Nuôi vịt- lợi nhuận cao nhưng ẩn chứa nhiều rủi ro

Chủ nhật - 17/02/2013 00:00 292 0
Dân gian có câu “muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo, muốn nghèo nuôi vịt”. Thực tế, nghề nuôi vịt ẩn chứa nhiều rủi ro. Nếu được giá, thì người nuôi vịt có thu nhập cao, nhưng khi rớt giá, thì người nuôi vịt rơi vào cảnh nợ nần. Nghề nuôi vịt thịt tại Tây Ninh những năm qua đã nhiều lần rơi vào thực trạng thăng trầm ấy.

Mô hình nuôi cá, vịt ở Lộc Ninh (huyện Dương Minh Châu). Ảnh: Hoàng Anh

 

 

Gia đình anh Huỳnh Văn Lý ở xã Ninh Thạnh, thị xã Tây Ninh đã nhiều phen “buồn vui” với nghề nuôi vịt thịt. Năm 2010, anh Lý gom góp vốn liếng mua 500 con vịt về nuôi. Sau 2 tháng, anh Lý bán đàn vịt lãi được 12 triệu đồng. Hăm hở với thành công ban đầu, anh Lý quyết định tăng đàn lên 1.000 con. Hai tháng sau, bán vịt anh Lý lại bị lỗ đến 36 triệu đồng. Số tiền lỗ vụ sau cao gấp 3 lần số tiền lãi mà vụ trước anh Lý kiếm được. Nguyên nhân chính là do giá cả thất thường.

 Không chỉ bị lỗ vì giá cả, người nuôi vịt lắm khi bị lỗ nặng do vịt chết. Gia đình chị Đoàn Thị Muộn, cũng ở xã Ninh Sơn, thị xã Tây Ninh, năm 2010 nuôi 1.000 con vịt thịt. Trong 3 vụ liên tiếp, chị Muộn bán vịt lãi được 120 triệu đồng. Thừa thắng xông lên, chị Muộn hăng hái đầu tư nuôi vịt vụ thứ 4 với tổng đàn 900 con. Rủi ro, trong 900 con vịt có tới 200 con bị chết dẫn đến vụ này chị Muộn bị lỗ 30 triệu đồng. Không cam chịu thất bại, chị Muộn tiếp tục nuôi vịt với quy mô 2.000 con. Nhưng sau vài tuần, trong 2.000 con có đến hơn 1.700 con chết, gây thiệt hại đến 50 triệu đồng. Chị Muộn rất bức xúc về chất lượng vịt giống: “Con giống tốt xấu là từ trong trứng bố mẹ, nông dân không kiểm soát được. Nếu gặp giống xấu, vịt bị chết cũng lỗ mà chậm lớn cũng bị lỗ. Hầu hết người nuôi vịt hiện nay phụ thuộc vào nơi bán vịt giống, đặt bao nhiêu thì họ giao bấy nhiêu chứ biết đâu mà lựa”.

Thực tế cho thấy, con giống và giá cả là 2 yếu tố chính quyết định sự thành bại của một vụ nuôi vịt thịt. Lâu nay, bà con nuôi vịt tại Tây Ninh thường mua vịt giống từ Công ty Giống gia cầm VIGOVA (TP. Hồ Chí Minh). Tuy nhiên, chất lượng vịt giống từ công ty cũng chưa thật sự bảo đảm để nhà nông yên tâm. Còn nguồn giống từ các nơi khác thì hiện nay chưa được đơn vị có chức năng kiểm soát chất lượng giống để khuyến cáo cho dân. Về giá cả khi vịt đến kỳ thu hoạch, nếu giá thu mua từ các vựa dưới 50.000 đồng/kg, xem như bà con cầm chắc bị lỗ. Trong khi đó, người nuôi vịt không thể cầm cự vịt chờ tăng giá, vì tiền thức ăn, chi phí thuốc men cho vịt mỗi ngày tốn kém hơn nhiều so với số tiền lỗ nếu bán với giá thấp. Ngoài ra, người nuôi vịt hiện nay chưa được trang bị kiến thức bài bản từ các lớp tập huấn của ngành Khuyến nông. Đây cũng là hạn chế, khiến bà con chịu thiệt thòi, rủi ro trong quá trình chăn nuôi.

Chị Lê Thị Lệ Xuân, cán bộ Trạm Khuyến nông thị xã Tây Ninh cho biết: “Một trong những hạn chế trong công tác khuyến nông hiện nay là phải thực hiện theo kế hoạch. Thí dụ mỗi năm kế hoạch cho huyện này bao nhiêu xuất trình diễn, điểm trình diễn thì cũng chỉ giới hạn bấy nhiêu đó thôi. Còn việc tập huấn, số lượng lớp cũng có hạn và số người tham gia cũng chỉ khoảng 20 nông dân cho mỗi lớp mà thôi. Hạn chế của việc tập huấn là do lệ thuộc nguồn kinh phí địa phương”. Chị Xuân khuyến cáo: “Về con giống, bà con nên đến trạm khuyến nông các huyện, thị để được tư vấn về các công ty có con giống tốt”.

Theo BTNO

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây