Lão nông năng động

Thứ hai - 14/01/2013 00:00 151 0
Ở tuổi 62, nhưng ông Phùng Nhật Phong (ngụ ấp Gia Huỳnh, xã Gia Lộc, huyện Trảng Bàng) chưa ngơi nghỉ. Ngược lại, ông còn đang chuẩn bị kế hoạch sản xuất hàng loạt sản phẩm từ trái thanh long ruột đỏ của mình.

Ông Phong giới thiệu hệ thống điều khiển điện tự động cho vườn thanh long ruột đỏ của mình.

 

Chúng tôi đến thăm trại trồng thanh long ruột đỏ của ông Phong vào chiều 9.1.2013. Người chủ trang trại vui vẻ đưa chúng tôi đi tham quan vườn. Trên mảnh đất 1 ha, ông trồng những hàng thanh long thẳng tắp. Giữa các hàng cây này, ông còn trải thảm để giữ ấm cho đất và hạn chế cỏ mọc. Ông Phong kể, quê ông ở Tiền Giang- xứ sở của trái cây Nam bộ. “Từ nhỏ, tôi đã thấy ông bà, cha mẹ của mình trồng cây ăn trái, nên được hưởng cái “máu” làm vườn”, ông Phong nói. Lớn lên ở TP. Hồ Chí Minh, lập gia đình và được cha mẹ vợ chia cho 1 ha đất hương hoả ở ấp Gia Huỳnh. Thế là năm 2006, ông rời nơi phồn hoa đô hội về xứ Trảng lập nghiệp. Ông bắt đầu tìm tòi, nghiên cứu khí hậu, thổ nhưỡng để trồng cây ăn quả.

Năm 2007, ông Phong bắt đầu trồng thanh long ruột đỏ và cũng là người đầu tiên trồng giống cây này ở Tây Ninh. Ban đầu, ông trồng thử nghiệm 500 trụ, mỗi trụ 4 hom giống. Một năm sau, vườn cây bắt đầu cho thu hoạch, giá bán 25.000 đồng/kg- cao gấp 10 lần thanh long ruột trắng. Đặc biệt, thanh long ruột đỏ trồng ở Tây Ninh thịt chắc, giòn, ngon ngọt, nên được nhiều người ưa chuộng. Thấy có khả năng phát triển, ông mở rộng vườn lên 1.500 trụ. Ông Phong chia sẻ: “Giống thanh long ruột đỏ này được lai tạo giữa giống thanh long ruột đỏ nhập từ Columbia và giống thanh long ruột trắng Bình Thuận, nên cây rất khoẻ”. Ông còn áp dụng phương pháp chiếu ánh đèn vào cây thanh long vào ban đêm để kích thích cho ra trái quanh năm. Đặc biệt, ông nghiên cứu và áp dụng thành công hệ thống điều khiển tắt, mở điện tự động nên rất tiết kiệm điện. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên vườn thanh long của ông luôn đạt năng suất cao. Chỉ tính riêng năm 2012, ông thu hoạch được khoảng 30 tấn trái. Giá bán tại vườn lúc đó là 56.000đ/kg, trừ chi phí, gia đình ông lãi gần 1 tỷ đồng. Hiện nay thanh long ruột đỏ của ông Phong chủ yếu bán cho một công ty ở TP. Hồ Chí Minh để xuất khẩu. Ngoài việc bán trái, ông Phong còn bán hom giống và nhiệt tình hướng dẫn kỹ thuật trồng cho người dân nào có nhu cầu. Nhờ thế, mà đến nay, theo ông Phong ước tính ở Tây Ninh đã có hơn 27 ha thanh long ruột đỏ đang cho trái.

Có nhiều người trồng thanh long ruột đỏ, lão nông xứ Trảng này bắt đầu nghĩ đến những dự án lớn hơn từ sản phẩm thanh long ruột đỏ. Ông cho chúng tôi xem giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp, trong đó gồm hơn 10 sản phẩm làm từ thanh long ruột đỏ như: nước ép trái cây, rượu vang, giấm, bánh các loại, kem các loại, chiếc xuất tinh dầu, sản xuất phẩm màu dạng tinh bột và dạng lỏng, trà túi lọc, kẹo trái cây, bông thanh long ruột đỏ sấy khô, thực phẩm chức năng thể lỏng, loại viên và thạch từ thân cây thanh long... Ông Phong cho biết, hiện nay ông chuẩn bị liên doanh với nhiều công ty khác để sản xuất hàng loạt sản phẩm từ trái thanh long ruột đỏ.

Với đức tính cần mẫn và năng động, lão nông mới học hết cấp 3 này trong 3 năm liền được bình chọn là doanh nhân tiêu biểu của tỉnh. Hiện nay, ông còn còn ấp ủ một ước mơ táo bạo hơn là xây dựng một nhà máy chế biến các sản phẩm từ thanh long ruột đỏ và mở rộng diện tích trồng loại cây này lên đến 700 ha.

 

 

 TS. Võ Mai - Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam nhận xét: “Nông dân Phùng Nhật Phong là một nhà làm vườn có đầu óc sáng tạo. Những ý tưởng của anh có tính khả dụng cao. Tận dụng được hết quả thanh long từ vỏ đến ruột, từ đó nâng cao được giá trị kinh tế.

Thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh tiến hành thành lập tổ sản xuất thanh long ruột đỏ theo hướng an toàn VietGAP, đồng thời đưa vào áp dụng những công nghệ mới mà anh Phong đã áp dụng để chế biến trái thanh long”.

Theo BTNO

 

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây