Cây kèo nèo trên đất Tân Bình

Thứ ba - 05/03/2013 00:00 135 0
Hơn chục năm nay, người nông dân xã Tân Bình, thị xã Tây Ninh phát triển trồng cây kèo nèo cho thu nhập khá cao. Nhờ cây kèo nèo, gần trăm hộ nông dân ở xã Tân Bình đã có cuộc sống tương đối ổn định.

 

 

Hơn 10 năm về trước, nhiều người nông dân ở ấp Tân Phước, xã Tân Bình gặp nhiều khó khăn khi trồng lúa trên đất vừa cằn cỗi lại là dạng đất thấp. Mấy năm gần đây, cây kèo nèo đã “bén duyên” với mảnh đất này. Mô hình trồng kèo nèo trên đất lúa kém hiệu quả do Hội Nông dân và Trạm Bảo vệ thực vật Thị xã triển khai đã mang lại đời sống ổn định hơn cho người dân nơi đây.

 Anh Võ Hồng Hải- người đã có thâm niên gần 10 năm trồng cây kèo nèo, đồng thời là tổ trưởng Tổ liên kết sản xuất rau kèo nèo tại ấp Tân Phước cho biết: Từ ngày gia đình anh quyết định chuyển diện tích đất bạc màu qua trồng kèo nèo thì thu nhập hằng năm cao hơn nhiều. Với gần 2 công đất trồng cây kèo nèo, mỗi năm, sau khi trừ chi phí, gia đình anh thu lãi được gần 20 triệu đồng. “Trước đây mỗi công trồng lúa chỉ thu nhập khoảng 4 triệu đồng, nay trồng kèo nèo thì thu nhập được khoảng 10 triệu đồng”, anh Hải nói.

Ông Đặng Thanh Nhân - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Bình cho biết, kèo nèo là loại rau dễ trồng, từ lúc trồng cho đến lúc thu hoạch khoảng 1 tháng, mỗi đợt thu hoạch liên tục 30 ngày, trung bình 1 công thu được 5 tấn rau, trừ chi phí mỗi đợt có lãi không dưới 3,5 triệu đồng và mỗi năm có thể trồng 5 đợt rau. Thấy được hiệu quả của cây kèo nèo nên nhiều hộ dân ở xã Tân Bình đã chuyển sang trồng loại cây này. Hiện nay ở xã Tân Bình có khoảng gần 100 hộ tham gia trồng cây kèo nèo với diện tích gần 50 ha, chủ yếu tập trung ở ấp Tân Phước. Trong đó, hộ có đất sản xuất ít nhất là 1.000m2, hộ nhiều nhất có gần 1 ha. Xã Tân Bình cũng đã thành lập được 1 tổ liên kết sản xuất rau kèo nèo an toàn với 20 hộ nông dân tham gia.

Để nâng cao hiệu quả từ việc trồng cây kèo nèo, Trạm Bảo vệ thực vật Thị xã đã tổ chức nhiều lớp tập huấn về quy trình sản xuất rau an toàn cho bà con nông dân, tập huấn điều kiện canh tác, cách bón phân, lấy nước, các biện pháp xử lý dịch bệnh trên rau, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, cách ghi chép nhật ký đồng ruộng để sản xuất rau an toàn. Đồng thời mỗi hộ nông dân được hỗ trợ cho mỗi gia đình vay 3 triệu đồng để mua phân bón, thuốc trừ sâu sinh học.

Tuy nhiên, cái khó của nông dân trồng kèo nèo tại Tân Bình đang gặp là đầu ra của sản phẩm. Hiện nay nông dân trồng kèo nèo hầu như đang phải chịu sự chi phối của thương lái nên giá cả còn khá bấp bênh. “Tui chỉ mong muốn ngành chức năng và chính quyền hỗ trợ đầu ra để sản phẩn kèo nèo có thể đi vào những nơi có uy tín như siêu thị, các chợ đầu mối… Bây giờ bà con chủ yếu bán cho thương lái, lúc cần hàng thì mua nhiều và giá cả cao, lúc không cần thì chỉ mua cầm chừng và giá giảm. Ngoài ra người nông dân cũng mong được hỗ trợ thêm vốn để đầu tư phát triển sản xuất”, tổ trưởng Tổ liên kết sản xuất rau kèo nèo tại ấp Tân Phước tâm sự.

Theo BTNO

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây