Mát tay nuôi rắn mối

Thứ tư - 09/01/2013 00:00 338 0
Ở Tây Ninh mấy năm gần đây, trong khi nhiều người nuôi rắn mối thất bại, thì anh Nguyễn Phi Hùng, 32 tuổi ở ấp Suối Dộp, xã Thái Bình, huyện Châu Thành lại tỏ ra khá “mát tay” với mô hình làm ăn này.

Anh Hùng giới thiệu mô hình nuôi rắn mối của mình.

 

 

Tham quan chuồng rắn mối của anh Hùng vào một ngày cuối năm 2012, chúng tôi không khỏi bất ngờ khi thấy chuồng trại nuôi rắn mối của anh được xây cất khá đơn sơ, không “quy mô” như nhiều trại khác. Anh Hùng dùng những tấm tôn phẳng, dựng bao quanh miếng đất nhỏ, diện tích chỉ có 30m2. Trong đó, anh ngăn ra thành 3 chuồng. Chuồng lớn nhất rộng khoảng 10m2, nuôi gần 700 - 800 cá thể rắn mối. Phần diện tích còn lại, anh ngăn ra thành 2 chuồng nhỏ, để nuôi riêng rắn mối sinh sản và rắn mối con. Trong mỗi chuồng, anh chất vào một đống bẹ dừa, cùng với lá dừa khô và một ít gạch ống, làm nơi cho rắn mối trú ngụ. Trên đống bẹ dừa, có cả mái tôn để che mưa nắng cho chúng. Trong mỗi chuồng, anh Hùng bố trí máng đựng nước cho chúng uống và làm hệ thống thoát nước để tránh úng ngập khi trời mưa. Trên mặt chuồng, anh Hùng cho cỏ mọc hoang dại như ngoài thiên nhiên. Đây là điều mà nhiều người nuôi rắn mối khác không chú ý. Theo giải thích của anh Hùng: “Rắn mối là động vật hoang dã, thích sống trong cây cỏ, bụi rậm, nên mình phải tạo môi trường gần giống với tự nhiên, chúng mới khoẻ mạnh và sinh sản được”.

 Cũng theo anh Hùng, thức ăn dùng cho rắn mối rất đơn giản. Cơm nguội, cá ươn, cám, thức ăn gia súc và các loại trái cây chín như trái trứng cá, chuối… chúng đều không chê. Chúng đặc biệt thích ăn các loại côn trùng như mối và trứng kiến. Trong mỗi chuồng rắn mối, anh Hùng luôn để sẵn một mớ tổ mối cho chúng ăn. Anh giở tấm tôn đậy đống bẹ dừa, chỉ cho chúng tôi xem, trong đó có nhiều tổ mối đang sinh sôi nảy nở, còn lũ kiến thì đang xúm nhau làm tổ. “Đấy, khi nào đói thì chúng tự bươi tổ mối hoặc tổ kiến để kiếm ăn. Nhờ chuẩn bị sẵn thức ăn như vầy nên nhiều khi bận công việc, ba, bốn ngày liên tục tôi không cho ăn, chúng cũng không sao”- anh Hùng cho biết.

Việc anh Hùng đến với nghề nuôi rắn mối cũng khá tình cờ. Nhiều năm về trước, vợ chồng anh Hùng chuyên kiếm sống bằng nghề bán gà, bán cút nướng ở Thị xã. Nhà luôn có nhiều chuồng gà, chuồng cút. Vừa chăn nuôi, vừa buôn bán, công việc gần như chiếm hầu hết thời gian trong ngày của anh Hùng. Năm 2011, một hôm xem ti vi, thấy người ta giới thiệu mô hình nuôi rắn mối ở các tỉnh miền Tây khá hiệu quả, anh Hùng nảy ý định “làm thử”. Thế là, lần theo địa chỉ được mách bảo, anh khăn gói tìm về tận Vĩnh Long, Bến Tre để học hỏi kinh nghiệm nuôi rắn mối. Trở về Tây Ninh, anh liền bắt tay vào việc. Anh bỏ tiền đầu tư làm chuồng và mua 800 con rắn mối giống về nuôi. Anh lại bắt thêm một số rắn mối ngoài tự nhiên thả vào chuồng để nuôi chung, nâng số lượng đàn rắn mối lên gần 1.000 con. Sau vài tháng, đàn rắn mối của anh Hùng bắt đầu sinh sản. Một số bà con địa phương thấy mô hình chăn nuôi rắn mối của anh Hùng có vẻ đơn giản, dễ làm ăn nên đã tìm đến mua con giống về nuôi thử. Rắn mối trưởng thành, anh Hùng bán với giá 15.000 đồng/con, rắn mối con từ 10.000 - 12.000 đồng/con tuỳ kích cỡ. Theo ý kiến của anh Hùng, bà con mới nuôi rắn mối lần đầu, chưa có kinh nghiệm thì nên chọn con giống đã trưởng thành sẽ dễ thành công hơn. Anh cũng cho biết: “Hiện nay, tôi chỉ bán rắn mối giống chứ chưa bán rắn mối thịt. Con giống hiện không đủ để bán, nên có khi tôi phải bán gần hết rắn mối đang sinh sản cho bà con, chỉ chừa lại rắn mối con.             

Mặc dù đã thành công bước đầu với mô hình nuôi rắn mối, nhưng anh Hùng vẫn tỏ ra khá dè dặt, thận trọng. Anh vẫn vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, đồng thời để ý nghe ngóng, thăm dò thị trường. Hiện, anh chưa dám mở rộng quy mô chuồng trại, tăng số lượng bầy đàn vật nuôi. Anh nói: “Mình cũng chỉ mới nuôi thôi, cứ để xem thử ra sao cái đã”.

Ông Nguyễn Triệu Hồng- Chủ tịch Hội Nông dân xã Thái Bình nhận xét: “Anh Hùng là người đầu tiên của xã này nuôi rắn mối thành công. Bước đầu cho thấy, loài bò sát này đã đem lại hiệu quả kinh tế cho người nuôi. Nếu có được thị trường tiêu thụ con giống và thịt rắn mối, thì chúng tôi khuyến khích nhân rộng mô hình này ra cho nhiều người cùng làm, để cải thiện cuộc sống gia đình.

Theo BTNO

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây