội. Thực sự trong quá trình chữa bệnh họ vẫn là người có ích, thay vì đưa họ vào các trung tâm, tách rời xã hội 1 hoặc 2 năm, khi trở về bản thân họ bị ngỡ ngàng, xã hội coi họ như những người vừa đi cải tạo về. Rõ ràng là so sánh với mô hình trung tâm tập trung thì mô hình cộng đồng ưu việt hơn vì y tế và xã hội gắn bó với nhau, tạo cơ hội cho người nghiện hoà nhập cộng đồng. Đề án này đang được Bộ Lao động, Thương bình và Xã hội khẩn trương hoàn chỉnh, để trình Chính phủ xem xét, phê duyệt.
N.Q