Ảnh minh hoạ |
Cây mía là một trong những cây trồng chính của Tây Ninh. Trong những năm qua, tỉnh đã tập trung đầu tư cho cây mía phát triển, như: Quy hoạch vùng nguyên liệu mía cho 3 nhà máy đường đến năm 2010; lập đề án điều chỉnh quy hoạch vùng sản xuất mía đường tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020; xây dựng hệ thống thuỷ lợi, hệ thống giao thông nội đồng… từng bước hình thành vùng nguyên liệu mía tập trung. Từ đó đã từng bước giải quyết được việc mất cân đối giữa sản xuất và chế biến đường trên địa bàn tỉnh. Sản xuất mía đường ở Tây Ninh đi vào hoạt động ổn định, hằng năm tăng nguồn thu cho ngân sách của tỉnh, tạo việc làm cho người lao động và góp phần nâng cao đời sống của bà con nông dân trồng mía. Việc thực hiện chính sách hỗ trợ tạm thời cho đối tượng trồng mới cây mía trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2009 - 2011, theo quy hoạch chuyển đổi cây trồng, chuyển diện tích mía ở vùng cao xuống vùng thấp, trên chân lúa một vụ, năng suất thấp và đất bàu, trảng… đã đem lại kết quả năng suất mía cây bình quân đạt 70 tấn/ha (năng suất mía trên vùng đất cao chỉ đạt 50 tấn/ha). Từ đó năng suất, sản lượng, chất lượng mía không ngừng được nâng lên, đảm bảo cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy đường trong tỉnh hoạt động.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai hỗ trợ còn gặp một số khó khăn như: sự cạnh tranh của một số cây trồng khác có lợi nhuận cao hơn cây mía; diễn biến thời tiết trong thời gian qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và chế biến mía đường trên địa bàn tỉnh; việc tổ chức thu hoạch mía chưa tốt, nên tổn thất sau thu hoạch cao (tổn thất về chữ đường) dẫn đến năng lực cạnh tranh trong ngành đường kém… Nhằm tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện cho ngành mía đường phát triển ổn định, bền vững, tỉnh tập trung vào các giải pháp: tiếp tục đầu tư về cơ sở hạ tầng; tập trung thử nghiệm hoàn chỉnh các loại máy móc phục vụ cơ giới hoá đồng bộ trong sản xuất mía; tiếp tục khảo nghiệm các bộ giống mía phù hợp với điều kiện của Tây Ninh; tiếp tục hỗ trợ đầu tư cho diện tích mía trồng mới. Đối với giải pháp tiếp tục hỗ trợ đầu tư cho diện tích mía trồng mới, UBND tỉnh cho biết, đối tượng được hỗ trợ là các tổ chức và cá nhân có diện tích mía trồng mới trên địa bàn tỉnh. Điều kiện được hỗ trợ là diện tích mía trồng mới có ký hợp đồng đầu tư hoặc ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với nhà máy đường trên địa bàn tỉnh. Mức hỗ trợ là 1 triệu đồng/ha. Dự kiến hỗ trợ cho đối tượng trồng mới cây mía trên địa bàn tỉnh trong 3 niên vụ, với khoảng 20.000 ha, tổng kinh phí hỗ trợ khoảng 20 tỷ đồng. Nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách tỉnh.
Theo BTNO